Tổng giá trị sản xuất các làng nghề của Hà Nội hiện khoảng trên 22.000 tỷ đồng trong đó một số làng nghề có doanh thu hàng ngàn tỉ đồng như: dệt kim ở La Phù (Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm ở xã Dương Liễu (Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm ở xã Minh Khai (Hoài Đức) đạt 1.061 tỷ đồng/năm; điêu khắc mỹ nghệ ở Sơn Đồng (Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; cơ khí ở Phùng Xá (Thạch Thất) đạt 1.029 tỷ đồng/năm…Trong phạm vi bài viết này chỉ xin nói về làng nghề cơ khí ở Phùng Xá với sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại.
Chuyện kể rằng, thời xa xưa có ông trạng Bùng- Phùng Khắc Khoan sau khi đi sứ nước Trung Quốc không chỉ mang về nhiều giống cây trồng mới lạ mà còn truyền cho người dân thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá huyện Thạch Thất những tuyệt kỹ của nghề rèn, sản xuất ra những nông cụ như cày, bừa, cuốc, xẻng rất chất lượng.
Trong làng hiện vẫn còn di tích nhà thờ phường bừa mà thủa trước vào mỗi dịp Tết đến xuân về người dân lại nô nức tổ chức hội thi cày khéo, bừa giỏi để chọn ra người giỏi nhất. Người nào ẵm giải thì không chỉ vinh dự cho gia đình, cho dòng họ mà còn được danh giá, vẻ vang trước làng.
Nghề cơ khí của làng cũng trải qua lắm thăng trầm của lịch sử, có lúc bị sa sút như những năm 50 của thế kỷ trước khi người dân Phùng Xá không rủ mà đồng loạt bỏ làng ra đến các vùng, miền khác để mở xưởng kiếm kế sinh nhai. Thế rồi thời phục hồi nghề bắt đầu khởi lên vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng lúc ấy người dân vẫn phải nhập sắt, gang, răng bừa từ nơi khác về.
Những năm 80, cơ chế thị trường chớm nở, một số dân làng nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế đã mở ra các lò nấu thép, đúc gang, cán sắt thép để có thể chủ động sản xuất. Từ sắt thép và gỗ, họ còn sáng chế ra loại máy tuốt lúa cải tiến với ưu điểm trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển, năng suất cao, lại ít rơi vãi thóc nên bán rất chạy, tạo thành một cuộc “cách mạng” trong khâu thu hoạch ở miền Bắc.
Những năm 90 dân Phùng Xá liên tiếp mở ra các lò nấu sắt và kéo theo đội ngũ “đồng nát” đi mua gom sắt vụn ở khắp các tỉnh thành về bán để làm nguyên liệu. Dù chất lượng sắt tái chế kiểu ấy vẫn còn thua hàng của nhà máy nhưng bởi giá cả hạ nên khả năng cạnh tranh vẫn mạnh.
Tới thời điểm hiện nay thì những lò nấu sắt thép thủ công ấy đã được thay thế dần bằng những nhà xưởng hiện đại với nhiều máy móc tự động, bán tự động, cơ khí chính xác. Nhờ đó năng suất đã tăng lên gấp hàng chục lần so với sản xuất kiểu thủ công thủa trước và tránh được những công đoạn nặng nhọc hay độc hại.
Phùng Xá đang có khoảng trên 300 xưởng cơ khí, trên 40 xưởng mạ, thu hút trên 3.000 lao động tại chỗ và các nơi đổ về với thu nhập trung bình 10 triệu/tháng. Danh mục sản phẩm của làng mỗi lúc một dài, một phong phú, không chỉ dừng lại ở nông cụ mà còn làm ra sắt, thép công nghiệp, xây dựng. Nào là làm cơ kim khí như cắt, chặt, đột dập, bản mã. Nào là làm chi tiết kết cấu như khung nhà thép, mái lán, nhà xưởng. Nào là làm tôn kim khí.
Nghề cơ khí của làng đã phát triển mỗi lúc một nhanh và vững chắc. Gần như không có mùa vụ mà lúc nào đến Phùng Xá người ta cũng có thể cảm nhận bầu không khí tất bật với những đoàn xe con, xe tải nối dài đến giao thương và vận chuyển hàng đi từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, từ vùng miền núi, đồng bằng đến các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ là cha truyền con nối mà nghề cơ khí đã được lớp trẻ ở làng đưa lên tầm cao mới. Nguyễn Đình Anh-Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu thép Ngọc Anh-một người thuộc thế hệ 9X là một ví dụ. Hiện anh đã phát triển công ty riêng, chuyên cung cấp thép cuộn, thép tấm, xà gồ, bản mã… áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất như máy cắt laser, máy CNC. Sản phẩm của đơn vị có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe không những của doanh nghiệp nội địa mà còn của các doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp có 100% vốn của nước ngoài.
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội