| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cách mạng nông nghiệp Trung Quốc: [Bài 2] Công nghệ đột phá giúp tiết kiệm nước

Thứ Tư 13/11/2019 , 08:56 (GMT+7)

Một công nghệ tưới mới được phát triển bởi các nhà khoa học Trung Quốc có thể cắt giảm 1/4 lượng nước sử dụng của nông dân ở những khu vực khô cằn hồi tháng 9 đã giành được giải thưởng bảo tồn quốc tế.

nh1125512498
Tưới tiêu là khâu tối quan trọng trong nông nghiệp và các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực nghiên cứu để giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong quá trình này. Ảnh minh họa: Tech in Asia.

Tian Fuqiang, phó giáo sư đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa, đã được công nhận vì sự đóng góp của ông đối với việc phát triển cũng như ứng dụng rộng rãi công nghệ điều tiết nước và muối cho quá trình tưới tiêu và tưới nhỏ giọt ở khu vực Tân Cương, miền viễn tây Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Tian đã nhận giải thưởng Công nghệ Tiết kiệm Nước (WatSave Technology Award) ở Bali, Indonesia, ngày 4/9. Giải thưởng từ Ủy ban Thủy lợi và Thoát nước Quốc tế (ICID) được trao hàng năm cho những công nghệ tiết kiệm nước mới tốt nhất.

Gao Lihui, giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về Thủy lợi và Thoát nước trực thuộc ICID, trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết giải thưởng trên là sự ghi nhận đáng trân trọng đối với những thành tựu công nghệ mà nhóm nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa đã đạt được trong lĩnh vực bảo tồn nước.

“Họ đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng viên đến từ những quốc gia khác cũng tham gia cạnh tranh giải”, Gao cho biết. “Nhưng thách thức lớn hơn bây giờ là thúc đẩy công nghệ này trên toàn thế giới”.

Đây là lần thứ 7 các nhà khoa học Trung Quốc giành giải thưởng của ICID trong vòng hai thập kỷ qua. Trước đó hai năm, các nhà khoa học Australia là những người giành giải.

Công nghệ tiết kiệm nước đã được Trung Quốc sử dụng để tưới tiêu cho hơn 20.000ha trang trại trồng bông, một loại cây thâm canh ưa nước, ở Tân Cương, kể từ năm 2011. Theo các nhà nghiên cứu, nó đã giúp tiết kiệm hơn 500 triệu mét khối nước cho các trang trại ở thời điểm đó.

Nó có thể giảm lượng nước sử dụng tới 25% và tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp như bông gần 20% so với các hệ thống tưới hiện được sử dụng ở những vùng khí hậu nóng, khô khác, theo ICID.

Đội ngũ của Tian cho hay công nghệ trên sử dụng một mô hình toán học có khả năng mô phỏng cũng như dự đoán chuyển động của muối và nước trong những loại đất khác nhau, điều mà trước đây các nhà khoa học chưa hiểu cặn kẽ.

Tại những khu vực khô hạn như Tân Cương, việc tưới quá nhiều hay quá ít nước đều dễ dẫn tới hiện tượng đất nhiễm mặn - mối đe dọa lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Tình trạng nhiễm mặn có thể được tạo ra bởi sự bay hơi một lượng nước quá lớn trong thời gian quá ngắn hoặc quá trình hòa tan chất rắn trong đất thành chất lỏng không đủ dẫn tới cây phát triển kém do quá ít nước.

Các nhà nghiên cứu suốt hàng thập kỷ luôn tìm cách tính toán lượng nước sao cho cân bằng và với sự ra đời của công nghệ mới, nông dân giờ đây có thể sử dụng nước trong tưới tiêu một cách dễ dàng và chính xác chưa từng thấy.

nh2125512634
Tian Fuqiang. Ảnh: Thuwater.

Những người trồng bông hiện có thể tính toán bao nhiêu mét khối nước cho một hecta bông, liệu họ có cần tưới nước cho cánh đồng vào mùa đông hay không và các lần tưới nên cách nhau bao nhiêu ngày.

Tân Cương, với sa mạc Gobi ở phía bắc và sa mạc Taklimakan ở phía nam, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, đặc biệt là cây bông. Khu vực cung cấp hơn 80% tổng sản lượng bông của cả Trung Quốc. Nhưng khí hậu khô hạn dẫn tới tình trạng thiếu nước đã kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội nơi đây, theo chính phủ Trung Quốc.

Rất nhiều khu vực khác cũng đang phải đối mặt với điều kiện khắc nghiệt tương tự, bao gồm cả những địa điểm liên quan tới dự án Sáng kiến Vành đai, Con đường do Bắc Kinh khởi xướng. Nông nghiệp là một trong những mục tiêu đầu tư của kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô khổng lồ này, nhằm liên kết Trung Quốc chặt chẽ hơn với châu Á, châu Phi, châu Âu và hơn thế nữa.

Nhóm nghiên cứu khẳng định sử dụng công nghệ mới để tưới tiêu hơn 70 triệu ha ruộng bông chỉ tính riêng ở Trung Quốc và Trung Á có thể tạo ra hơn 7 tỷ USD thu nhập thêm cho nông dân mỗi năm.

Cùng lúc, họ ước tính nó còn có khả năng giảm 17,5 tỷ mét khối nước tiêu thụ hàng năm, gần bằng toàn bộ nguồn tài nguyên nước ngầm của Afghanistan.

Gao cho biết công nghệ mới có lợi thế về chi phí so với những công nghệ khác. Ví dụ, Trung Quốc sử dụng ống nhựa gắn trong tường mỏng. Chúng cần được thay thế mỗi năm nhưng có thể tái chế và không tốn kém. Công nghệ tương tự được dùng ở một số quốc gia, chẳng hạn như Israel, sử dụng ống nhựa chất lượng cao gắn bên trong tường dày. Chúng có thể tồn tại hàng thập kỷ nhưng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, đồng nghĩa sẽ nằm ngoài tầm với của nông dân ở những nước đang phát triển.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.