Ngán nhất đánh giá nguy cơ dịch hại
Khác với những cây lương thực như ngô, lúa, theo phản ánh của một số DN, do đa số các giống cây thức ăn gia súc NK hiện nay mới được bắt đầu nghiên cứu nên rất nhiều giống là giống mới tại Việt Nam, đặc biệt là giống cỏ.
Vì vậy, để đưa được một giống cỏ mới ra SX hiện nay là điều không hề dễ dàng, bởi nó liên quan tới cả 3 cục quản lí gồm Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi và đặc biệt là Cục BVTV.
Quy trình để NK, khảo nghiệm và đưa ra SX một giống cỏ hiện nay có thể tóm tắt thế này: DN trước khi NK một giống cỏ (với mục đích sử dụng làm cây thức ăn cho gia súc) phải làm một bộ hồ sơ, trình Cục Trồng trọt xem xét.
Bắt buộc trong hồ sơ là DN phải cam kết rằng giống cỏ ấy không phải là cây trồng biến đổi gen, không có yếu tố ma túy, không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, Cục Trồng trọt sẽ phải nghiên cứu xem xét thêm về tình hình SX giống cỏ đó tại nước XK, các tài liệu về tình hình dịch hại… Nếu đáp ứng được các yêu cầu, Cục sẽ cấp giấy phép NK cho DN (với mục đích khảo nghiệm).
Theo quy định, một giống cỏ chỉ được khảo nghiệm với diện tích tối đa là 10ha, vì vậy DN chỉ được cấp phép NK với số lượng hạt giống tối đa tương đương với 10ha đó mà thôi.
Sau khi được Cục Trồng trọt cấp giấy phép, DN phải mang hồ sơ sang Cục BVTV. Tại đây, Cục BVTV sẽ xem xét hai yếu tố: Một là giống cỏ đó đã từng được phép NK về Việt Nam hay chưa. Nếu là giống đã từng được NK, Cục xem xét làm thủ tục đăng ký KDTV thông thường.
Tuy nhiên, nếu là giống mới, chưa từng được NK thì sẽ hết sức rắc rối. Bởi theo quy định, cỏ và hạt cỏ hiện nay thuộc danh mục các vật thể phải bắt buộc đánh giá nguy cơ dịch hại (PRA) trước khi NK vào Việt Nam.
Theo phản ánh của các DN, để hoàn tất được quy trình đánh giá nguy cơ dịch hại ở Cục BVTV, nếu thuận lợi thì cũng phải mất 2-3 năm, thậm chí 5 – 6 năm hoặc lâu hơn. |
Đây là khâu hết sức phức tạp, bởi trước hết, DN phải cung cấp được hồ sơ đánh giá nguy cơ dịch hại của nước XK giống cỏ ấy trình Cục BVTV xem xét đánh giá.
Sau đó, sẽ phải chờ Cục BVTV làm việc với cơ quan kiểm dịch thực nước XK để xem xét đánh giá và thống nhất có cho phép NK giống cỏ đó về Việt Nam hay không.
Chăn nuôi nhỏ bị thiệt thòi
Nếu qua được “cửa ải” ở Cục BVTV, giống cỏ NK về sẽ phải trải qua tiếp nhiều chặng đường, đó là khảo nghiệm, SX thử và công nhận giống.
Theo quy định tại Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN về việc công nhận giống cây trồng mới trong nông nghiệp, các giống cây thức ăn cho gia súc hiện nay như cỏ, cao lương, yến mạch… được xếp vào cây trồng phụ trong nông nghiệp.
Vì vậy các DN không cần phải thực hiện khảo nghiệm thông qua Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống Quốc gia, mà có thể tự tổ chức khảo nghiệm.
Theo quy định, giống cỏ phải được khảo nghiệm ít nhất 3 vụ, mặc dù nhiều giống cỏ có thể tái sinh nhưng để hoàn tất khảo nghiệm, thường cũng phải mất từ 1 đến 2 năm.
Nếu qua khảo nghiệm, DN chọn được giống cỏ có triển vọng, muốn công nhận giống sẽ phải mời Hội đồng công nhận giống tới tổ chức hội nghị xem xét đánh giá. Hội đồng này bao gồm rất nhiều đơn vị như Vụ KH-CN và MT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT các tỉnh…, đồng thời sẽ phải có cả Cục Chăn nuôi.
Một DN từng khảo nghiệm giống cỏ tiết lộ, mặc dù Cục Trồng trọt là đơn vị chủ trì công nhận giống cỏ, nhưng do giống cỏ có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi nên ý kiến của Cục Chăn nuôi rất quan trọng.
Vì vậy để được hội đồng thông qua, trong quá trình khảo nghiệm DN phải nhận được sự đồng thuận của cục này.
Nếu được hội đồng đánh giá nhất trí, DN còn phải tiếp tục trải qua giai đoạn SX thử trước khi được công nhận chính thức.
Có một điều lạ là trong khi số lượng giống cỏ được Cục Trồng trọt công nhận cho phép SX kinh doanh hiện chỉ có 5 giống, tuy nhiên thử tìm trên internet thì ra nhan nhản kết quả bán giống cỏ. Chẳng hạn, giống cỏ Sudan hiện chưa có trong danh mục giống của Cục Trồng trọt, nhưng có hàng trăm địa chỉ rao bán loại cỏ này với những lời có cánh như “cỏ NK từ Mỹ, hàm lượng đạm cao 15-18%, giàu canxi, phẩm chất tốt… |
Như vậy để đưa một giống cỏ mới ra SX một cách “đường đường chính chính”, DN sẽ phải mất ít nhất 3-5 năm. Để rút ngắn thời gian, theo hiến kế của một cán bộ Cục Trồng trọt thì DN có thể nhờ tới ý kiến của Sở NN-PTNT các tỉnh nơi khảo nghiệm trình Cục Trồng trọt để công nhận đặc cách.
Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng gì với DN. Có lẽ bởi thế nên theo thống kê của Cục Trồng trọt thì mặc dù mảng cây thức ăn chăn nuôi hiện đang rất béo bở trong ngành giống, nhưng số lượng giống được công nhận chính thức chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cụ thể, hiện mới chỉ có 5 giống cây thức ăn chăn nuôi được công nhận là giống được phép SX kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có 3 giống của Cty TNHH Minh Đăng, một giống của Cty Giống cây trồng Miền Nam (SSC), một giống cao lương (của Cty NTS Partners) và một giống đang giai đoạn SX thử của SSC.
Có một điều đáng suy nghĩ là trong khi việc NK và công nhận giống cây thức ăn chăn nuôi đối với các DN kinh doanh thương mại hết sức ngặt nghèo thì hiện nay, việc NK đối với các dự án lại khá trôi chảy.
Cụ thể theo quy định thì việc NK giống cỏ đối với các dự án được cấp phép hiện nay DN thực hiện dự án sẽ không cần phải trải qua các quy trình đánh giá nguy cơ dịch hại hay khảo nghiệm, điển hình là các Cty như NTS Partners, Vinamilk, TH True Milk, Sữa Mộc Châu đều đang NK theo hình thức này.
Theo Cục Trồng trọt, hiện mỗi năm các DN này NK khoảng từ 20 – 30 tấn hạt giống cỏ và cao lương, trong đó Vinamilk khoảng 10 tấn/năm trồng tại Thanh Hóa và Bình Định; TH True Milk khoảng 10 tấn giống cao lương; Cty NTS Partners năm 2014 NK khoảng 8 – 9 tấn hạt cao lương và đang SX tại một số tỉnh như Đắk Nông, Quảng Ngãi…
Một số đơn vị khác như Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu mỗi năm đều có NK giống yến mạch, một số đơn vị thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh cũng từng được NK giống cỏ…
Thực tế này cho thấy, trong khi các DN lớn đang được tiếp cận với các loại giống cây thức ăn chăn nuôi có chất lượng, năng suất cao thì người chăn nuôi gia súc nông hộ, thậm chí ngay tại các vùng bò sữa vệ tinh của các Cty sữa lại đang phải thiệt thòi khi vẫn phải sử dụng các giống cỏ năng suất, chất lượng thấp.