| Hotline: 0983.970.780

Công binh xưởng trong lòng núi

Thứ Năm 07/05/2015 , 08:45 (GMT+7)

Công trình “Lò cao kháng chiến” nằm trong hang Đồng Mười, xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa như một kỳ tích bị lãng quên đã dần phát lộ.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết ngày 18/4/2013, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1456/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đối với Lò cao NX3.

10-21-54_img_0058
Di tích Lò cao kháng chiến Như Xuân (ảnh: Trịnh Đức Minh)

Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, huyện Như Thanh đang tiến hành sưu tầm những hiện vật, nhân chứng về sự kiện lịch sử này.

Những nhân chứng đầu tiên biết tin đã tìm về, đó là hậu duệ kỹ sư Trịnh Tam Tỉnh và kỹ sư Trịnh Văn Yên...

Có Trịnh Văn Yên là thêm vững dạ

Cuộc kháng chiến chống Pháp thấm thoắt đã trải qua hơn 3 năm, tháng 10/1949, Cục Quân giới cử ông Trịnh Tam Tỉnh làm đặc phái viên tại Khu 4 để xây dựng công xưởng hóa chất SX phục vụ kháng chiến.

Trước khi đi, các ông Trần Đăng Ninh (Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng), Trần Đại Nghĩa (Cục trưởng Cục Quân giới) bàn thêm với ông Tỉnh: “Anh vào trong đó hãy bắt tay cùng anh em nghiên cứu ngay việc nấu luyện gang”.

Khoác ba lô trên đường vào Khu 4, ông Trịnh Tam Tỉnh suy nghĩ nung nấu. Gang, thép, hồi đó là thứ nguyên liệu cơ bản, coi như cơm gạo và bánh mì của công nghiệp.

Ông bàn bạc ngày đêm với người em ruột là Trịnh Văn Yên, lúc đó là cán bộ Nha Quân giới, để tìm cho ra phương án. Kiến thức học được từ trường kỹ nghệ của ông Tỉnh chỉ đủ vốn để tiếp xúc với máy móc, ê tô, kìm búa; còn phương pháp lò cao, luyện gang ông chỉ nghe nói đến, chứ hình ảnh cụ thể ông vẫn chưa thấy bao giờ. Có người em trai bên cạnh, ông thêm vững dạ vì tài trí sáng tạo của Trịnh Văn Yên.

Sau khi tốt nghiệp trường Bưởi, Trịnh Văn Yên vừa làm vừa học, sinh sống bằng các hoạt động kỹ nghệ.

Trước năm 1930, ông đã từng bí mật giúp Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học chế tạo mìn và thuốc nổ.

Những năm kháng chiến, Trịnh Văn Yên là một trong những người đứng đầu các công trình nghiên cứu SX các loại vũ khí ở Khu 3 như lựu đạn chày, mìn địa lôi, thủy lôi, súng bazoka 75 ly và các loại hóa chất làm thuốc nổ .

Cùng thời gian này, năm 1948, Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ đã được giao nhiêm vụ chỉ huy xây dựng một khu thí nghiệm luyện gang chọn địa điểm ở Cát Văn thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An, bên bờ sông Lam. Hàng chục tấn máy móc đã được chở về đây.

Công trình chưa thành công thì Pháp phát hiện, cho máy bay đến ném bom phá hủy, khiến mọi việc dở dang.

Ở Việt Bắc, một nhà chuyên môn khác, anh Phòng được giao nhiệm vụ làm thử một lò cỡ nhỏ ở Đá Cân, nung quặng sắt. Kết quả chỉ ra một số thứ sắt, chứ không ra nổi gang.

Lại nghe nói ở Sở Khoáng chất Khu I cũng xây lò, bỏ quặng vào nung, rất vất vả, nhưng chỉ ra một thứ như là tiết trâu đông, anh em nhìn nhau, tiếc công tiếc của, ức đến phát khóc lên.

Từ năm 1949, lãnh đạo Cục Quân giới nhiều lần gợi ý cho ông Trịnh Tam Tỉnh tiến hành tiếp sự nghiệp luyện gang. Ông Trịnh Tam Tỉnh bàn với Cục trưởng Trần Đại Nghĩa:

- Nhất định là phải làm gang bằng được. Và cách làm duy nhất đúng là phải bằng phương pháp haut fourneau (lò cao). Làm cái này phải cần đến anh em trí thức. Hiện giờ anh em tản cư với gia đình, ở tản mát khắp nơi từ Nam Định, Ninh Bình vào Thanh Hóa. Cái vốn ấy quý lắm. Kẻ địch cũng đang tìm họ, lôi kéo họ.

Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đồng tình:

- Được rồi, chúng tôi giao cho các anh nhân cơ hội này tập hợp các nhân tài cho kháng chiến, sau còn dùng vào rất nhiều việc.

Tập hợp các nhà khoa học về một mối

Phải nói thêm rằng, trước cách mạng tháng Tám, ở Đáp Cầu có xây dựng một lò cao cỡ nhỏ, tiến hành thí nghiệm luyện gang và đã ra được mấy trăm tấn gang nhưng chiến tranh tràn đến Đông Dương, phải bỏ.

Chủ nhà máy là nhà tư sản Mai Trung Tâm có mời ông Trịnh Văn Yên tham gia một số công việc về máy móc, kỹ thuật. Ở đó ông Yên còn có dịp đọc một số sách Pháp về phương pháp luyện gang bằng lò cao, nhờ thế mà giờ đây ông hình dung ra những việc phải lo toan: cỡ lò, kích thước lò, sắt thép, gạch chịu lửa, than, quặng, chất trợ dung, các loại thợ…

Ông Trịnh Tam Tỉnh giao cho ông Trịnh Văn Yên công việc mà ngày nay ta gọi là chủ nhiệm đề tài.

Kỹ sư Trịnh Văn Yên đã tìm đến các kỹ sư Đặng Trần Cảnh, Lương Ngọc Khuê, Tống Nguyên Lễ thuộc lớp kỹ sư đầu tiên của nước ta.

nh-9132029734
Từ phải qua trái: Trịnh Tam Tỉnh, Lê Quang Thiệu (hàng ngồi), Nguyễn Văn Thân, Lương Ngọc Khuê (hàng đứng)

Kỹ sư Đặng Trần Cảnh ngành hóa chất, đã từng làm kỹ thuật ở nhà máy kẽm Quảng Yên, công chức ở Sở Mỏ của Pháp, yêu nước, có kiến thức rộng về điều khiển nhiệt trong lò luyện kim, bị tai nạn mất một cánh tay, nhưng có sức khỏe.

Kỹ sư Tống Nguyên Lễ, một chuyên gia về hóa học, có kinh nghiệm về tổ chức SX, kinh doanh, đã giúp đỡ ông Trịnh Tam Tỉnh nhiều trong thời kỳ làm kinh tài ở Khu 3.

Lương Ngọc Khuê, kỹ sư hóa, đã từng làm chủ nhì ở nhà máy rượu Hải Dương, đã tham gia phụ việc hóa nghiệm ở lò cao Đáp Cầu.

Hôm kỹ sư Trịnh Văn Yên đến gặp kỹ sư Lương Ngọc Khuê tản cư với gia đình ở làng Lác, thuộc huyện Tiên Hưng (cũ), tỉnh Thái Bình, thấy trời đang rét mà ông Khuê vẫn cởi trần lội xuống ao giặt bông. Lúc đó, ông đang tham gia nghiên cứu đề tài xử lý bông thuộc Hội đồng khoa học kỹ thuật của Liên khu 3.

Điều thú vị là vừa nghe ông Trịnh Văn Yên hỏi chuyện về kỹ thuật ở lò cao, ông Lương Ngọc Khuê giở ngay cuốn sổ nhỏ vẫn mang theo dưới đáy vali, ghi chép từ thời cộng tác hóa nghiệm gang ở lò cao Đáp Cầu. Do ham biết một kỹ thuật mới mà ông đã tích lũy được những số liệu rất quý từ trang sách và cả trong thực tiễn liên quan đến công việc luyện gang trong cái thuở ban đầu của nó ở Việt Nam.

Trong vài tháng, hai anh em ông Trịnh Tam Tỉnh và Trịnh Văn Yên đã tập hợp các nhà khoa học về một mối, quây quần ở vùng Chuối, gần cơ quan Công binh xưởng Hóa chất miền Nam. (Còn nữa)

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm