Hệ thống kênh mương góp phần quan trọng trong sản xuất
A Lù, xã vùng cao của huyện Bát Xát (Lào Cai), trong những năm qua việc duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi giúp người dân trên địa bàn đảm bảo nước để canh tác.
Ông Tẩn Sài Heng ở thôn Khu Chu Lìn của xã A Lù cho biết, nước quan trọng lắm, có nguồn nước mới sản xuất nông nghiệp được. Có nước, năng suất, giá trị của cây lúa mới cao. Cứ năm nào nước vào ruộng ổn định bà con mới yên tâm được. Ở đây, kênh mương dẫn nước tới tận ruộng nên năm nào nhà tôi cũng thu được gần 7 tấn thóc.
Để có nguồn nước ổn định, xã A Lù cùng bà con nhân dân thường xuyên duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi thôn Tả Suối Câu, công trình thủy lợi thôn Ngải Thầu Thượng, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, những hệ thống đập dâng, kênh dẫn quy mô nhỏ cũng được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù cho biết, trong những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước bằng các nguồn vốn Chương trình 120 (Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030); Chương trình 134 (Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) và Chương trình 135 (phát triển KTXH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa);..., các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư kiên cố.
Xã hiện có tuyến công trình thủy lợi với tổng chiều dài 44,6km, trong đó trên 28km là mương bê tông xi măng còn lại là kênh đất. Các công trình này giúp tưới, tiêu gần 430ha diện tích lúa 1 vụ. Các công trình giao cho các tổ quản lý của thôn trực tiếp quản lý vận hành công trình, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, dự báo năm 2024, thời tiết khí hậu khắc nghiệt và diễn biến phức tạp, mùa khô thường xuyên xảy ra những đợt nắng nóng kéo dài gây ra hạn hán, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển sản xuất. Mùa mưa thường xảy ra mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm hư hỏng các công trình thủy lợi trên địa bàn các thôn.
Theo các xã, thị trấn, dự báo vụ đông xuân năm 2023 - 2024 diện tích bị hạn, thiếu nước chủ yếu là diện tích không có công trình thủy lợi cấp nước tưới, sản xuất phụ thuộc vào nước mưa hoặc khu vực có nguồn nước nhưng bị cạn kiệt, công trình thủy lợi hư hỏng. Hiện việc khắc phục, sửa chữa tạm chỉ đáp ứng được một phần nước để tưới.
Trước thực trạng nêu trên, UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án chống hạn cho diện tích canh tác.
Chủ động đối phó tình trạng thiếu nước
Ông Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết, để phòng chống, đối phó với hạn hán, thiếu nước, các địa phương chủ động tích nước đến mực nước dâng bình thường đối với các hồ chứa. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí tượng, thủy văn để giữ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, không tháo cạn nước trong mùa khô để đánh bắt thủy sản trong hồ; xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp; trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra.
Đối với khu vực thiếu hụt nguồn nước, xây dựng phương án bơm nước bổ sung nguồn cho các công trình thủy lợi; thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, duy tu bảo dưỡng công trình đảm bảo phục vụ tưới tiêu; vận động người dân tham gia làm công tác thuỷ lợi, nâng cao ý thức trong sử dụng và bảo vệ công trình.
Ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp xả nước thải, rác thải vào công trình thủy lợi làm ảnh hưởng tới nguồn nước, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi”, ông Phạm Năng Chung nhấn mạnh.
Huyện Bát Xát có 2 hồ chứa nước thủy lợi lớn; 270 công trình thủy lợi; hơn 160 đập đầu mối; tổng chiều dài kênh mương là 693,5km. Trong đó, kênh mương kiên cố đạt 70,69% (490,3km), còn lại 203,2km kênh đất. Tưới tiêu cho 6.747,5ha đất nông nghiệp trong đó diện tích lúa 5.887ha và 670ha rau màu, 190ha thủy sản.