| Hotline: 0983.970.780

Covid-19 khiến GDP của Mỹ giảm xuống mức tệ nhất kể từ năm 1947

Thứ Bảy 01/08/2020 , 11:08 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 khiến GDP của Mỹ - nền kinh tế số một thế giới giảm với tốc độ kỷ lục trong quý II, và số người xin trợ cấp thất nghiệp vẫn tăng mạnh.

Dòng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Kentucky hồi trung tuần tháng Sáu. Trong khi đó, GDP của Mỹ tiếp tục giảm mạnh vì Covid-19. Ảnh: Agency

Dòng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Kentucky hồi trung tuần tháng Sáu. Trong khi đó, GDP của Mỹ tiếp tục giảm mạnh vì Covid-19. Ảnh: Agency

Theo số liệu thống kê của chính phủ vừa công bố, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên trong tuần thứ hai liên tiếp và đại dịch Covid-19 tiếp tục đè bẹp nền kinh tế.

Diễn biến mới đã khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Mỹ trong quý hai năm 2020 đã giảm xuống mức 32,9% và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức sụt giảm kỷ lục kể từ năm 1947, khi hai chỉ số GDP và thất nghiệp chính thức được đưa vào tính toán.

Trước đó theo Bloomberg, các chuyên gia kinh tế Down Jones thậm chí còn dự báo mức sụt giảm GDP trong quý hai ở mức 34,7% chủ yếu căn cứ vào tỷ lệ mất việc làm vì số ca nhiễm coronavirus tăng mạnh và các biện pháp phong tỏa xã hội của các thống đốc tại các bang.

Bộ Lao động việc làm Mỹ dẫn một báo cáo nghiên cứu của hãng S&P Global cho biết, sự phục hồi nền kinh tế sẽ chậm vì các tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng.

"Chúng tôi kỳ vọng mức phục hồi khiêm tốn là 5,2% vào năm 2021, giảm so với ước tính trước đó là 6,2%", chuyên gia S&P Global dự báo.

Hàng loạt cơ sở chế biến thịt ở Mỹ đang phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong lực lượng lao động. Ảnh: AP

Hàng loạt cơ sở chế biến thịt ở Mỹ đang phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong lực lượng lao động. Ảnh: AP

Kể từ ngày 25 đến hết tháng Bảy, tức là trong 2 tuần liên tiếp, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đều vượt qua mốc 1,4 và 1,434 triệu. Đây cũng đã là tuần thứ 19 liên tiếp, nền kinh tế lớn nhất thế giới có số người rơi vào thất nghiệp ở mức trên 1 triệu.

S&P Global dự báo, tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm nhẹ xuống còn 8,9% trong quý ba, cao hơn gần một điểm phần trăm so với dự báo cơ sở hồi tháng 4 và có thể sẽ không đến mức tiền khủng hoảng cho đến quý ba năm 2023.

Theo các chuyên gia, đợt suy thoái kinh tế năm nay ở Mỹ không giống với bất kỳ lần nào trong lịch sử và nguyên nhân chính là sự đóng cửa nền kinh tế của chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Bộ Lao động việc làm Mỹ cho biết, tính riêng số nhân công trên toàn quốc được hướng dẫn ở nhà né Covid-19 thuộc nhóm những ngành nghề không cần thiết đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên đến 14,7% kể từ giai đoan hậu Suy thoái.

Các chuyên gia kinh tế đã đặt ra hai câu hỏi lớn: liệu cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 có tồi tệ hơn và nhấn chìm kinh tế Mỹ xuống sâu hơn? Và liệu chính phủ của Tổng thống Donald Trump có tiếp tục tung ra những gói kích thích mới để giúp đỡ người dân, khi những khoản trợ cấp khẩn cấp của đợt một đã cạn kiệt?

Tuy nhiên, cả hai câu hỏi này đều rất khó trả lời và một khi đại dịch chưa được kiểm soát thì nền kinh tế số một thế giới khó có thể quay trở lại trạng thái bình thường.

Theo giới phân tích, hiện tổng số người Mỹ được nhận trợ cấp thất nghiệp đã lên tới con số 17 triệu và sự gia tăng của “lực lượng” này nếu cứ tiếp tục kéo dài, có thể là báo hiệu về sự suy yếu của nền kinh tế và làm dấy lên những lo ngại về sự suy giảm sâu hơn nữa.

Các dữ liệu tính toán của hãng phân tích JPMorgan Chase cũng cho thấy, tỷ lệ các giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ ở Mỹ đã tăng lên trong tháng 5 và đầu tháng 6 và đến nay vẫn không thay đổi. Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân thường chiếm khoảng hai phần ba GDP ở Mỹ.

Kết quả khảo sát của Cục điều tra dân số cũng cho thấy, đến ngày 21/7 có 51,1% số hộ gia đình đã bị mất thu nhập từ việc làm, tăng từ mức 48,3% so với bốn tuần trước đó.

Hôm giữa tuần này, hãng sản xuất máy bay khổng lồ Boeing đã tuyên bố cắt giảm sản lượng và sa thải thêm công nhân do lỗ lã vì cắt giảm các chuyến bay cũng như nhu cầu về máy bay bị giảm mạnh do đại dịch coronavirus.

Trước đó, nhà sản xuất công nghệ LinkedIn, thuộc sở hữu của Microsoft cũng tuyên bố sa thải, giãn việc khoảng 1.000 công nhân.

Trước tình trạng số người thất nghiệp tăng nhanh, Quốc hội Mỹ hiện đang tranh luận về việc có nên gia hạn khoản trợ cấp bổ sung 600 USD mỗi tuần cho người thất nghiệp hay không.

Trong khi đảng Dân chủ cho rằng, số tiền này là cần thiết để giúp các gia đình chi tiêu, tuy nhiên phía đảng Cộng hòa lại cho rằng, khoản này sẽ không khuyến khích một số người quay trở lại làm việc và do đó sẽ làm chậm quá trình phục hồi nền kinh tế.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.