| Hotline: 0983.970.780

Cử nhân bán... trà đá

Thứ Năm 12/04/2012 , 10:33 (GMT+7)

Trong bối cảnh ngành học mở tràn lan, chất lượng đào tạo thả nổi dẫn đến hệ quả tất yếu là cử nhân ra trường sẽ vô cùng chật vật về việc làm.

Trong bối cảnh ngành học mở tràn lan, chất lượng đào tạo thả nổi dẫn đến hệ quả tất yếu là cử nhân ra trường sẽ vô cùng chật vật về việc làm. Câu chuyện của một cử nhân tốt nghiệp 2 bằng đỏ nhưng đành phải đi bán trà đá kiếm tiền là điển hình cho thực trạng đáng buồn này.

>> Đầu ra - bi kịch
>> Đua nhau nở rộ
 

Cử nhân ngành “hot” phải đi bán trà đá là kết cục buồn (Ảnh mang tính chất minh họa)

2 bằng đỏ vẫn thất nghiệp

Câu chuyện của Ngô Thị Phương T. (23 tuổi, quê Thái Nguyên, cựu sinh viên Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội) có thể nói là hậu quả “cay đắng” cho việc mở ngành rồi đào tạo tràn lan, không theo nhu cầu thực tế của xã hội.

Phương T. đang sở hữu 2 tấm bằng giỏi chuyên ngành Kế toán và Tài chính- Ngân hàng của ĐH Kinh doanh & công nghệ Hà Nội nhưng hiện tại cô đang phải bán trà đá để mưu sinh vì không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo.

Thực tế, Phương T. đã từng đi làm cho một ngân hàng với vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, nhưng một thời gian sau cô xin nghỉ việc bởi cô thấy công việc đó không phù hợp với bản thân, thiên nhiều về kỹ năng hơn là kiến thức chuyên môn đã được học.

Cô cử nhân sở hữu 2 tấm bằng giỏi nhưng kém may mắn thẳng thắn chia sẻ: “Khi còn là chuyên viên quan hệ khách hàng, công việc chính của tôi là tìm kiếm khách hàng để mở các tài khoản ngân hàng, thường xuyên phải đi lại rất nhiều, bất kể thời tiết. Gặp phải khách hàng tốt thì không sao, nhưng cũng có người luôn tìm cách lôi kéo mình đi uống nước hoặc thỏa thuận phải đi chơi với họ thì mới mở tài khoản”.

Rà soát lại các công việc mình có thể làm, Phương T. nhận thấy những công việc tiềm năng của mình đều rơi vào các vị trí như chuyên viên quan hệ khách hàng, nhân viên tín dụng, giao dịch viên, trợ lý kiểm toán. Loại bỏ công việc chuyên viên quan hệ khách hàng để tránh những lời “đề nghị” khiếm nhã, T. gửi hồ sơ xin việc đến gần chục ngân hàng cho các vị trí như giao dịch viên, trợ lý kiểm toán nhưng tất cả đều không nhận được hồi âm hoặc trượt ngay vòng đầu phỏng vấn!

Và trong khi chờ đợi công việc đúng chuyên ngành đã được học, Phương T. đã mở quán trà đá mưu sinh qua ngày!

Không phải cứ "hot" là xin được việc

Trao đổi với PV NNVN về trường hợp của Ngô Thị Phương T., chị Nguyễn Thu Thủy, nhân viên phụ trách nhân sự của sàn giao dịch chứng khoán SSI (trước đây chị Thủy làm nhân sự cho Ngân hàng Agribank)  cho biết Phương T. có lợi thế là tốt nghiệp ngành “hot” (Kế toán, Tài chính- Ngân hàng) nhưng trong bối cảnh hiện nay, không phải cứ tốt nghiệp ngành "hot" là xin ngay được việc làm.

“Tại thời điểm năm 2006, khi chứng khoán bùng nổ, nhiều ngân hàng ra đời thì các ứng viên có cơ hội lớn hơn, thậm chí cả sinh viên ngoại thương, ngân hàng đều có thể vào làm việc ở các vị trí không đòi hỏi quá cao. Nhưng khi “cơn sốt xình xịch” đã phần nào hạ nhiệt thì thị trường lao động có sự chọn lọc rất kỹ càng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay”, chị Thủy phân tích.

Theo chị Thủy, hiện nay mỗi khi mở một đợt tuyển dụng mới, ngân hàng có thể nhận được cả ngàn hồ sơ từ các ứng viên học tập, tốt nghiệp ở rất nhiều trường khác nhau, trong đó có những trường mà đọc hồ sơ nhà tuyển dụng mới biết có trường đó!

“Chúng tôi không đánh giá tất cả qua bằng cấp nhưng có một thực tế là uy tín của cơ sở đào tạo có tính quyết định rất lớn. Kinh nghiệm của những người làm nhân sự lâu năm như chúng tôi cho thấy những trường có truyền thống lâu năm như ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội)… vẫn là những “địa chỉ an toàn”. Cho nên, để hạn chế việc phải mất thời gian lọc hồ sơ “rác”, ngay trong thông báo tuyển dụng, chúng tôi đã ghi rõ cần tuyển ứng viên tốt nghiệp những trường nào”, chị Thủy cho hay.

Trở lại câu chuyện của cử nhân 2 bằng giỏi Ngô Thị Phương T., chị Thủy cho rằng lâu nay trong giới tuyển dụng của ngành ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng lớn) không đánh giá cao bằng cấp của dân lập hoặc các trường khác tương tự “cùng đẳng cấp”.

“Ngay cả với một ứng viên tốt nghiệp từ Học viện Ngân hàng chúng tôi còn phải xem xét, bởi so với sinh viên của ĐH Ngoại thương hay ĐH Kinh tế Quốc dân thì ngoài kiến thức được học ra, sinh viên học viện và các trường non trẻ thực sự chưa có sự năng động, nhanh nhạy. Nếu so với một sinh viên ĐH Ngoại thương thì lợi thế so sánh gần như không có”, chị Thủy khẳng định.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề nhiều trường ĐH, CĐ ồ ạt mở ngành học hot để đáp ứng nhu cầu xã hội dẫn đến dư thừa việc làm, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng: “Không phải cứ học ngành "hot" là giải quyết được toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc làm sau khi ra trường. Để có cơ hội việc làm còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của sinh viên và thương hiệu, chất lượng đào tạo của từng trường. Điều này các nhà tuyển dụng nắm bắt rất rõ”.   

Trên thực tế, sự phân biệt này được thể hiện rất rõ ràng. Nguyễn Phạm Quỳnh Trang, sinh viên tốt nghiệp Học viện Ngân hàng năm 2010 cho biết sau khi ra trường, cô hy vọng được vào làm ở một ngân hàng lớn và mong muốn này cuối cùng cũng được thỏa nguyện. Nhưng công việc chính của cô sau khi đi làm là chuyên viên quan hệ khách hàng, y hệt như Phương T. Cụ thể: Trang phải tìm kiếm, phát triển khách hàng, mỗi tháng, mỗi quý đều bị áp lực phải huy động đủ 1 tỷ đồng từ các khách hàng thì mới hoàn thành công việc được giao (hiện các ngân hàng đang rất thiếu tiền mặt nhàn rỗi).

Trong khi đó, cùng thi đỗ vào như Quỳnh Trang nhưng một số sinh viên ĐH Ngoại thương lại có vị trí ngon hơn như làm ở bộ phận kiểm toán nội bộ. “Đúng là khi thi vào thì các ứng viên đều ghi rõ vị trí mình muốn, nhưng thực tế là khi đã trúng tuyển rồi, do sự sắp xếp của ngân hàng, vị trí có thể thay đổi. Và dường như luật bất thành văn là sinh viên những trường đầu ngành luôn được đánh giá tốt hơn”, Trang nhận định.

Theo như Trang nói, cô biết nhiều bạn bè học tài chính ngân hàng ở các trường khác, đặc biệt là các trường ĐH dân lập mới mở thì công cuộc xin việc còn khốn khổ hơn nhiều. “Thế mới biết không phải cứ học ngành hot là ra trường trót lọt”, cô đúc kết.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.