| Hotline: 0983.970.780

Cu Ba, chuyện của người trong cuộc: 20 năm tù cho tội mổ trộm bò

Thứ Tư 24/12/2014 , 07:35 (GMT+7)

Ở Cu Ba, lợn, gà mổ vô tư nhưng bò, ngựa dù là nhà mình nuôi mà mổ thì cũng đi tù như thường. Mổ trộm bò tù 20 năm, mổ trộm ngựa tù 10 năm./ Cuộc sống bên trong ốc đảo

Chuyện vào mạng, chuyện phết tà

Nếu muốn vào mạng Internet ở Cu Ba để check một cái email chúng tôi phải nghỉ một ngày. Mạng chỉ có ở Viện nghiên cứu và Tổng Cty còn nhà riêng hoàn toàn không. Thế mà bật máy lên nhiều khi cả tiếng đồng hồ mới vào được, đọc chừng dăm phút lại mất tín hiệu nửa giờ đồng hồ.

Vào mạng chật vật thế nên chúng tôi hầu hết mù tịt thông tin của xã hội, của thế giới. Muốn “giải ngố” chỉ còn nước đến Đại sứ quán Việt Nam cách đó 100km mà chờ đợi.

Hầu như không một tuần nào ở vùng chúng tôi không có một buổi phết tà (lễ hội). Phết tà là dịp để cho người dân nghỉ ngơi, ăn chơi, nhảy múa thâu đêm suốt sáng. Phết tà thì lúa có chín rục trên đồng người dân cũng bỏ tất đấy mà đi.

Nói về chuyện nghỉ ngơi ở Cu Ba có nhiều điều khá lạ. Một chuyên gia Việt Nam ở phòng kế bên tôi bị gãy chìa khóa, không thể mở cửa được. Tôi cùng anh đến nhà ông thợ khóa quen. Chúng tôi bảo ông lên xe máy chở đi rồi chở về nhưng ông thẳng thừng: “Tôi đang trong tháng nghỉ của năm. Một năm tôi phải nghỉ đúng một tháng”.

Chúng tôi bảo: “Bao tiền cũng trả mà”. Ông vỗ mông: “Trong ví này đầy tiền, không đi đâu nhưng tôi cho các anh mượn dụng cụ về mà phá khóa”. Thùng dụng cụ ông cũng không vào lấy mà để cho khách tự vào dù đã chỉ bảo rất tỉ mỉ rằng công tắc điện bật ở đâu, thùng đồ để cạnh cái gì.

Lương một công nhân nông trường ở Cu Ba tương đương khoảng 20 đô la Mỹ (chừng trên 400.000 đồng) còn lương Tổng giám đốc là 35 đô la Mỹ (tương đương trên 700.000 đồng). Chúng tôi sẵn sàng trả ông thợ khóa số tiền tương đương một tháng lương để có phòng ngủ trong buổi tối nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Quanh quốc đảo Cu Ba toàn là biển nên người Cu Ba ai nấy đều thích tắm. Hầu hết họ thường đi nghỉ mát một tuần trở lên mỗi năm. Chưa có cơ chế thị trường, đa số sản phẩm làm ra đều bán cho nhà nước theo giá quy định.

Nếu biết tính toán, nhiều nông dân cũng khá giàu, có đủ khả năng mua máy móc, nông cụ nhưng họ không được mua. Bởi thế nhiều tiền cũng không mấy có ý nghĩa.

Phụ nữ như một đóa hoa

Trong quan niệm xã hội, phụ nữ Cu Ba như một đóa hoa đáng được trân trọng dù đóa hoa ấy thường có... ria mép. Nhiều phụ nữ Cu Ba có bộ ria hình hài rõ nét không kém gì đàn ông nên thứ bán chạy nhất trong các cửa hàng nhỏ là dao cạo. 

Ở đây phụ nữ thường không tham gia SX trực tiếp trên đồng ruộng. Ở Nông trường Cubanacan nơi chúng tôi làm chuyên gia có trên 100 lao động nhưng chỉ có khoảng 5 người là nữ, mà là cán bộ kỹ thuật. Họ chỉ đạo công nhân từ trên bờ chứ không mấy khi lội ruộng như cánh đàn ông.

Trong cuộc sống, phụ nữ Cu Ba thường thích làm móng tay, móng chân cho thật đẹp. Ai biết làm việc nhà, biết nấu cơm cho chồng con ăn đã là tuyệt vời lắm trong mắt đàn ông rồi.

Cỏ dù mọc ngập đến thềm hè nhà họ nếu chồng không nhổ thì cũng cứ để đấy. Vớ phải ông chồng tính cũng giống vợ thì anh ta sẽ diệt cỏ bằng cách phun thuốc tổng hợp dù biết rõ sự độc hại khi dùng sát nhà như vậy.

Ở trong vùng, mỗi người phụ nữ thường trải qua hai, ba, bốn, thậm chí năm đời chồng. Đám trẻ con gửi tất bên bà ngoại. Bởi thế, ở nông trường chúng tôi ở có trên 100 người nhưng chỉ có Tổng giám đốc rất trẻ là có một vợ, còn lại đa số ai cũng đã mấy đời vợ.

Ở Cu Ba những người già còn giữ được nề nếp kiểu Tây Ban Nha hay kiểu Liên Xô cũ, còn cánh trẻ sống khá thực dụng. Chuyện yêu đương rất tự do. Có học sinh lớp 9 ở gần chỗ chúng tôi mới sinh con vài ngày nên phải ở nhà. Đến kỳ thi cuối cấp, trường cử giáo viên đến ra đề, coi thi em ngay tại gia.

Để chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, hằng năm chính quyền đều tổ chức xét nghiệm máu cho tất cả mọi người.

Cu Ba có những nét văn hóa rất đẹp như khiêu vũ, như opera. Dù còn rất nghèo nhưng hễ phát hiện ra ai có năng khiếu ca hát, bóng chuyền, bóng chày, thể dục là nhà nước đài thọ toàn bộ để phát triển lên thành một tài năng.

Hầu như tỉnh nào cũng có nhà hát opera với giá vé rất rẻ, chừng 10 pê sô/lượt (tương đương 10.000 đồng). Tối tối, cánh công nhân hay nông dân sau khi SX đều nô nức đi xem hòa nhạc. Đời sống tinh thần nói chung rất tốt.

Mấy năm ở nước bạn tôi hầu như không thấy cảnh ăn xin đeo bám ở các khu du lịch. Họa hoằn trong các hàng quán cũng có người tiến lại nhưng không xin tiền mà chỉ xin một cốc cà phê 1 pê sô (tương đương 1.000 đồng) hay cốc bia 5 pê sô (tương đương 5.000 đồng) rồi cảm ơn người cho một cách rất tự trọng, lịch sự.

Mổ bò tù 20 năm, mổ ngựa tù 10 năm

Ở Cu Ba, lợn, gà mổ vô tư nhưng bò, ngựa dù là nhà mình nuôi mà mổ thì cũng đi tù như thường. Bò đực để kéo xe, bò cái để vắt sữa, ngựa có thể vừa kéo xe vừa để làm cảnh nên tất cả chúng đều được chính quyền đánh số để quản lý nghiêm ngặt.

Mổ trộm bò là tù 20 năm, mổ trộm ngựa là tù 10 năm. Ở gần khu chúng tôi ở có người mổ trộm một con bò nên bị tù. Trong tù do cải tạo tốt nên chỉ vài năm anh ta đã được thả ra. Người nhà mở tiệc linh đình chào đón.

Một thời gian sau anh ta lại bị vào tù vì mổ trộm bò lần hai từ lời dân tố cáo. Dân mổ trộm bò đi tù khá nhiều. Nếu không phải là tội phạm nghiêm trọng, tù nhân ở Cu Ba thỉnh thoảng được nghỉ phép về thăm vợ con ở nhà.

Thịt bò không được bán tự do ở Cu Ba mà bán theo phiếu. Chỉ những ai chửa, đẻ, giáo viên thể dục hay chuyên gia nước ngoài mới có quyền lợi này. Người dân dù thèm đến mấy cũng đành chịu.

Xào nấu thịt bò mà mùi dậy lên, người ta đến hỏi hóa đơn, phiếu mua đâu không có là đi tù nhọc. Nhiệm kỳ đầu tiên làm chuyên gia chúng tôi mua thịt khá khó nhưng về sau này thịt lợn, gà kiếm rất dễ mua, còn thịt bò vẫn khó như thủa đầu.

Muốn mua thịt bò chúng tôi phải đi chừng 80 km đến siêu thị tại trung tâm tỉnh mới có. Giá quy ra tiền Việt là 300.000 đồng/kg, rất đắt so với thu nhập của người dân Cu Ba.

Một lần đến trại cá có anh chàng công nhân đã thú thực với chúng tôi rằng: “Em năm nay 25 tuổi mà chưa từng biết miếng thịt bò nó thế nào”. Thương quá, sau này chúng tôi mới mời anh ta ăn một bữa cho biết…

Áp dụng quy trình kỹ thuật chăm bón của Việt Nam cho những diện tích lúa nằm trong dự án là một trong những tác động lớn đối với năng suất. Nông dân Cu Ba giờ đây nhiều người đã biết phải bừa trước khi gieo, biết canh tác hai vụ/năm, biết bón phân 2-3 lần/vụ theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa sử dụng bảng so màu.

Họ đã giảm lượng giống gieo so với trước đây 30-50kg/ha, giảm lượng phân đạm so với trước đây 30-50 kg/ha, giảm số lần phun thuốc BVTV so với trước đây 1-2 lần/vụ.

Từ năm 2011-2013, diện tích SX lúa của dự án đã lên tới 9.238 ha chiếm khoảng 16% tổng diện tích của tỉnh Pinar. Năng suất lúa đạt 3,84 tấn/ha vượt 45% so với năng suất lúa của tỉnh. Sản lượng lúa đạt 35.632 tấn chiếm 23% tổng sản lượng của tỉnh.

Như vậy năng suất lúa của dự án và vùng mở rộng cao hơn 1,19 tấn/ha so với năng suất bình quân, thể hiện rõ nét nhất khi diện tích chỉ chiếm 16% nhưng sản lượng chiếm đến 23%. 

(*) Kỹ sư Nguyễn Hùng nguyên là cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT). Ông vừa trở về Việt Nam sau khi có thời gian công tác 2 năm tại tỉnh Santi và Pinar (Cu Ba)

NGUYỄN HÙNG (*)

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bí thư Quảng Ninh trăn trở việc dân, nghĩ cho doanh nghiệp

Song hành với việc tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đang tính bổ sung nội dung tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp.