| Hotline: 0983.970.780

Công viên nghĩa trang bị phù phép thành nơi khai thác than

Thứ Hai 01/07/2019 , 16:56 (GMT+7)

Người dân quanh Công viên nghĩa trang An Lạc, Quảng Ninh, nêu nhiều bức xúc về việc nơi này bị tận dụng thành chỗ khai thác than, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống.

Cảng 368 nhìn từ trên cao, không có mặt hàng nào khác ngoài than. Ảnh: Văn Việt.


Uất ức

Người dân thôn Đồng Sang, xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh, cho biết ít nhất 5 năm qua, họ phải sống trong cảnh bị hành hạ cả về bụi than lẫn tiếng ồn, do hoạt động của Cảng tổng hợp bốc xếp hàng hóa 368 (Cảng 368) thuộc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Công nghiệp 368. 

Theo phản ánh của người dân, cảng 368 mọc lên chủ yếu để sàng tuyển, vận chuyển than được khai thác từ Công viên Nghĩa trang An Lạc.

“Ngày quét nhà 4-5 lần, lúc nào cũng ra bụi than. Chưa kể lúc họ sàng tuyển quặng, không biết cho hóa chất gì mà mùi như mùi bể phốt bị hở, không ai thở nổi”, chị T., một cư dân thôn Đồng Sang, cho biết. 

Trẻ em thôn Đồng Sang, hầu như đứa nào cũng bị bệnh về hô hấp, bố mẹ chúng khăng khăng bảo do bụi than. 

Bụi bẩn, ô nhiễm là thế, song dân thôn này không dám nói tên thật khi báo chí phỏng vấn. “Nói thật với nhà báo, các anh viết bài đăng lên, đầu gấu đến đánh bọn tôi thì các anh ở đâu?”, anh N., cạnh nhà chị T., hỏi với giọng đầy uất ức. 

Bất cứ chỗ nào trong nhà anh N., chị T., cùng nhiều cư dân khác ở thôn Đồng Sang, chỉ cần lấy tay quẹt qua là dính đầy bụi than. 

“Dân kêu nhiều lắm rồi, kêu cả lên xã, huyện, tỉnh, mà mấy năm nay không ai giải quyết. Có lần dân vừa tập trung ở đường, chặn xe chở than từ Công viên Nghĩa trang An Lạc vào Cảng 368, lập tức hàng chục ô tô chở theo nhiều dân anh chị, xăm trổ đầy mình, xuống chặn cửa thôn”, cư dân thôn Đồng Sang kể lại.

Bàn tay bám bụi than sau khi quẹt qua bàn ghế của một người dân thôn Đồng Sang. Ảnh: Văn Việt

Ngoài ô nhiễm, bụi than còn khiến cây trái trong vùng không thể ra hoa kết quả. Nhà ông H., cũng trong thôn Đồng Sang chịu cảnh vải, nhãn mất mùa mấy năm nay. Vốn dĩ cây trái trong vườn làm họ tăng thêm thu nhập, thì nay chỉ còn công dụng làm cảnh, nói như ông H. thì “cho nó mát” vậy thôi chứ không còn gì khác. 

Sau vụ dân xăm trổ xuống chặn cửa thôn, chẳng ai dám lên tiếng công khai hay tụ tập bức xúc nữa. Bởi ngoài việc bị uy hiếp, họ còn chịu cảnh bị hành hạ bởi tiếng ồn.

Những người dân giấu tên kể rằng họ cũng chẳng dám gửi đơn thư kêu cứu tới chính quyền. Cứ lần nào có đơn, xe tải lại hoạt động mạnh hơn. “Chưa đơn, chưa gọi chính quyền thì không sao. Còn có đơn, cảng lại cho xe tải hoạt động sát nhà dân. Ben tải nâng hạ rầm rầm suốt đêm”, ông H. kể.   

Người lớn cắn răng chịu, trẻ con khóc cả đêm. Cực chẳng đã, họ đành bồng bế nhau di tản như thời chiến. Lắm hôm chỉ có người lớn ở nhà, trẻ con được đưa sang nhà họ hàng ở xa hết. Cả thôn không còn tiếng trẻ nô đùa.
 

“Vô hiệu hóa”

Chúng tôi đã đặt câu hỏi với dân thôn Đồng Sang, vì sao không cầu cứu cơ quan công an xã, huyện trước việc bị uy hiếp. Câu trả lời của nhiều người là: “Công an có đến, nhưng dân anh chị cứ chặn xe ở thôn. Mãi sau dân sợ quá về nhà hết, thì họ mới giải tán”.

Để làm rõ các phản ánh của dư luận, chúng tôi đã liên lạc với chính quyền huyện Hoành Bồ và Cảng vụ Quảng Ninh, song các đơn vị này đều im lặng.

Cảng 368 chủ yếu phục vụ hoạt động sàng tuyển, khai thác than, không hề có bóng dáng tàu hàng nào khác.

Ngày 1/7, dân thôn Đồng Sang liên lạc qua điện thoại với phóng viên, giọng chua chát: “Xã, huyện chả làm gì được đâu, không khéo bị vô hiệu hóa rồi”. Người dân nói chẳng phải đến bây giờ, mà ít nhất 5 năm qua, họ kiến nghị với chính quyền, thì cán bộ xuống chỉ “đi vòng vòng” quanh cảng rồi về, chẳng người nào đến ghi nhận nỗi khổ của dân.

Dự án Công viên nghĩa trang An Lạc được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 28/5/2013, cho Cty cổ phần Tập đoàn INDEVCO với tổng mức đầu tư lên tới trên 1.500 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất hơn 630 ha.

Quy hoạch công viên này bao trùm toàn bộ phần phía Bắc khoáng sàng than Hà Ráng - Tây Ngã Hai và Dự án khai thác mỏ than Hòa Bình (phân khu Tây Ngã Hai) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản vào cuối năm 2008 cho Cty Than Hạ Long-TKV với thời hạn khai thác 10 năm.

Hiện tại, đất từ Công viên Nghĩa trang An Lạc vẫn được “tận thu”, chở về Cảng 368 để tiếp tục khai thác than.

Cảng 368 đăng ký đầu tư lên tới 100 tỷ đồng, công suất 1 triệu tấn/năm, đủ phục vụ tàu từ 200 tấn đến 500 tấn có cần trục xếp dỡ hàng.

Chủ đầu tư cũng cam kết về việc xử lý môi trường từ giám sát thi công đến vận hành dự án. Tuy nhiên, sau 5 năm Cảng 368 đi vào hoạt động, chỉ thấy bụi than len vào từng ngóc ngách nhà dân. Ống kính PV cũng ghi lại được đường ống cống từ Cảng 368 xả thẳng ra sông Diễn Vọng, vịnh Cửa Lục. Từ đây, nước thải đen ngòm chảy ra Vịnh Hạ Long. 

“Trục liên minh” giữa An Lạc và Cảng 368 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tác động xấu đến môi trường. Song điều lạ là suốt nhiều năm, chính quyền tỉnh Quảng Ninh không hề có các cuộc gặp công khai để giải tỏa bức xúc cho dân.

Con số than khai thác được trong 5 năm qua là bao nhiêu, doanh nghiệp đã nộp thuế bao nhiêu và đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hay chưa. Phải chăng đó là điều khiến chính quyền huyện Hoành Bồ và Cảng vụ Quảng Ninh im lặng? 

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.