| Hotline: 0983.970.780

'Cuộc chiến' chân gà giữa Mỹ và Trung Quốc

Thứ Bảy 16/03/2019 , 09:18 (GMT+7)

Mỹ quá dư thừa trong khi Trung Quốc lại có nhu cầu lớn chân gà khiến nó trở thành một sản phẩm thương mại nặng ký khi đàm phán.

Người Mỹ ăn rất nhiều thịt gà, bình quân 45 kg mỗi người mỗi năm. Tuy nhiên, họ không ăn chân gà, dù rất nhiều nơi khác trên thế giới ưu chuộng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc là nơi nổi tiếng hàng đầu về 'đam mê' chân gà. Món chân gà có mọi nơi, từ nhà hàng xa hoa đến quán cơm bình dân.

Paul Aho, một nhà kinh tế và tư vấn gia cầm, ước tính rằng 75% lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc chỉ là phần chân và hầu hết đến từ Mỹ. Tuy nhiên, do các căng thẳng về thương mại giữa hai nước, dòng chảy chân gà từ Mỹ đang nhỏ giọt, dù nhu cầu bán - mua của cả hai rất lớn.

Tại Trung Quốc, chân gà còn được gọi bằng cái tên mỹ miều là "móng vuốt phượng hoàng". Một trong những cách chế biến nổi tiếng là làm dim sum kiểu Quảng Đông. Chân gà sẽ được chiên cho phồng lên, sau đó ninh trong vài giờ, ăn kèm nước sốt bột đậu đỏ. Chân gà có thể ăn nóng hoặc lạnh, cay hoặc không, nấu súp hay hầm.

Chân gà sống được bán trong siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Kristi Allen

Ngoài ngon miệng, người Trung Quốc thích chân gà vì cho rằng có lợi cho sức khỏe, bởi nó giàu collagen giúp đẹp da. Chân gà thường được ăn lạnh nên nó càng đắt hàng vào các tháng ấm, từ giữa tháng Tư đến tháng Mười. Vì nhu cầu cao, giá chân thường đắt hơn thịt gà. Thực tế, ngành chăn nuôi gia cầm nội địa nước này không sản xuất kịp chân gà để cung ứng.

Trung Quốc nhập khẩu gia cầm gần một tỷ USD mỗi năm. Một lượng đáng kể trong đó đã từng đến từ Mỹ. "Chúng tôi đã xuất rất nhiều chân gà đến Trung Quốc, khoảng 400.000 tấn mỗi năm", ông Aho nói chân gà Mỹ được yêu thích còn vì kích thước lớn.

Các nhà kinh tế xem điều này như ví dụ kinh điển về lợi nhuận từ thương mại. Trong đó, một sản phẩm vô dụng ở thị trường này lại đáng giá tỷ USD ở thị trường khác. Công ty Mỹ có thêm lợi nhuận từ mỗi con gà còn thực khách Trung Quốc có nhiều chân để ăn hơn.

Nhiều nhà kinh doanh gia cầm Trung Quốc rất khôn ngoan. Họ xuất chân gà nội địa sang các thị trường có giá hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, họ nhập lại chân gà Mỹ để bán trong nước vì giá rất rẻ. Ở tầm vĩ mô hơn, chân gà là một chủ đề đàm phán quan trọng về thương mại quốc tế, thuế quan trả đũa và thậm chí là khiếu nại lẫn nhau lên WTO của Trung Quốc và Mỹ.

Hai nước này thường đóng cửa thị trường thực phẩm của nhau để bảo hộ cũng như bảo vệ an toàn thực phẩm. Ví dụ, Trung Quốc cấm nhập bò Mỹ vào năm 2003 vì thông tin về bệnh bò điên và chỉ mở cửa lại từ năm 2017.

Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, họ bắt đầu nhập chân gà Mỹ một cách mạnh mẽ, tăng hơn 50% mỗi năm, ngay cả khi chịu thiệt thòi bởi Mỹ cấm nhập gà Trung Quốc năm 2004 vì cúm gia cầm. Đến năm 2009, gần 80% chân gà nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Mỹ.

Chân gà chế biến sẵn đóng gói được bán tại Trung Quốc. Ảnh: Kristi Allen

Tuy nhiên, 5 năm là quá đủ. Cũng năm 2009, Trung Quốc đệ đơn khiếu nại với WTO để yêu cầu các quốc gia mở cửa lại thị trường cho gà nước này. Đồng thời, chân gà Mỹ bị áp thuế cao với lý do chân gà Mỹ phá giá thị trường, khiến hàng nội địa không cạnh tranh được. Lập tức, chân gà Mỹ vào Trung Quốc giảm 80% khiến nước này khởi xướng một cuộc tranh chấp thương mại với Trung Quốc tại WTO. Trong khi đó, chân gà Mỹ nhập khẩu Hong Kong tăng vọt và được nhập lậu vào Trung Quốc để tiêu thụ.

Năm 2013, WTO ra phán quyết có lợi cho Mỹ. Trung Quốc giảm thuế cho chân gà Mỹ và gia hạn khiếu nại vào năm 2016. Về cơ bản, hai nước bắt đầu thực hiện thỏa thuận cho phép tiếp cận thị trường đối ứng. Giải pháp là Trung Quốc giảm thuế gia cầm và Mỹ sẽ cho phép nhập khẩu một số sản phẩm thịt gà của Trung Quốc.

Nhưng dự kiến chưa được lâu thì thực tế lại kịch tính hơn. Năm 2015, cúm gà bùng phát ở Mỹ. Hàng chục nước, gồm Trung Quốc, cấm nhập khẩu thịt gà nước này. Sau khi dịch bệnh được giải quyết, hầu hết thị trường mở cửa lại, trừ Trung Quốc.

Theo Aho, Trung Quốc dự kiến chỉ nhập 375.000 tấn các sản phẩm thịt gà vào năm 2019, thấp hơn nhiều so với 400.000 tấn chân gà mà họ đã nhập khẩu trước lệnh cấm. Kết quả, nước Mỹ tràn ngập chân gà và phải làm thức ăn cho động vật. Giới chuyên gia cho rằng, tình hình sẽ sớm thay đổi. Trong căng thẳng thương mại hiện nay, phía Mỹ đang nỗ lực để Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập gà. Giới chăn nuôi tự tin, chỉ cần vào được Trung Quốc thì chân gà Mỹ, với lợi thế kích thước siêu lớn, sẽ đánh bại được các đối thủ khác.

(Theo Atlas Obscura, VnExpress)

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.