Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 3B từ Trung tâm Vũ trụ Xichang ở tỉnh Tứ Xuyên ngày 8/12/2018 |
Trung Quốc ngày nay phóng tên lửa và tàu vũ trụ lên không gian nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Năm 2018, nước này thực hiện 39 vụ phóng, trong khi Mỹ chỉ có 31 vụ, Nga 20 vụ và cả châu Âu hợp lực cũng chỉ có 8 vụ.
Không những thế, Trung Quốc còn có một bước tiến dài và tiên phong trước tất thảy. Mở đầu năm 2019, ngày 3/1, tàu thăm dò của Trung Quốc đã đáp thành công xuống “phần tối” của Mặt Trăng, đánh dấu lần đầu tiên con người xác lập sự hiện diện ở đây. Trung Quốc cũng đã có những chuẩn bị hạ tầng để tự xây dựng trạm không gian của riêng họ, độc lập hoàn toàn với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong thập niên sắp tới, và sau đó là đưa phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng (sau cú đáp mang tính biểu tượng của Mỹ năm 1972).
Trung Quốc ngày nay còn cấp vốn cho các chương trình không gian dân sự và quân sự lớn hơn cả Nga, Nhật Bản. Mặc dù số liệu còn chưa rõ ràng, năm 2017 họ đã chi đến 8,4 tỷ USD (theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Với ngân sách của Mỹ lên đến 48 tỷ USD chưa thấm tháp gì, nhưng so sánh với con số vỏn vẹn 3 tỷ USD của Nga thì đó là một khoảng cách dài.
Đi sau nhiều thập kỷ, bước tiến của Trung Quốc là sự kỳ diệu gần như chưa có quốc gia nào làm được. Họ phóng vệ tinh đầu tiên năm 1970, đưa người vào vũ trụ lần đầu năm 2003 và tiến dài đến việc lắp ghép tàu vũ trụ với thiết bị không gian năm 2012. Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu BeiDou của Trung Quốc hiện cạnh tranh ngang ngửa với hệ thống GPS, chỉ có thua kém về mức độ phổ biến và số lượng khách hàng.
Ông Todd Harrison - chuyên gia không gian mảng quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Washington (Mỹ) nhận định không sai: “Nếu duy trì được đà này, Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Nga về năng lực công nghệ không gian”.
Theo nhiều nguồn đánh giá, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa phải là mối đe dọa đến thị trường phóng vệ tinh thương mại, vốn đang bị chi phối với Nga và các công ty như SpaceX (Mỹ) và Arianespace (châu Âu). Kể cả những thành công lớn của Trung Quốc trong cuộc chinh phụ vũ trụ cũng chưa khiến Mỹ lo lắng. Tàu thám hiểm Chang'e-4 hạ cánh xuống Mặt Trăng vẫn nhận được sự khen ngợi của Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ, dù Mỹ có điều luật cấm hợp tác không gian với Trung Quốc.
Nhưng hai lĩnh vực mang tính “đe dọa” nhất sẽ xuất hiện: Ngắn hạn là sử dụng không gian vì mục đích quân sự, dài hạn là khai thác nguồn lực trong không gian. Không giống như thời Chiến tranh Lạnh - thập niên 1960 - 1970, Washington và Moscow có nhiều hiệp ước hợp tác và ngăn cấm phát triển, triển khai vũ khí không gian - giờ đây khoảng trống pháp lý là rất lớn.