| Hotline: 0983.970.780

Cung đường buôn lậu thuốc bắc của ông trùm Thọ 'vâu'

Thứ Ba 17/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

Thọ "vâu" lựa chọn vị trí hẻo lánh, đi lại khó khăn thuộc thôn Pò Nhùng (xã Cao Lâu, Cao Lộc, Lạng Sơn giáp Trung Quốc) để biến nơi đây thành lãnh địa buôn lậu.

Tang vật vụ án buôn lậu thuốc bắc ngày 14/12/2018 do Thọ

Tang vật vụ án buôn lậu thuốc bắc ngày 14/12/2018 do Thọ "vâu" cầm đầu. Nguồn: Bộ Công an.

Bắt quả tang 30 tấn thuốc bắc nhập lậu từ Trung Quốc

Cách đây hơn một năm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã triệt phá đường dây buôn lậu, bắt quả tang 23 đối tượng gồm người Việt Nam và Trung Quốc đang có hành vi bốc dỡ trái phép hàng từ xe ô tô biển kiểm soát Trung Quốc sang ô tô biển kiểm soát Việt Nam để vận chuyển vào nội địa.

Ngoài thu giữ tang vật, C03 còn mở rộng điều tra và thu giữ tổng số khoảng 30 tấn thuốc bắc. Số hàng hóa nhập lậu này chuẩn bị được giao bán cho một số đối tượng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Thuốc bắc nhập lậu chứa trong những bao tải hàng hóa. Nguồn: Bộ Công an.

Thuốc bắc nhập lậu chứa trong những bao tải hàng hóa. Nguồn: Bộ Công an.

Đây là đường dây buôn lậu thuốc bắc hoạt động lâu năm, do đối tượng Trịnh Đức Thọ (còn gọi là Thọ "vâu", trú tại TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cầm đầu. Chất lượng thuốc không được kiểm soát, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm định về mặt chất lượng theo đúng quy định nên không thể xác định được tác dụng của chúng.

Thậm chí, kết quả giám định có nhiều mẫu không đạt chất lượng, không đủ tiêu chuẩn sử dụng trong y tế. Nếu được đưa đi tiêu thụ rộng rãi có thể gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

Theo tài liệu của cơ quan công an, từ tháng 1/2018 đến ngày 14/12/2018, dưới vỏ bọc là Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Lạng Sơn và nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác tự lập ra, Thọ đã liên tục tổ chức buôn lậu thuốc bắc nhiều lần từ bên kia biên giới vào Việt Nam với số lượng lớn.

Chiêu thức buôn lậu rất tinh vi

Để làm được điều này, Thọ lôi kéo Phùng Văn Xấm là trưởng thôn Pò Nhùng cùng tham gia đường dây phi pháp của mình. Sau đó chỉ đạo các đàn em sử dụng máy múc san gạt khu đất trống làm bãi đỗ xe, tập kết hàng hóa, tháo dỡ hàng rào của cơ quan Biên phòng, mở đường cho xe ô tô tải do người Trung Quốc điều khiển vận chuyển hàng hóa qua biên giới vào địa phận Việt Nam.

Thời điểm giao dịch thường là ban đêm. Những đối tượng buôn lậu tổ chức canh phòng, cảnh giới trên toàn tuyến đường vào, ra khu vực giao, nhận hàng hóa để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Khi phát hiện người lạ vào khu vực thì đối tượng cảnh giới lập tức thông báo cho các đối tượng khác biết. Địa điểm này rất khó tiếp cận để bố trí bắt giữ, vì các đối tượng buôn lậu dễ phát hiện, chúng sẽ nhanh chóng tầu thoát, xóa dấu vết, gây khó khăn cho việt truy bắt.

Đường dây buôn lậu do Thọ

Đường dây buôn lậu do Thọ "vâu" cầm đầu có số lượng hàng chục người, trong đó có cả trưởng thôn Pò Nhùng (xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc). Nguồn: Bộ Công an. 

Để không bại lộ dấu vết trong quá trình vận tải hàng, chúng sử dụng các xe ô tô gắn biển kiểm soát giả, theo số đã quy ước trước để dễ phân biệt. Khi bị phát hiện thì chúng bỏ xe lại nên không thể xác định được chủ xe.

Để triệt phá thành công đường dây buôn lậu xuyên quốc gia này, lực lượng của C03 đã phải tranh thủ thời điểm sáng sớm (khoảng 6h - 7h sáng) khi các đối tượng cảnh giới nghỉ ngơi sau thời gian làm việc đêm để tập kết, bố trí lực lượng. Chờ đến đêm khi các đối tượng sang tải hàng hóa từ Trung Quốc chuyển về thì mới tổ chức bắt giữ. Quá trình phục kích phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, tránh sự phát hiện của các đối tượng cảnh giới.

Theo thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra C03- Bộ Công an: Các đối tượng buôn lậu sử dụng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm che dấu hành vi phạm tội, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, khám phá.

Đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Trịnh Đức Thọ tổ chức thành đường dây, phân công nhiệm vụ cho từng khâu.

Thọ ít xuất hiện mà giao nhiệm vụ những đàn em thân tín điều hành hoạt động nên những đối tượng khác trong đường dây không biết Thọ là ai. Mục đích của hắn là để che giấu hành vi buôn lậu, gây khó khăn cho công tác phát hiện của các cơ quan chức năng.

Các đối tượng giao dịch với nhau thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, và ngay sau khi nhắn tin, gọi điện thành công thì lập tức xóa tin nhắn. Do đó, gây khó khăn cho quá trình điều tra, thu giữ chứng cứ về đường dây buôn lậu này.

Ngày 14/12/2018 khi C03 tổ chức triệt phá đường dây buôn lậu do Thọ cầm đầu thì Thọ đang đi chữa bệnh tại Nhật Bản, nhưng vẫn điều hành hoạt động buôn lậu tại Việt Nam. Khi bắt giữ, đàn em của THọ không khai báo Thọ. Mặt khác, khi điều hành đường dây này, Thọ để lại rất ít dấu vết nên rất khó khăn cho công tác đấu tranh, làm rõ vai trò của đối tượng này.

Đường đi của thuốc lậu

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các đối tượng quy ước với nhau số thuốc bắc nhập lậu là “hàng rác”. Chúng tôi thấy họ đóng vào những bao tải sơ sài vứt xuống nền đất trong các kho, để rất lâu ngày rồi mới đưa đi tiêu thụ trong khắp cả nước”.

Thuốc bắc nhập lậu được các đối tượng quy ước là

Thuốc bắc nhập lậu được các đối tượng quy ước là "hàng rác", được tập kết trong kho chứa do Thọ "vâu" quản lý. Nguồn: Bộ Công an.

Trên mỗi bao tải chứa thuốc bắc nhập lậu đều ghi mã số, ký hiệu. Cơ quan công an xác định đó là mã của các khách hàng. Trong đó, hầu hết các khách hàng này có địa chỉ ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội- nơi vẫn được coi là thủ phủ của giới buôn thuốc bắc từ nhiều năm nay.

Theo lời khai của đối tượng chuyên đứng ra thu tiền giúp Thọ , thì chỉ trong năm 2018 đã thu được hơn 30 tỷ đồng tiền cước vận chuyển hàng lậu, mà các chủ hàng ở Ninh Hiệp trả cho Thọ.

Vì giá cước vận chuyển mỗi một kg hàng lậu trót lọt từ vùng biên về Ninh Hiệp là 11.000 đồng. Với quy mô hoạt động rầm rộ trong suốt một thời gian dài, khó có ai biết được, đã có bao nhiêu ngàn tấn thuốc bắc được nhập lậu về dùng làm mục đích chữa bệnh cho người.

Buôn lậu thuốc bắc không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà theo lãnh đạo Cục Quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế, đây thực sự là một tội ác. Vì thuốc bắc dùng để chữa bệnh mà chất lượng không đảm bảo thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Cái kết đắng cho "ông trùm"

Nhờ buôn lậu, Thọ vâu đã sở hữu 4 công ty, đồng thời cùng vợ sở hữu nhiều ô tô tải để phục vụ hoạt động kinh doanh và vận tải hàng hóa, trong đó có 7 xe bị bắt giữ.

Số tiền hơn 30 tỷ đồng do Nguyễn Văn Đông chuyển vào tài khoản của Trịnh Đức Thọ là số tiền "ông trùm" này thu được từ hoạt động buôn lậu và vận chuyển hàng lậu, là tiền thu nhập bất chính nên cơ quan công an đã tịch thu sang quỹ nhà nước.

Đây được coi là chuyên án bóc gỡ đường dây buôn lậu, vận chuyển thuốc bắc qua đường tiểu ngạch với quy mô lớn nhất từ trước đến này bị cơ quan công an triệt phá trên địa bàn cả nước.

Trong đường dây buôn lậu này có sự góp mặt của hai đối tượng quốc tịch Trung Quốc là Nông Kiến Châu và Hà Hán Dũng. Họ mua ô tô tỉ để chở thuê hàng lậu từ kho tại thị trấn Bằng Tường sang cột mốc 1172 biên giới Việt - Trung (thôn Pò Nhùng). Nông Kiến Châu được trả 1.100 NDT, Hà Hán Dũng được trả 500 NDT. Trị giá lô hàng buôn lậu mà Dũng và Châu chở trị giá khoảng 2,2 tỷ đồng.

Sau thời gian dài đấu tranh khai thác, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra C03 Bộ Công an đã hoàn tất quá trình điều tra. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng vừa ban hành cáo trạng truy tố đối tượng cầm đầu Trịnh Đức Thọ và 19 đồng phạm liên quan, để sớm đưa ra xét xử theo quy định.

Theo điểm a, khoản 4, Điều 118 Bộ Luật hình sự về tội buôn lậu: "Vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đó là mức án mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xét xử, đối với bị can Trịnh Đức Thọ cùng đồng phạm (14 bị can).

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.