| Hotline: 0983.970.780

Cục Bảo vệ thực vật đang triển khai 8 thủ tục trên Một cửa Quốc gia

Thứ Ba 07/12/2021 , 17:30 (GMT+7)

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về 8 thủ tục đơn vị đang triển khai trên Một cửa Quốc gia.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT. Ảnh: NH.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT. Ảnh: NH.

Thưa ông, hiện Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai những thủ tục xuất nhập khẩu nào trên Một cửa Quốc gia và lộ trình trong thời gian tới như thế nào?

Hiện Cục Bảo vệ thực vật có 8 thủ tục trên Một cửa Quốc gia gồm: Kiểm dịch thực vật vật nhập khẩu; Kiểm dịch thực vật xuất khẩu; Kiểm dịch thực vật quá cảnh; Cấp giấy phép thuốc bảo vệ thực vật; Kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu; Cấp giấy phép nhập khẩu phân bón; Cấp giấy phép kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu và thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm cho hàng hóa xuất khẩu.

Hiện 7 thủ tục đã tiến hành trên cơ chế Một cửa Quốc gia. Riêng thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm cho hàng hóa xuất khẩu chưa làm trên Một cửa Quốc gia do 2 năm nay chưa phát sinh một thủ tục hành chính nào vì các cơ quan an toàn thực phẩm của nước ngoài chưa yêu cầu.

Vậy, ông có thể làm một bài toán để doanh nghiệp, người dân hình dung được những thuận lợi và chi phí tiết giảm được khi triển khai thủ tục hành chính xuất nhập khẩu trên Một cửa Quốc gia?

Về triển khai trên hệ thống Một cửa quốc gia tôi có thể làm ví dụ rất đơn giản như thế này. Hiện chúng tôi đang triển khai 3 thủ tục kiểm dịch thực vật là: kiểm dịch thực vật nhập khẩu, kiểm dịch thực vật xuất khẩu và kiểm dịch thực vật quá cảnh, bình quân đều trên 200.000 thủ tục/năm.

Trước đây, một Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II khi làm thủ tục hàng xuất hoặc hàng nhập khẩu khu vực làm thủ tục lúc nào cũng rất đông, chúng tôi phải bố trí 7 người chỉ để cấp, trả chứng thư và thu tiền.

Nay khi thực hiện qua Một cửa Quốc gia, tất cả nhận và trả hồ sơ đều bằng điện tử. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan cũng như bên Viettel để thu cả phí trên điện tử. Doanh nghiệp chỉ cần nộp tiền qua hệ thống điện tử là giải quyết xong thủ tục, không cần phải đến trực tiếp quầy một cửa để nộp phí như trước kia nữa.

Việc thực hiện cơ chế Một cửa Quốc gia không chỉ giúp rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp mà chính bản thân bên cơ quan quản lý Nhà nước cũng đỡ được rất nhiều thời gian, công sức.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang triển khai 8 thủ tục trên Một cửa Quốc gia. Ảnh: NH.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang triển khai 8 thủ tục trên Một cửa Quốc gia. Ảnh: NH.

Để hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ cải cách hành chính liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là Một cửa Quốc gia, Một cửa ASEAN, Cục Bảo vệ thực vật có kiến nghị, đề xuất gì thưa ông?

Việc thực hiện Một cửa Quốc gia, tiến tới thực hiện Một cửa ASEAN hiện vẫn còn một số vấn đề cần rà soát xử lí, nhất là hệ thống phần mềm.

Đơn cử như phần mềm từ năm 2015 - 2016, chúng tôi phải thường xuyên phối hợp với bên Tổng cục Hải quan, Viettel để khắc phục sự cố, bởi một phần mềm khi viết xong không phải lúc nào cũng chạy trơn tru.

Do đó, chúng tôi đề nghị hệ thống kết nối từ Tổng cục Hải quan sang các bộ, ngành, trong đó có Bộ NN-PTNT cần thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa.

Tuy nhiên, bản thân các đơn vị như Cục Bảo vệ thực vật cũng đang tự đầu tư, xây dựng phần mềm, đường truyền, hệ thống máy chủ. Tiếp tục tập huấn, cập nhật ý kiến các doanh nghiệp, các đơn vị của Bộ, ngành liên quan để điều chỉnh các vấn đề phát sinh.

Với thủ tục Một cửa ASEAN do Tổng cục Hải quan làm đầu mối, về cơ sở pháp lý có một số quy định chưa đồng nhất giữa các quốc gia liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu.

Như Việt Nam chúng ta hiện quy định hàng nông sản vào cần có chứng thư, chứng thư phải bằng giấy (quy định trên Luật kiểm dịch và Bảo vệ thực vật), chính vì vậy cần phải có sự đàm phán ở cấp độ quốc gia, để tới đây có thể chấp nhận chứng thư điện tử khi cấp ra. Vì vậy, cần có sự sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật có liên quan, có văn bản mới tiến tới thực hiện Một cửa ASEAN.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.