| Hotline: 0983.970.780

Cược tính mạng săn 'thần dược'

Thứ Sáu 21/07/2017 , 14:30 (GMT+7)

Đại ngàn biên giới Việt - Lào là cánh “rừng vàng” với hàng nghìn loài thực vật, động vật sinh sống. Trước năm 2010, người dân các xã dọc biên giới huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngoài sản xuất....

16-39-44_1
Nghề săn mật ong nguy hiểm nhất khi leo lên cây ở độ cao hàng chục mét

Mật ong rừng nguyên chất được xem như “thần dược” xua tan mệt mỏi, trị bỏng, cải thiện hệ tiêu hóa, trị ho và cảm lạnh, làm đẹp da, giảm cân, chăm sóc tóc, thậm chí tăng ham muốn cho cả hai phái... Tuy nhiên, ít ai biết được, để chắt chiu được những giọt mật quý hiếm đó không ít thợ săn đã phải đánh đổi cả tính mạng giữa đại ngàn.
 

Chết người, đổ máu

Đại ngàn biên giới Việt - Lào là cánh “rừng vàng” với hàng nghìn loài thực vật, động vật sinh sống. Trước năm 2010, người dân các xã dọc biên giới huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngoài sản xuất nông nghiệp, nguồn thu chính còn dựa vào khai thác gỗ, nứa hoặc săn bắt động vật. Thế nhưng, rừng khai thác đến ngưỡng rồi cũng vơi, muông thú săn bắt mãi rồi cũng hết, đặc biệt khi Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng thì đời sống của người dân ngày càng khó khăn hơn, một số phải “ly hương” vào Nam, ra Bắc làm công nhân, số khác “bám” Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo làm cửu vạn.

Khoảng dăm năm trở lại đây lượng hàng hóa thông quan qua Khu kinh tế Cầu Treo giảm hẳn kéo theo hàng chục, thậm chí hàng trăm người thiếu việc làm. Họ bắt đầu tìm kế sinh nhai mới bằng nghề “săn” mật ong rừng. Ban đầu chủ yếu là cá nhân đi nhỏ lẻ, sau đó hình thành từng tốp thợ lấy mật chuyên nghiệp, ăn nằm hàng tuần, hàng tháng trời giữa rừng thiêng, nước độc.

Thợ “săn” Nguyễn Tâm Vui là người “miền xuôi” xã Sơn Diệm nhưng lại nổi danh ở khu vực “miền ngược” xã Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Tây, bởi vào mùa con ong làm mật hầu hết thời gian anh Vui đi “săn” mật cùng người dân bản xứ. Anh Vui cho biết, nghề lấy mật ong chỉ dành cho đàn ông trai tráng vì công việc này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn phải có sự dẻo dai, nhanh nhẹn, kiên trì. Mùa ong làm tổ bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 (âm lịch) hàng năm, tuy nhiên mật ong thượng hạng nhất là loại mật được lấy vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Còn mật lấy đầu mùa (tháng 2, 3) thường loãng, vị nhạt; mật cuối mùa (tháng 7, 8) lại có vị chua và màu sẫm đen.

16-39-44_5
Dụng cụ xua đàn ong là đốt đuốc kèm lá mè té

Quy trình để lấy được mật ong nguyên chất được anh Vui miêu tả như sau: Dụng cụ săn mật gồm đuốc (nứa) khô, lá mè té (từ địa phương), dao, ba lô, bật lửa, khăn bịt mặt và nilon đựng mật. Chuẩn bị xong dụng cụ người săn lên các khu vực rừng núi có cây rậm, quãng đường di chuyển có thể vài ba cây số, thậm chí lên đến hàng chục cây số. Khi phát hiện thấy tổ ong, thợ săn phán đoán lượng mật để xác định có nên lấy hay không, nếu tổ ong đông “quân”, dài, bẹp ở phần đầu thì mật nhiều, nếu tròn tổ thì thường mật ít.

“Thời tiết nắng ong thường làm tổ ở tầng cao (rừng rậm), khi trời se lạnh thì chuyển xuống tầng thấp, gần khu vực dân cư. Chúng ưa làm tổ ở các ngọn, cành cây nên khi lấy mật cực kỳ nguy hiểm và khó lấy”, anh Vui nói.

Theo anh Vui, công đoạn khó khăn và nguy hiểm nhất là leo lên cây. Đại đa số thợ săn khi lấy mật không đeo dây bảo hiểm, họ chỉ mặc mỗi bộ quần áo bảo hộ, bịt khăn phần mặt rồi leo lên cây đu bám vắt vẻo. Có những tổ ong đóng trên ngọn cây cao đến hơn 30m hay các loài cây giòn, dễ gãy... nhưng nhiều thợ săn vẫn làm liều quyết lấy bằng được.

Anh Vui cho biết, đã có không ít người bỏ mạng giữa rừng vì nghề săn “thần dược” này. Câu chuyện của ông V. ở thôn Làng Tròn, xã Sơn Kim 1 là một minh chứng. Khoảng năm 2014, ông V. băng qua rừng Lào săn mật ong, tưởng là trời thương cho ông gặp được một cây cổ thụ có đến mấy chục đàn ong làm tổ nhưng sau khi lấy được hơn 100kg tầng ong (gồm sáp và mật) thì bị rơi xuống tảng đá tử vong. Người nhà phải qua Lào đưa thi thể ông về quê mai táng. Trường hợp mới đây nhất, năm 2016 một người dân ở huyện Can Lộc lên khu vực rừng Khe Trù, xã Sơn Kim 1 lấy mật cũng rơi trên cây xuống đất qua đời.

16-39-44_6
Tầng mật phát lộ

“Làm nghề này bị gãy chân, gãy tay hay bị ong đốt đến ngất xỉu là tai nạn thường ngày. Như tôi bị ong đốt nhiều quá giờ miễn nhiễm, không còn sưng tấy gì nữa rồi”, anh Vui cười chia sẻ.
 

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Là người tập săn mật ong rừng từ khi còn là học sinh lớp 5 nên bây giờ anh Vui chỉ cần nếm là biết được mật ong rừng hay ong nuôi. Anh bảo, nghề này nguy hiểm nhưng vẫn có rất nhiều người lao vào vì thu nhập khá cao, như cá nhân anh, tháng 4 năm 2016 vừa leo lên cánh rừng xã Sơn Tây, cách quốc lộ 8A khoảng 2km anh may mắn săn được tổ ong lớn. Sau khi đốt đuốc xua đàn ong đi, anh dùng dao cắt phần tầng ong non, chỉ lấy phần mật đựng vào nilon gùi về nhà dùng tay vắt rồi sử dụng vải màn lóng phần bã, chiến lợi phẩm thu được là 32 chai mật (tương đương 32kg). “Tổ ong này được xem là kỷ lục, vì từ trước tới nay cá nhân tôi và rất nhiều thợ săn khác chưa bao giờ gặp được tổ ong nào nhiều mật như vậy”, anh Vui nhớ lại.

16-39-44_7
Một người dân vắt mật ngay trên rừng

Để tăng thu nhập, anh Vui đem số mật này ra Hà Nội nhờ người thân bán lẻ, mỗi chai bình quân 450.000đ, như vậy chỉ trong một ngày anh Vui thu được hơn 14 triệu đồng. Anh Vui cho hay, làm nghề này cũng hên xui, may mắn thì kiếm bạc triệu nhưng cũng có khi hì hục cả ngày, đánh cược tính mạng trên ngọn cây lấy được tổ ong nhưng về vắt mật chỉ được một vài chai, bán tại gốc một chai 250.000 - 300.000đ, tính ra cũng mới đủ trang trải chi tiêu hàng ngày.

Riêng những người săn mật ong chuyên nghiệp, họ cơm đùm cơm nắm đi rừng hàng tháng trời, bình quân thu nhập mỗi tháng có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Theo đó, những tốp thợ này lấy tầng ong có mật xong buộc vào nilon treo lên các cành cây để tránh bị mất trộm rồi lại đi săn tổ ong khác. Sau khi đưa mật về vắt, đóng chai, họ có thể nhập sỉ cho thương lái hoặc bán lẻ.

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho hay, trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ gia đình đi săn mật ong chuyên nghiệp. Bình quân mỗi lao động thu nhập thấp nhất khoảng 200.000đ/ngày, có những ngày đạt hơn 1 triệu đồng/người.

16-39-44_8
Mật ong rừng được bán với giá khá cao vì hỗ trợ chữa bệnh rất tốt

“Sở dĩ mấy năm nay nghề săn mật ong rừng thu hút nhiều lao động tham gia vì hàng hóa qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo càng ngày càng ít, nhu cầu thuê bốc vác cũng hạn chế; ngoài ra, Chính phủ đóng cửa rừng, nghiêm cấm việc vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật nên tỷ lệ lao động thiếu việc làm cũng gia tăng, buộc họ phải chuyển nghề”, ông Hải nói thêm.

Mật ong nói chung, mật ong rừng nguyên chất nói riêng là một trong những thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là thực phẩm “vàng”. Nó chứa đến 82% Carbohydrate, bao gồm 2 thành thần chính là Monosacarit Fructose 38,2% và Glucose 31%; protein, vitamin, khoáng chất và chất chống oxi hóa. Vì có thành phần dinh dưỡng đa dạng nên mật ong có thể chữa các bệnh ho; đặc biệt tăng sức đề kháng cho trẻ em. Trong mật ong cũng giàu các vitamin B2, C, B6, K và E, các axit panthothenic và axit folic cũng như biotin nên có tác dụng làm đẹp da và mượt tóc. Ngoài ra, mật ong còn rất tốt đối với hệ tim mạch, củng cố hệ thần kinh và hệ miễn dịch, làm tăng lượng hồng cầu; điều trị viêm dạ dày. Dùng mật ong thường xuyên còn góp phần tăng cường trí nhớ, cải thiện tính hay quên, bệnh cao huyết áp, bệnh gan và bệnh tim...

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm