Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, sau đó huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các xã đạt NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến hết năm 2022, huyện có hai xã Ðại Ðồng và Hương Ngải được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Dị Nậu đủ điều kiện trình công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Ðại Ðồng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm hai xã Ðồng Trúc, Hạ Bằng đạt chuẩn NTM nâng cao, hai xã Dị Nậu và Hương Ngải đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Anh Đỗ Minh Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ lệ 5%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 71%, thương mại dịch vụ 24%. Tuy thấp nhưng nông nghiệp liên quan sinh kế của nhiều nông dân nên vẫn cần quan tâm. Sau khi chuyển đổi theo luật mới, HTX được tổ chức tốt hơn, hoạt động cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nông dân với 6 khâu dịch vụ như bảo vệ đồng, làm đất, điện, thủy lợi...Diện tích đất nông nghiệp của Dị Nậu còn khoảng 200 ha, chủ yếu là sản xuất lúa cùng hoa màu. Để gia tăng giá trị, định hướng sắp tới xã sẽ cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả hoặc rau màu để khắc phục tình trạng chán ruộng, bỏ ruộng.
Ngược lại với nông nghiệp, hai nghề chính là mộc và nề của Dị Nậu phát triển rất mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài xã, giúp cho hàng trăm hộ vươn lên làm giàu. Kế thừa tinh hoa của nghề truyền thống, thế hệ trẻ hôm nay đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để nâng tầm sản phẩm, mạnh dạn đưa vào chương trình đánh giá, xếp hạng OCOP và 8 sản phẩm đã được công nhận OCOP như bàn ghế, tranh, tủ, án gian, câu đối. Từ đó, được nhiều khách hàng biết đến hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đi kèm sự phát triển làng nghề mộc là bụi, hóa chất -những vấn đề khá khó giải quyết. Để đáp ứng tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, xã xác định phải tập trung được các cơ sở sản xuất lại để xử lý ô nhiễm, nếu không thể di dời thì phải khắc phục tại chỗ bằng việc khép kín trong khuôn viên của nhà xưởng. Với đường làng, ngõ xóm, có nhiều mô hình vệ sinh thu hút sự vào cuộc của người dân như tổng vệ sinh vào thứ bảy, chủ nhật. Ngoài ra, xã còn làm các bờ bao hồ ao, bảo vệ cây cổ thụ để tạo không gian xanh, trong lành cho các xóm.
Cùng với việc tập trung xây dựng xã đạt chuẩn NTM, kiểu mẫu, huyện Thạch Thất còn chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn đã lên tới 91 triệu đồng/người/năm. Thạch Thất phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 11 xã hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao, 5 xã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo.
Đó không phải là những mục tiêu quá xa vời mà hoàn toàn nằm trong tầm với của địa phương. Huyện cần rà soát đánh giá cụ thể từng tiêu chí để xây dựng kế hoạch thật khoa học, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, việc làm, nâng cao thu nhập. Song song với phát triển kinh tế là bảo vệ môi trường, bảo vệ các di sản văn hóa, đưa những sản phẩm đặc sản, đặc thù tham gia chương trình OCOP.
Theo ông Nguyễn Văn Chí -Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, định hướng xây dựng NTM của huyện Thạch Thất về cơ bản là đúng, chỉ cần thực hiện từng bước nhanh và chắc chắn. Những chỉ tiêu khó cần được chính quyền thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời đề ra hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Những cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trường học, trạm y tế, đường làng ngõ xóm cần được xây dựng, chỉnh trang, cập nhật theo chuẩn của NTM nâng cao, kiểu mẫu...
Hiện nhiều xã vùng sâu, vùng xa trước đây của Thạch Thất như Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình đã có bình quân thu nhập đầu người cao, người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành trong những ngôi trường tốt, có hệ thống đường giao thông phát triển, điểm xe buýt về đến tận thôn, xóm, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, phát triển kinh tế.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội