Carlo Giarrantano và cha, ông Gaspare. Ảnh: The Guardian. |
Hồi tháng trước, trong lúc đang đánh cá đêm ngoài khơi Libya, thuyền trưởng Carlo Giarrantano không mảy may sũy nghĩ đến lần thứ hai khi ông nghe thấy tiếng kêu cứu tuyệt vọng từ 50 người di cư đang trôi dạt trên biển bởi thuyền của họ bị hết nhiên liệu.
Người đàn ông Silicy 36 tuổi, sống theo luật của biển cả, dang tay với những người di cư, cho họ đồ ăn, nước uống, cứu sống họ. Trong khi cha anh, ông Gaspare, điều phối nỗ lực viện trợ từ đất liền, Carlo dành gần 24 tiếng chờ một tàu tuần duyên Italy tới để đón nhóm người di cư chuyển tới Sicily, theo Guardian.
Thông tin về cuộc giải cứu lan khắp thế giới, không chỉ bởi lòng tốt bụng của Carlo mà còn vì sự dũng cảm của anh. Từ khi Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, đóng cửa các cảng của nước này với tàu cứu hộ, nhà Giarratano hiểu rõ rằng hành động của họ có thể khiến họ bị tống giam. Nhưng nếu đối mặt với tình huống tương tự một lần nữa, họ khẳng định vẫn không thay đổi quyết định.
“Không người đi biển nào lại chọn cách quay về cảng mà không cứu sống những con người đó”, Carlo chia sẻ. “Nếu tôi phớt lờ những người đang kêu gào nhờ giúp đỡ, tôi sẽ không còn can đảm đối mặt với biển cả”. Dòng họ Giarrantano đã có 4 đời ra khơi đánh cá.
Ông Gaspare từng bị mất một cậu con trai vào năm 2002 vì lâm bệnh nặng. Từng trải qua nỗi đau mất mát người thân nên họ không thể chịu đựng được suy nghĩ những gia đình khác, những bậc cha mẹ khác, những người anh người chị khác cũng phải chịu nỗi đau giống như vậy. Vì thế, khi thấy ai cần giúp đỡ, họ không ngần ngại đưa tay ra cứu giúp.
“Tháng 11 năm ngoái, chúng tôi cứu được 149 người di cư ở cùng khu vực đó”, Carlo kể. “Nhưng sự việc lúc bấy giờ không được đưa tin bởi chính phủ Italy chưa thông qua quy định về an ninh”.
Tháng 12/2018, chính phủ Italy phê chuẩn một luật nhắm tới quyền tị nạn. Chúng khiến hàng nghìn người lâm vào cảnh khó khăn khi tước quy chế bảo vệ nhân đạo đối với những người không được cấp cơ chế tị nạn nhưng cùng lúc, họ cũng không thể quay trở về quê nhà. Tới tháng 6, Rome tiếp tục thông qua một luật nữa, quy định phạt các tàu cứu hộ của những tổ chức phi chính phủ mang người di cư vào Italy mà không được phép với số tiền lên tới €50.000 và có thể bỏ tù thủy thủ đoàn.
“Sẽ là nói dối nếu tôi bảo với bạn rằng tôi không nghĩ đến chuyện phải ngồi tù lúc nhìn thấy chiếc thuyền gặp nạn”, Carlo cho hay. “Nhưng trong tim tôi biết rằng một lương tâm bẩn thỉu còn tồi tệ hơn cả nhà tù. Tôi sẽ bị ám ảnh tới lúc chết vì những tiếng gào khóc kêu cứu ấy”.
Khi Giarratano và thủy thủ đoàn phát hiện thuyền chở người di cư gặp nạn ở vùng biển giữa Malta và Libya, lúc đó là 3h sáng. Thuyền di cư rời Libya từ ngày hôm trước nhưng không may gặp trục trặc.
“Chúng tôi ném cho họ một thùng nước”, Carlo nhớ lại. “Chúng tôi có một chút thức ăn, chỉ là bánh mỳ nướng melba và nước thôi. Nhưng họ cần chúng hơn chúng tôi. Sau đó, tôi báo cho nhà chức trách. Tôi bảo họ rằng tôi sẽ không rời đi cho tới khi người di cư cuối cùng được an toàn. Đó là việc một thủy thủ phải làm. Nếu có người gặp nguy hiểm ngoài biển, chúng tôi cứu họ, không cần biết họ đến từ đâu hay mang màu da gì”.
Một chiếc thuyền chở người tị nạn trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters. |
Malta là quốc gia châu Âu gần với vị trí tàu của Carlo nhất, nhưng tuần duyên Malta dường như không phản hồi trước tín hiệu SOS. Nhiều giờ trôi qua và bầu không khí ngày càng trở nên nóng bức. Từ đất liền, Gaspare muốn Carlo đợi trong lúc ông liên lạc với báo chí. Trong đầu ông không chỉ là trách nhiệm phải giải cứu những con người tội nghiệp mà còn là quyết tâm bảo vệ con trai của một người cha.
“Tôi tự hỏi không biết các chính trị gia của chúng ta đã từng nghe thấy tiếng kêu cứu thảm thiết giữa đêm ngoài biển chưa?”, Gaspare nói. “Tôi tự hỏi họ có thể làm gì. Không ai quay mặt bỏ đi trong hoàn cảnh như thế”.
Gần 24 tiếng sau, tàu tuần tra của tuần duyên Italy tới và đưa nhóm người di cư đến Sicily.
“Họ không có áo phao hay thực phẩm”, Carlo cho biết. “Họ đã hết nhiên liệu và con thuyền sẽ hết hơi sau vài tiếng nữa. Nếu bạn quyết định vượt biển trong điều kiện như thế, bạn sẽ chết”.
Carlo đến Sciacca vào ngày hôm sau. Anh được chào đón như một người hùng bởi người dân thị trấn và truyền thông Italy. Ông Gaspare cũng ở đó, nóng lòng được ôm con trai. Carlo nói anh chưa bao giờ muốn làm người hùng mà chỉ đang thực hiện bổn phận của mình.