| Hotline: 0983.970.780

Con em nông dân đang học hành như thế nào? - [Bài II] Những lời tâm huyết của thế hệ đi trước

Thứ Ba 03/12/2019 , 10:13 (GMT+7)

Những lời tâm huyết và lo lắng của lớp tiền bối cho tương lai nền nông nghiệp Việt Nam.

Sự khác biệt giữa các thế hệ

GS.TS Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kể về những năm 50 của thế kỷ trước khi học Đại học Nông nghiệp, cả xã hội còn đói nên mọi người rất quý trọng nông nghiệp: Vào trường nông nghiệp phần lớn là con em nông dân. Tôi nghĩ bố mẹ mình làm lụng quanh năm mà chưa hết mùa đã hết gạo ăn nên học nông nghiệp để góp phần thay đổi cuộc sống của bố mẹ, quê hương, đất nước mình.

GS Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT.

Hồi đó Nhà nước có chủ trương đào tạo rất hợp lý. Những nhà khoa học lớn như Bác học Lương Định Của, Giáo sư Bùi Huy Đáp chẳng hạn đều quan niệm đào tạo nông nghiệp không phải chỉ ở trường mà phải kết hợp với thực tiễn. Trên ghế nhà trường chỉ có thể trang bị những kiến thức rất cơ bản, sinh viên phải xuống với nông dân để hiểu nông dân và học từ nông dân.

Tôi còn nhớ khi học môn Chọn giống cây trồng thầy Của giảng hay và kiểm tra cho tất cả sinh viên điểm 5/5. Thầy nói: “Điểm 5 ở cuộc đời mới quan trọng, các anh chị phải nhớ lấy”. Và đến nông dân bám sát thực tiễn chính thầy cũng làm như vậy, sáng sớm đã thấy thầy lặn lội ở ngoài đồng. GS Bùi Huy Đáp cũng vậy, là Viện trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật nhưng chẳng mấy khi ngồi ở văn phòng mà toàn đi đến các tỉnh, xuống với đồng ruộng để quan sát, để nghe nên mới có những đề xuất rất sát với thực tiễn.

Khóa học của chúng tôi ngay từ năm thứ nhất chỉ học có 8 tháng, 1 tháng nghỉ hè còn 2 tháng xuống nông thôn lao động giúp dân. Suốt 4 năm đều như thế. Khi hết khóa được đi thực tập ở hợp tác xã (HTX) 6 tháng. Tôi làm đề tài về phân bón mà phải trực tiếp đắp bờ, chia ô, cấy cày, tính toán lượng bón...

Làm nông nghiệp mà sợ khổ, sợ đen, sợ xấu thì không được đâu. Những người ở thành phố mà đi học nông nghiệp, số trưởng thành ít hơn người xuất thân nông thôn.

Sau khi tốt nghiệp, Bộ Nông nghiệp trưng dụng 2 năm đi biệt phái vào các đoàn chỉ đạo sản xuất. Tôi được trưng dụng về Vụ Quản lý ruộng đất để xây dựng bản đồ đất tỉnh Hà Bắc cũ sau đó xin ở lại làm việc ở Ty Nông nghiệp. Công tác ở tỉnh nhưng lại bị biệt phái làm trưởng đoàn chỉ đạo cải tạo đất bạc màu ở HTX Trung Hòa – huyện Hiệp Hòa, tôi về ở ngay nhà của chủ nhiệm “3 cùng với nông dân” cùng ăn sắn, ăn khoai với gia đình.

Khi về quê mẹ tôi thấy con đi làm lãnh đạo đoàn chỉ đạo sản xuất nên bảo: “Con ơi, muốn lúa chiêm không bị đổ thì phải làm sao? Con đi hướng dẫn nông dân mà không bằng người ta thì họ cười cho đấy”. Rồi bà giảng giải cho tôi nghe kỹ thuật làm lúa.

Cả đời bà cấy lúa chiêm, lúa mùa nên thuộc kỹ thuật như lòng bàn tay. Chính trong giai đoạn đó tôi đã học được cách xây dựng lịch gieo trồng, cách làm mạ, biết phải cấy ngày nào, trỗ ngày nào, gặt ngày nào. Điều này giúp tôi chỉ đạo sản xuất thành công. Một HTX đất bạc màu, năng suất thấp, chỉ 3,3 tấn/ha sau 2 năm lên 5,6 tấn/ha.

Tôi nghĩ kỹ sư nông nghiệp ai ra trường chịu khó đi thực tế, chịu khó đúc kết thì sẽ tiến bộ. Sau khi thời gian khoảng 6 năm công tác ở tỉnh Hà Bắc tôi được cử đi học nghiên cứu sinh ở Bungari rồi về công tác ở Viện Nông hóa Thổ nhưỡng, sau chuyển về Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp VN và được đề bạt từ từ rồi làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đến 2002 thì nghỉ hưu.

Sự khác nhau cơ bản nhất giữa thế hệ tôi và thế hệ trẻ bây giờ có lẽ động cơ học và niềm đam mê nghề nông nghiệp. Nói đâu xa như giữa tôi và con tôi, trong những việc của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nó bảo: “Bố cho con vào làm chỗ này chỗ nọ”. Tôi bảo con về đó là con không giỏi được đâu, muốn trưởng thành phải gian khổ, phải tôi luyện thực tế. Không muốn xuống cơ sở, không chịu đọc hàng trăm cuốn sách, đi hàng vạn bước thực tế thì làm sao mà con giỏi được?

Thực hành chọn giống lúa.

Bởi thế tôi mới đề nghị ông Cao Đức Phát - hồi ấy đang là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT rằng: “Chú phải cho cháu đi cơ sở một thời gian để đào tạo chứ cứ để sáng cắp ô đi, tối cắp về thì không giỏi được đâu”.

Đó là thế hệ con, còn mấy đứa cháu của ông anh cả, anh hai tôi cũng học nông nghiệp nhưng toàn làm những thứ không đúng nghề mỗi tháng được 5-6 triệu, vẫn cao hơn lương của kỹ sư nông nghiệp mới ra trường. Chúng nó bảo: “Ôi giời ơi, nông nghiệp lương thấp lắm, bao giờ chúng cháu có tiền để mua nhà”. Hiện nay theo cơ chế tự chủ trường luôn lo nguồn thu chắc là không thể lo cho sinh viên đi thực tập, đi thực tế như ngày xưa.

Trước đây khi còn làm Thứ trưởng mỗi khi xảy ra dịch bệnh hoặc những lúc căng thẳng trong nông nghiệp tôi đều phải huy động các viện, các trường kéo sinh viên đi giúp các tỉnh cũng là dịp để thêm hiểu nông nghiệp và thương dân. Giai đoạn hiện nay tỷ lệ nông nghiệp hiện đóng góp xuống thấp, còn khoảng 14% nhưng tầm quan trọng của nông nghiệp vẫn rất lớn và không thể xem nhẹ.

Nhà nước vẫn phải chú ý đào tạo ra nhiều nhà khoa học nông nghiệp tâm huyết như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp… Hiện nay chưa thấy ngôi sao nào nổi lên cả. Lịch sử cần người như thế nào thì người đó sẽ xuất hiện. Trước sau cũng sẽ có. Nhiều người tâm huyết với nông nghiệp xuất hiện có thể là lớp đào tạo ở nước ngoài về. Số sinh viên đi học nông nghiệp ở nước ngoài hiện nay khá nhiều. Bên ngoại nhà tôi có ít nhất 10 cháu học bên Philippines, 1 học bên Trung Quốc. Chất lượng học tốt hơn, thực hành cũng nhiều, tiếng Anh giỏi nên ra trường xin được việc luôn ở nước họ, lương mỗi đứa cả ngàn đô la Mỹ, gửi về mua đất, xây nhà ở quê.
 

Chỉ đứng ngoài mà ngó

GS.TS Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương kể: Tôi học Khoa Sinh học của Đại học Tổng hợp. Học đến năm thứ ba đã đi thực tập nhỏ 3 tháng, năm thứ tư thực tập lớn 6 - 9 tháng thậm chí như tôi làm luận văn về chọn tạo giống lúa mất đúng 3 vụ 1,5 năm.

GS Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương.

Từng tốp nhỏ sinh viên được thầy dạy kỹ các đặc điểm sinh học của cây lúa như kiểu cây, kiểu đẻ nhánh, bông hạt xếp sít, bông hạt xếp thưa, đột biến, biến dị… Tuy nghèo nhưng chúng tôi học hành rất say mê, thầy ra thầy, trò ra trò”.

Về chuyện học hành của con em nông dân ngày nay, ông bình luận: “Những năm 2000 trở về trước, các trường khối nông nghiệp là cái nôi tiêu biểu về đào tạo cho con em nông dân, công nhân, thậm chí cả trí thức. Thầy, cô rất nhiệt tình, nhiều sinh viên ra trường trở thành cán bộ ưu tú của các tỉnh hay lãnh đạo chủ chốt của ngành.

5 - 10 năm gần đây dù chúng ta nói nhiều đến cải cách giáo dục, công nghệ giảng dạy mới nhưng do áp lực phải tự chủ, dùng sinh viên nuôi thầy cô nên chất lượng đầu vào, đầu ra đều kém đi. Khi chúng về viện tôi đều phải dạy lại từ những kiến thức cơ bản nhất, ai nhanh cũng phải mất 3-6 tháng còn không 1-2 năm. Bảo bố trí công thức thí nghiệm khối ngẫu nhiên, cách chọn dòng thuần, cách lai hữu tính, chọn thế nào là bố mẹ có những dấu hiệu quý… bạn nào cũng nói theo thao thao bất tuyệt nhưng khi bảo thao tác là không biết. Hễ mó tay vào là đa phần thu được các dòng tự thụ.

Tôi hỏi, các em đều nói rằng thời gian thực tập bây giờ bị giảm đi rất nhiều, không được trực tiếp mó tay vào mà chỉ có 1 - 2 người thao tác còn lại thì đứng ngó. Các em không biết gieo mạ tốt nhất vào giai đoạn nào, xử lý thuốc kích thích nảy mầm ra sao, thế nào là mạ ngạnh trê, mạ đanh dảnh hay xử lý khi gặp các sự cố. “Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một sờ”. Trực tiếp đụng tay vào bao giờ cũng nhớ lâu.

Còn những việc ứng dụng công nghệ cao như nuôi cấy mô, nuôi cấy bao phấn thường phải rèn dũa mất 1,5 - 2 năm. Bảo pha môi trường nuôi cấy thì không biết thứ tự pha chất nào trước chất nào sau nên hay bị kết tủa hay bảo chỉnh pH thế nào cho đạt 5,8 để nuôi cấy mô tế bào thường pha nhầm, phải đổ đi. Thậm chí có cháu bảo pha axit nitric để xử lý thuốc mầm lại đổ nước vào axit nên phát nổ, phải dùng xút với nước vôi trung hòa để sơ cứu. Trước đây, những việc như thế ai chậm mất 1 tháng còn không chỉ 1 tuần là có thể nắm bắt, giao việc được.

Cách đào tạo thạc sĩ bây giờ cũng thế, toàn chỉ là lý thuyết. Học qua loa mấy chứng chỉ và chuyên đề xong rồi làm luận văn. Khác hẳn với ngày trước, làm thạc sĩ mất 2 - 3 năm, khi học xong tất cả các chuyên đề rồi còn phải làm thí nghiệm ít nhất 1 năm, công bố một bài báo và viết luận văn…

Đào tạo ào ạt chạy theo số lượng nên nhiều người mang tiếng là thạc sĩ cũng không thể tự bố trí thí nghiệm độc lập. Lý do thứ nhất là bởi chương trình không có kinh phí để làm thí nghiệm. Lý do thứ hai bởi 1 thầy phải hướng dẫn đến 8-9 người thậm chí hơn 10 người trong khi ngày xưa chỉ 1-2 người.

Cấy lúa thí nghiệm.

Ngay cả đào tạo tiến sĩ cũng đang trống ở phần kinh phí bố trí cho thí nghiệm. Ai có đề tài mới làm được còn không là học “chay” hết. Hiện tượng copy và paste xuất hiện. Các luận văn tương tự được tìm thấy trên mạng nên cóp vào, thay đổi mấy con số là xong. Rất nhiều trường hợp bị tôi “bắt bài” bởi ngày xưa hướng dẫn ai đi theo chuyên ngành nào là nắm được, ai học của thầy Hoan, cô Trâm, thầy Uy, thầy Vinh, cô Minh… là biết. Nhặt một chút là phát hiện ra ngay chứ đừng nói là cóp nguyên cả trang.

Tài liệu tuy lắm, máy móc tuy hiện đại nhưng vẫn chỉ là lý thuyết suông bởi thực hành rất ngắn, có sinh viên tốt nghiệp rồi mà vẫn không phân biệt được đâu là cây cỏ lồng vực, đâu là cây lúa.

(GS.TS Trần Duy Quý)

Tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Cháu gái đầu học nghề nuôi cấy mô tế bào sau này giữ bí quyết về nhân bạch đàn cũng tạm coi thành công. Còn con trai đi theo nghề bố. Tôi biết là nó không thể lội ruộng bằng mình nên hướng cho lĩnh vực di truyền chọn giống hoa lan bởi nhàn hơn lúa nhưng cũng khó hơn lúa.

Khi nó làm xong luận án tiến sĩ, tôi hướng tiếp tục mở rộng sang việc chọn tạo giống lúa bởi cùng họ đơn tử diệp, kỹ thuật áp dụng sang nhau rất dễ. Một số người ở Phòng Kỹ thuật Di truyền (Viện Di truyền Nông nghiệp) của nó vẫn thích ngồi trong phòng điều hòa, lướt mạng và làm các thí nghiệm hiện đại chứ không thích lăn lộn trên đồng ruộng mấy, phải rèn cặp nhiều.

Về quê để làm thí nghiệm, tôi có nói với bọn trẻ rằng lội ruộng nên dậy sớm, chỉ đánh răng rửa mặt thôi, 5h30 đã phải ra đồng. Lúc đó, thời tiết mát mẻ, thứ nữa chưa có ánh sáng mặt trời nên sẽ nhìn thấy được tất cả tiềm năng của cây lúa.

Ra đồng trước, như thường lệ tôi mang theo khăn mặt, nón và quyển sổ để thấy việc gì lạ là ghi chép. Làm được khối việc rồi mà vẫn không thấy chúng đâu, do không mang theo điện thoại nên không thể gọi. Đúng 8 giờ mới thấy chúng lò dò ra, sau khi không chịu được tiếng cằn nhằn của mẹ đánh thức. Lội ruộng với tôi một tuần thì ngay ngày đầu nắng quá, đến 10h30 đã không chịu được, mấy người ngất.

Tôi cầm tay chỉ việc, dạy từng tí. Cho đến giờ là 5 năm chúng mới bắt đầu thành thạo nhưng vẫn chưa độc lập chọn tạo ra được một giống. Trước đó, chúng bảo: “Ông cho chúng con tập đoàn đẹp nhất mà mình đang có nhé!”.

Tôi trả lời: “Sẵn sàng tặng cho các anh 48 dòng của tôi đấy, thích cây nào chọn cây ấy”. Đứa nào cũng tham nên dòng nào cũng lấy 10 cây. Thế mà từ năm 2014 đến nay cả nhóm mới ra được 2 dòng để khảo nghiệm còn tôi đã ra 3 giống quốc gia bán bản quyền từ 700 triệu - 1 tỉ đồng như Sơn Lâm 1, QP5, và BQ.

Sự say mê và quyết tâm vượt khó kém hơn chúng tôi ngày xưa. Thứ nữa là làm nghiên cứu nhưng vẫn cầm chừng để đợi xin đề tài của Nhà nước chứ không dám tự mình bỏ tiền túi ra… Đôi lúc thằng con tôi nó phàn nàn bố mình đã đưa nhiều dòng quá mà vẫn chưa đạt kết quả, chưa bán được giống nào, tôi phải an ủi: “Bây giờ bố nuôi con, cho các dòng, cho xăng xe đi lại… chi ra rất nhiều thì khi nào bán con mới được chia chứ!”. Khi bán được một hai dòng, có tiền chia cho nó mới tích cực nghiên cứu. Cũng may, so với trước, nó và các đồng nghiệp đã tiến bộ hơn nhiều.

Nhảy tót từ tầng một lên tầng hai

Anh Vũ Đăng Viên - Phó giám đốc Cty Gà giống Dabaco mở đầu cuộc nói chuyện với tôi bằng những nhận xét: “Tôi học khóa 39 Khoa Thú y của trường Đại học Nông nghiệp I nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam… 

Cty Gà giống Dabaco của chúng tôi mỗi năm nhận nhiều sinh viên đến thực tập và cũng tiếp nhận một số vào làm việc nên hiểu khá rõ chất lượng đào tạo của các trường khối nông nghiệp hiện nay.

Khoảng 5 năm gần đây, vẫn có sinh viên khá giỏi nhưng ít còn phải cỡ 70% tốt nghiệp rồi mà vẫn giống như người ở trên mây vậy. Yếu cả lý thuyết lẫn thực hành.

Nhiều thứ rất cơ bản các em cũng không hề biết như cấu tạo khung xương của con gà rồi hệ hô hấp, hệ thống mạch máu… Hỏi tại sao, các em chỉ cười. Bởi vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng 30% phải tự bỏ cuộc.

Ngay cả cách học theo tín chỉ tôi thấy cũng có vấn đề. Giống như người đi cầu thang phải bước từng bước, học cũng phải từ thấp đến cao, từ dễ lên khó. Kiến thức của cái này liên quan đến cái kia, đằng này các em lại muốn nhảy tót một phát từ tầng một lên luôn tầng hai thậm chí tầng ba. 

Sinh viên năm thứ hai, thứ ba đăng ký học những môn chung với sinh viên năm cuối, cứ loạn hết cả lên. Học nhồi nhét thế làm sao vào đầu được? Thực hành ít thế làm sao thành thạo được? Lòng yêu nghề của đa số các em là kém, thường chê nông nghiệp lương thấp, vất vả nên cứ vào vào, ra ra suốt”.

Ưu tư của một cựu sinh viên khoa chăn nuôi

... Tháng giêng Kỷ Hợi, chúng tôi, những sinh viên lớp Chăn nuôi 21B Đại học Nông nghiệp I hẹn nhau tụ hội về cao nguyên Mộc Châu họp mặt trùng vào dịp kỷ niệm 38 năm tốt nghiệp. Gần 40 năm trước, cuối xuân năm 1980, lớp chúng tôi đã lên đây thực tập giáo trình và mấy môn học thực địa những ba tháng…

Anh Nguyễn Chu Nhạc - cựu sinh viên lớp chăn nuôi.

Sau nửa tháng học, chúng tôi được chia thành các nhóm, mỗi nhóm mươi người về các đội sản xuất. Nhóm của tôi về đội 8.4 ở sâu trong núi, được bố trí ở trong một ngôi nhà tập thể của công nhân. Để nhường nhà cho chúng tôi các công nhân phải dồn sang khu khác ở chật chội với nhau.

Công nhân được phân chia theo các đầu mục công việc như chăm sóc đồng cỏ rồi thu lượm, phơi khô, bảo quản, ủ chua... còn chăn nuôi thì thuần giống bò sữa lang trắng đen Hà Lan. Sinh viên chúng tôi được thực tế cùng họ làm một số công việc. Thú nhất là theo bò ra đồng chăn thả kiểu quay vòng rồi tha thẩn ngắm mây núi hoặc đi nhặt nấm đất, nấm cỏ nảy rất nhiều sau mưa... Thú nhì là trực đêm khi có bò chửa dự đẻ, vừa biết kỹ thuật đỡ vừa nướng ngô, sắn ăn và sớm hôm sau có sữa đầu uống…

Nay, trở về vùng đất xưa, chẳng ai thấy mình già cả. Lại bông đùa, chòng ghẹo như thuở sinh viên... Ngần ấy con người trong ngần ấy năm tháng, sự nghiệp, cuộc đời thành bại khác nhau, nỗi vui buồn cũng khác nhau nhưng chẳng hề hấn gì. Trong số các bạn cùng lớp có vài người ở lại trường làm giáo viên, thành thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư... Hàn huyên chuyện nghề xưa và nay thấy có nhiều đổi khác, vui có, buồn có.

Ngày ấy, trường tôi cả khóa lấy có 500 sinh viên nên mỗi khoa lớn đều dưới một trăm, có chuyên ngành hẹp chỉ mấy chục. Đào tạo tinh hoa, thực tập kỹ càng theo mô hình: Phòng Thí nghiệm - Trang trại của nhà trường - Cơ sở sản xuất ngoài xã hội. Vậy nên chất lượng khá tốt, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp tiếp cận nhanh với thực tế sản xuất.

Giờ đây, đành rằng, trường mở thêm một số ngành mới, song số lượng chiêu sinh hàng năm quá lớn nên việc đào tạo cũng gặp những khó khăn nhất định. Đối với các chuyên ngành kỹ thuật, mặc dù hiện nay thiết bị giảng dạy hiện đại hơn nhưng thực hành kém cũng khó đảm bảo chất lượng…

Vẫn biết, nhu cầu đào tạo của xã hội hiện nay quá lớn nên các trường nông nghiệp phải mở rộng quy mô song mở đến đâu là vừa lại là một vấn đề mà hầu như trường nào cũng không muốn trả lời.

Nguyễn Chu Nhạc

(Cựu sinh viên lớp Chăn nuôi 21B, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội)

Mời độc giả đón đọc bài III: Thân phận trường "chiếu dưới"

  • Làng Nủ trước ngày khánh thành
    Phóng sự 14/12/2024 - 21:19

    40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.