Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) và Ủy ban Dân tộc vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác phối hợp về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội nói chung được ban hành đồng bộ, kịp thời, thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với sự công bằng và tiến bộ xã hội. Nhờ đó, mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các vấn đề xã hội vẫn được giải quyết một cách cơ bản, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.
Đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 5,23%, giảm 1,47% so với cuối năm 2017. Giai đoạn 2015 – 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,55%/năm (vượt mục tiêu đề ra giảm 4%/năm). Đến cuối năm 2018 còn 720.731 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 23,75% tổng số hộ đồng bào DTTS và chiếm tỷ trọng 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước.
Theo báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, đề án về lao động, người có công và xã hội ở vùng đồng bào DTTS, miền núi của Bộ LĐ-TB&XH, tổng nguồn lực ngân sách trung ương của chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 2020 là 41.449 tỷ đồng (trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 29.698 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp là 11.751 tỷ đồng). Kinh phí bố trí cho các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số chiếm trên 90% tổng số vốn của Chương trình.
Trong 3 năm (2016 - 2018), Ngân sách trung ương đã phân bổ để thực hiện Chương trình là 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% Kế hoạch 5 năm; trong đó số vốn bố trí cho các địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số là 19.878,883 tỷ đồng, chiếm 92% tổng số vốn đã giao của cả Chương trình.
Ông Đào Ngọc Dung (phải), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phát biểu tại hội nghị |