| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng nguồn vốn để trồng cây, trồng rừng

Chủ Nhật 06/02/2022 , 16:39 (GMT+7)

Tại buổi lễ phát động Tết trồng cây 2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng rừng mang lại đa giá trị, đồng thời tạo ra nhiều sinh kế mới cho người dân.

Trong không khí vui tươi của những ngày đầu xuân mới, tại Đất tổ Vua Hùng (tỉnh Phú Thọ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần 2022. Buổi lễ do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ phát động Tết trồng cây 'Đời đời nhớ ơn Bác Hồ' xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đinh Tùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đinh Tùng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, đây là sự kiện có ý nghĩa lớn lao, động viên khuyến khích nhân dân cả nước, khởi đầu cho một mùa trồng cây, trồng rừng, một năm lao động sản xuất thắng lợi; thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng và cây xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; các cấp, các ngành và nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.

Lâm nghiệp từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, khôi phục môi trường xanh, sạch, đẹp; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ngày càng bền vững.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống phát động Tết trồng cây 'Đời đời nhớ ơn Bác Hồ' xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đinh Tùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đinh Tùng.

Trong năm 2021, diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế.

Nhưng với tinh thần lao động cần cù, chịu khó, vượt qua thách thức của đồng bào, đồng chí cả nước; cùng với phương châm hành động, kiến tạo, quyết liệt của Chính phủ; triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, năm đầu thực hiện Chương trình Trồng một tỷ cây xanh, cả nước đã trồng được 277 nghìn ha rừng trồng tập trung và 100 triệu cây phân tán, cung cấp trên 32 triệu m3 gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng, là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành. Giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đạt trên 15,87 tỷ USD, vượt 20% so với kế hoạch năm và tăng 21% so với năm 2021.

Những thành quả của ngành lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành NN-PTNT, có ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương, địa phương và người dân Phú Thọ trồng cây tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng. Ảnh: Đinh Tùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương, địa phương và người dân Phú Thọ trồng cây tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng. Ảnh: Đinh Tùng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay thực trạng ngành lâm nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, khó khăn và thách thức. Trong đó, nguồn vốn và chính sách đầu tư cho lâm nghiệp còn hạn chế; năng suất, chất lượng rừng chưa cao, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đời sống người làm nghề rừng còn thấp hơn so với các khu vực khác; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản và động vật hoang dã trái pháp luật, cháy rừng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0 - 5,5%/năm; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm; trồng rừng mỗi năm 230 ngàn ha để sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 35 triệu m3 cho chế biến, tiêu dùng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Nâng cao nhận thức để mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò tác dụng và giá trị của rừng và công tác bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng phải gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, các cấp, các ngành và các địa phương quyết liệt chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05 tháng 8 năm 2021 và Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương, địa phương bên cây đa trồng lưu niệm. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương, địa phương bên cây đa trồng lưu niệm. Ảnh: Bảo Thắng.

Mặt khác, tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo sử dụng giống tốt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, vật tư, nhân lực, kinh phí; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng; coi trọng cả trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán, ưu tiên trồng cây bản địa, trồng rừng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử; hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp cũng cần được chú trọng.

Ngoài ra, cần phải phân công trách nhiệm cụ thể để quản lý bảo vệ và chăm sóc cây trồng, đảm bảo rừng trồng, cây trồng phát triển tốt; làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt trong mùa khô hanh. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, cần phải tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong lâm nghiệp để tạo môi trường phát triển thuận lợi; thu hút mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để trồng cây, trồng rừng, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Kết thúc buổi lễ, sau khi đánh trống phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Nhâm Dần 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan thôn cùng các lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, địa phương và người dân Phú Thọ đã trồng cây tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.