| Hotline: 0983.970.780

Công ty lâm nghiệp lao đao vì bị dừng khai thác trắng rừng trồng

Thứ Năm 30/06/2022 , 08:45 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Quyết định dừng khai thác trắng rừng trồng của tỉnh Lâm Đồng khiến các công ty lâm nghiệp lâm vào lao đao vì hoạt động cầm chừng, hàng trăm lao động thiếu việc làm...

Hàng trăm lao động thiếu việc làm

Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 314/UBND-LN về việc tạm dừng khai thác trắng rừng trồng thông 3 lá giai đoạn 2021 - 2025 của các công ty TNHH một thành viên (MTV) lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Thành Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh (Lâm Đồng), việc UBND tỉnh Lâm Đồng dừng khai thác trắng rừng trồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị. Theo đó, thời gian qua, Công ty đã mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ cho việc khai thác chế biến gỗ với tổng giá trị tài sản khoảng 30 tỷ đồng. Các hạng mục nhà nhà xưởng, khu bảo quản sản phẩm, công nghệ xẻ, sấy và ghép gỗ… đều đã được đầu tư theo kế hoạch nhằm phục vụ khai thác, chế biến.

Các công ty lâm nghiệp tại Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn do việc phải dừng khai thác trắng rừng trồng. Ảnh: TL.

Các công ty lâm nghiệp tại Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn do việc phải dừng khai thác trắng rừng trồng. Ảnh: TL.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh có năng lực chế biến khoảng 9.000m3 gỗ/năm. Tuy nhiên, căn cứ vào sản lượng tỉa thưa định kỳ hiện nay thì mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% năng lực xưởng chế biến. Vì vậy, việc tạm dừng khai thác trắng rừng trồng đã làm công ty này phải chấm dứt hợp đồng với 20 lao động. Hơn nữa, mặc dù khó khăn nhưng theo quy định, hàng năm đơn vị vẫn phải trích gần 2 tỷ đồng cho việc khấu hao máy móc, thiết bị nhà xưởng.

"Công ty không có doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh mà nguồn thu chủ yếu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ công ích quản lý bảo vệ rừng. Trong khi đó, chi phí cố định vẫn không đổi và Công ty bị lỗ do phải trích khấu nhà xưởng, máy móc thiết bị chế biến gỗ. Các hợp đồng, hợp tác đầu tư cũng bị phá vỡ, gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, Công ty không có lợi nhuận để trích quỹ đầu tư, phát triển sản xuất, dẫn đến không có kinh phí hỗ trợ hoạt động sản xuất lâm nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng", ông Lê Thành Thái cho biết.

Cũng theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, việc tạm dừng khai thác trắng rừng đồng đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của 50 lao động khai thác, vận chuyển lâm sản, 50 lao động chế biến lâm sản và 200 lao động ở bộ phận trồng, chăm sóc rừng. Việc tạm dừng khai thác cũng dẫn đến vấn đề khan hiếm gỗ nguyên liệu tại địa phương trong chế biến mộc gia dụng, xây dựng, nội thất. Điều này đã dẫn đến gia tăng các vụ khai thác gỗ trái phép và gây áp lực lớn cho việc quản lý, bảo vệ rừng.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh có năng lực chế biến khoảng 9.000m3 gỗ/năm, tuy nhiên sản lượng hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 50% năng lực xưởng chế biến. Ảnh: TL.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh có năng lực chế biến khoảng 9.000m3 gỗ/năm, tuy nhiên sản lượng hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 50% năng lực xưởng chế biến. Ảnh: TL.

Việc UBND tỉnh Lâm Đồng tạm dừng khai thác trắng rừng trồng cũng khiến Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm bị thiệt hại nặng. Theo đó, thời gian qua, công ty này đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền tinh chế với tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng. Công ty có năng lực chế biến đạt khoảng 6.000m3/năm nhưng sản lượng hiện chỉ đáp ứng được 40%. Điều này dẫn đến nguồn doanh thu sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động.

Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, nhiều công ty lâm nghiệp trên địa bàn như Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Bảo Thuận, Đơn Dương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị tạm dừng khai thác trắng rừng trồng thông 3 lá. Các công ty này đều rơi vào tình trạng thiếu nguồn thu để trả lương cho người lao động, chịu gánh nặng trong trích khấu hao tài sản. Đặc biệt, các nhà xưởng chế biến đã đầu tư không được phát huy hết công suất, gây lãng phí.

Trước vấn đề trên, vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo UBND tỉnh này đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp khi bị ngừng khai thác trắng rừng trồng thông 3 lá.

Gỗ thông đóng vai trò chủ lực trong chế biến của các công ty lâm nghiệp của Lâm Đồng. Ảnh: NT.

Gỗ thông đóng vai trò chủ lực trong chế biến của các công ty lâm nghiệp của Lâm Đồng. Ảnh: NT.

Theo đó, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương giao các công ty lâm nghiệp xây dựng đề xuất điều chỉnh đơn giá đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên trong và ngoài lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. Điều này sẽ đảm bảo nguồn kinh phí cho các công ty lâm nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Sở NN-PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho các công ty lâm nghiệp được tự quản lý bảo vệ diện tích rừng trồng trong khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thu hồi từ diện tích giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình để xảy ra vi phạm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, việc tính và trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không hợp lý. Vì vậy, Sở này kiến nghị UBND tỉnh giao Cục Thuế phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn các công ty trong việc tạm dừng trích khấu hao cho đến khi được phép khai thác rừng trồng trở lại để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Sở NN-PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương chỉ định cho các công ty lâm nghiệp có nhà xưởng máy móc thiết bị chế biến tinh chế được mua gỗ tận dụng giải phóng mặt bằng từ các công trình xây dựng của tỉnh và nguồn nguyên liệu tỉa thưa nuôi dưỡng rừng tại các ban quản lý rừng để duy trì hoạt động sản xuất, chế biến giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.

Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã có kiến nghị UBND tỉnh này nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp. Ảnh: NT.

Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã có kiến nghị UBND tỉnh này nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp. Ảnh: NT.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện ưu tiên đặt hàng cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn được ươm cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng, trồng 50 triệu cây xanh. Cho phép các công ty lâm nghiệp được chấm dứt hợp đồng giao khoán diện tích rừng tự nhiên nằm ngoài lưu vực dịch vụ môi trường rừng cho các tập thể để điều chuyển một số hộ dân đang nhận khoán theo diện dịch vụ môi trường rừng sang nhận khoán và các công ty được tự quản lý, bảo vệ số diện tích giao khoán dịch vụ môi trường rừng đã hoán đổi, điều chuyển.

Để tiếp tục duy trì chứng chỉ rừng FSC-FM, FSC-CoC đã được tổ chức GFA (Đức) cấp đối với Công ty Lâm nghiệp Bảo lâm và chứng chỉ FSC-FM đối với Công ty Lâm nghiệp Di Linh và Đơn Dương, Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ kinh phí chi trả cho tổ chức đánh giá GFA trên 200 triệu/năm trong thời gian tạm dừng khai thác rừng trồng.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất