Chị kính mến!
Con của em là con một, con gái rượu. Nó có khuynh hướng xã hội từ nhỏ. Biết làm từ thiện từ khi có tiền bỏ ống, hễ thấy người ăn mày là đi đến cho.
Thời thiếu nữ, nó đã thần tượng một anh đàn guitar mù rất hay. Em cứ nghĩ nó sẽ yêu nhưng có lẽ nó du học nên chuyện ấy không xảy ra.
Xong đại học con gái em về nước, không chịu học lên nữa. Nó nói bố mẹ chật vật, con ngốn hết tiền, phí. Vợ chồng em không giàu như mọi người, cũng không muốn sinh nhiều con để cực mình mà cũng cực những con người của xã hội đất chật người đông.
Ở bên ấy nó quen với một người hơn nó những 12 tuổi, học vấn cao, lỡ dở gia đình, vợ có chồng khác và đứa con sống với mẹ. Nó nói hết với vợ chồng em, bảo chờ khi anh ấy thu xếp về nước, sẽ tiến tới hôn nhân.
Chị ơi, con người ta là con cả, dưới cậu này là một con trai nữa. Một gia đình nhìn vào thấy rất rạng rỡ nếu xét về mặt học vấn. Cậu này đi theo diện học bổng từ sớm, học và học. Khi cậu ấy chưa về, em chỉ tìm hiểu gián tiếp và thấy nể, có thể an tâm.
Bên em không bằng họ về mặt học vấn nhưng kinh tế cũng xêm xêm nhau, thôi, lấy một người từng có gia đình có con riêng cũng là cái số cái duyên của con mình, biết làm sao.
Từ Tết dương lịch đến giờ cũng đủ để vợ chồng tiếp xúc với con rể tương lai. Không có điểm gì băn khoăn hết chị ạ. Chỉ một điều là ông nội của cậu này ngày xưa học giỏi nhưng bị tâm thần, kiểu học quá rồi rối não đấy, điên hiền, cứ cầm bút đi vẽ vẽ ngoài đường, ở những bức tường trống ấy.
Sự thật là ông mất trong bệnh viện tâm thần. Biết sự thật này em sợ quá. Nhưng con trai ông ấy, tức là bố con rể tương lai của bọn em thì rất bình thường. Còn cậu này khôi ngô, rất giỏi toán, đọc sách nhiều. Nhưng em phát hiện đôi lúc cậu ấy cười vu vơ, như là ngớ ngẩn.
Em hỏi lý do vợ chồng bỏ nhau, cậu ấy bảo có lẽ vì chồng nghèo, suốt ngày sách với sách, vợ đi lấy người giàu. Thế thôi. Em muốn biết nhiều hơn nhưng không thể. Dự định là mùa cưới năm nay con em sẽ lên xe hoa đấy chị. Sao em vẫn băn khoăn.
-------------------
Em thân mến!
Đúng là có những cô gái những chàng trai thời tiêu dùng mà họ sớm có khuynh hướng xã hội qua những hành vi từ thiện. Khi bé, cháu ngoại trai của chị cũng đã biết quan tâm đến những cụ già ăn xin bên đường, những người hành khất ở trên phà.
Lớn lên, cháu bộc lộ thiên lương rất sớm, học giỏi, được đoàn Chữ thập đỏ của người Pháp (thông qua Tổng lãnh sự quán Pháp) mời đi phiên dịch, thế là bao nhiêu tiền công mấy ngày đó làm từ thiện cho dân nghèo vùng sâu vùng xa hết.
Phải mừng vì con cháu của mình có thiên hướng xã hội. Hiếm lắm đó em. Ví như cô bé ngưỡng mộ một nghệ sĩ mù, không có thiên lương nó không quan tâm như vậy đâu.
Thế nhưng, ai có lòng trắc ẩn thì số phận có thể không suôn sẻ. Vì sao? Vì mình cứ lắng nghe, cứ cúi xuống những người bất hạnh, những tổn thương, thì lòng mình mãi trắc ẩn, không hời hợt lạc quan như đám đông được.
Thông thường bệnh gì cũng có thể di truyền. Bệnh tiểu đường, bệnh ung thư cũng di truyền kia mà. Nhưng sác xuất mơ hồ, không biết sao mà đề phòng đâu. Nhà chị có má bị tiểu đường, trong 7 người con, có một người bị di truyền mà người này đi tập kết mấy chục năm xa má, vậy đó, rất không có quy luật gì cả.
Vì vậy, dù ông nội của cậu này bị tâm thần và có thể cháu bị ảnh hưởng tí, không hề gì. Tâm thần nhiều dạng, phân liệt, hoang tưởng, trầm cảm, đập phá… Học nhiều học giỏi quá cũng dễ bị khác thường, khác thường cũng là lệch, cũng dạng tâm thần nhẹ.
Những bác học sống rất khác thường, như là dở điên, quần quên kéo khóa, chân đi hai chiếc dép khác nhau, không biết thắt cà vạt nữa cơ.
Vậy đó em ơi, đãng trí bác học, đọc sách nhiều cũng hay ngơ ngẩn, thông minh quá khó gần. Nên để mọi chuyện khoan thai em nhé. Để con nó tự quyết, nó đã dám yêu một người từng có vợ, nó cũng khác thường lắm rồi nhé.
Gia đình hạnh phúc sẽ là cái tổ ấm cho mọi bệnh tật lùi ra, cho mọi khác thường dễ trở thành sự khác thường đáng yêu, dễ chịu nhé em.