| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống bình thường mới: Lo âu và hy vọng khi sống chung với Covid-19

Thứ Năm 07/10/2021 , 11:31 (GMT+7)

Tại Singapore, Joys Tan luôn tuân thủ các quy tắc vốn đã giúp nước này hạn chế đáng kể số ca bệnh Covid-19: Giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và tiêm chủng.

Người dân đạp xe, đi dạo gần tượng Merlion, một trong những điểm thu hút khách du lịch của Singapore, hôm 26/9. Ảnh: AP.

Người dân đạp xe, đi dạo gần tượng Merlion, một trong những điểm thu hút khách du lịch của Singapore, hôm 26/9. Ảnh: AP.

Gia đình cô không có ai từng nhiễm virus nên Tan tự tin đến dùng bữa tối tại nhà mẹ đỡ đầu hồi đầu tháng, bất chấp tình trạng lây nhiễm gia tăng do biến chủng Delta. Chính phủ Singapore trong khi đó đang đẩy mạnh chiến lược “sống chung với Covid-19”, coi đây như một căn bệnh đặc hữu, và dần nới lỏng các hạn chế.

Hai ngày sau, Tan biết tin mẹ đỡ đầu của cô dương tính với Covid-19, buộc cô phải tự cách ly để phòng ngừa. Trong thời gian gần một tuần sống xa chồng và cậu con trai hai tuổi tại một khách sạn, nhà thiết kế đồ họa 35 tuổi, như nhiều người Singapore khác, bắt đầu tự hỏi phải chăng từ nay về sau, cô sẽ phải sống mỗi ngày với nỗi lo lắng thường trực về nguy cơ mắc Covid-19?

“Tôi luôn cảm thấy lo lắng, vô cùng lo lắng, bởi không biết Covid-19 sẽ để lại di chứng lâu dài gì đối với cơ thể tôi. Nỗi lo càng lớn hơn khi gia đình bạn có trẻ em, nó luôn hiển hiện trong đầu”, Tan chia sẻ. “Tôi cố gắng tiếp nhận viễn cảnh sống chung với Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu mà chính phủ đang hướng tới, nhưng thực sự rất khó”.

Khi áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế nghiêm ngặt ở giai đoạn đầu đại dịch, Singapore đã tương đối thành công trong việc ngăn dịch lây lan, thường xuyên giữ số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức một hoặc hai con số. Giờ đây, khi Singapore thử nghiệm mở cửa, số ca nhiễm bắt đầu tăng vọt, liên tục chạm các mức kỷ lục mới, đặt ra thách thức không nhỏ đối với chính quyền trong việc hiện thực hóa chiến lược “sống chung với Covid-19”.

Nhưng đằng sau các con số, vẫn có bằng chứng cho thấy kế hoạch đang phát huy hiệu quả. Với khoảng 82% dân số trên 12 tuổi đã tiêm vacxin đầy đủ, theo Bộ Y tế Singapore, hệ thống bệnh viện vẫn chưa rơi vào cảnh quá tải và 98% số trường hợp nhiễm đều là các ca nhẹ hoặc không triệu chứng. Chỉ 0,2% bệnh nhân nhiễm virus phải chăm sóc tích cực và 0,1% tử vong, hơn 65% trong số đó là những người chưa tiêm chủng hoặc mới tiêm một mũi.

Các con số tổng thể, dù cao so với tiêu chuẩn của Singapore, vẫn là cực thấp nếu so với trung bình toàn cầu. Singapore đến nay mới báo cáo 93 ca tử vong vì Covid-19.

Sau khi triển khai một trong những chiến dịch tiêm chủng thành công nhất thế giới và đại dịch phần nào được kiểm soát nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cũng như truy vết tích cực, Singapore hồi tháng 8 bắt đầu cái mà họ gọi là “hành trình chuyển đổi sang đất nước sống chung với Covid-19”.

Quốc gia Đông Nam Á với 5,5 triệu dân ngầm thừa nhận rằng xóa sạch ca nhiễm không phải một biện pháp khả thi trong dài hạn. Thay vào đó, họ quyết định dần trở lại cuộc sống bình thường, theo Tikki Pang, giáo sư thỉnh giảng về bênh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

Giới chức tính toán rằng năng lực xét nghiệm của Singapore đủ nhanh và toàn diện để phát hiện nhanh chóng các ổ dịch mới, tỷ lệ bao phủ vacxin đủ rộng để ngăn số ca nhập viện tăng đột biến và hệ thống y tế đủ mạnh để xử lý bất kỳ ca bệnh nào.

Nhưng những gì họ không tính đến là sự xuất hiện của biến chủng Delta với khả năng lây lan nhanh, Pang cho biết. “Thực tế khá phũ phàng, họ có thể trì hoãn được phần nào tốc độ lây truyền của biến chủng Delta nhưng nó đã thoát ra ngoài cộng đồng rồi”, ông nói.

Sau một tháng áp dụng kế hoạch, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung phải tìm cách trấn an những người dân Singapore đang lo lắng, khẳng định sóng lây lan hiện nay đã được dự báo trước và nên được nhìn nhận như “điều không thể tránh khỏi” đối với bất kỳ quốc gia nào muốn sống chung với Covid-19.

“Chúng ta đang trên đường hướng tới một cuộc sống bình thường mới với Covid-19”, ông tuyên bố.

Chính phủ Singapore tháng trước phải thắt chặt một số biện pháp hạn chế nhằm phản ứng với đợt bùng phát dịch mới. Giới chức y tế cho hay số bệnh nhân cần thở oxy và chăm sóc tích cực “nằm trong dự kiến” nhưng nhiều bệnh nhân không có triệu chứng cũng tìm đến bệnh viện khiến hệ thống y tế ngày càng căng thẳng.

Trong một bài đăng trên Facebook vào tuần trước, Đệ nhất phu nhân Singapore Hà Tinh đã kêu gọi người dân bình tĩnh, nhắc nhở mọi người rằng các biện pháp chính phủ mới ban hành không giống với giai đoạn phong tỏa hồi năm ngoái.

“Nhờ tiêm chủng, Covid-19 không còn là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nữa”, bà viết.

Với những trải nghiệm của Tan trong lúc cố gắng tìm kiếm lời khuyên y tế sau khi mẹ đỡ đầu của cô có kết quả dương tính Covid-19, Tan nhận thấy hệ thống rõ ràng đang bị đình trệ.

“Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới đến được cơ sở cách ly này”, cô cho hay. Dù vậy, Tan vẫn cảm thấy “biết ơn” vì Singapore có một hệ thống mà ở đó, người dân có thể gọi đến nhờ giúp đỡ, dù mất nhiều thời gian.

Kinh nghiệm của Singapore có thể là “chỉ báo” đối với chính phủ các nước khác khi họ cố gắng đạt được cân bằng giữa “sống và tồn tại” trong đại dịch, Ooi Peng Lim Steven, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore, nhận định. “Việc mở cửa trở lại một cách thận trọng, chia làm các giai đoạn cảnh giác cao độ đã được chứng minh là khả thi khi các chính phủ cố gắng mở cửa trở lại nền kinh tế của họ và chấm dứt tình trạng đóng cửa tê liệt”.

“Chìa khóa kiểm soát thành công Covid-19 đối với bất kỳ quốc gia nào đó là kết hợp giữa tiêm chủng, xét nghiệm bền vững, truy vết và áp dụng các biện pháp vệ sinh cộng đồng thành một hệ thống hoạt động hiệu quả”, Steven nhấn mạnh.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.