| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu khóc hết nước mắt vì tôm chết hàng loạt

Thứ Sáu 13/11/2020 , 16:54 (GMT+7)

Trận lũ sau bão số 12 tràn về 'thủ phủ tôm hùm' Sông Cầu, cướp đi của người dân ở đây hàng chục tỷ đồng bởi tôm hùm chết hàng loạt do sốc nước ngọt...

Lũ “ăn” hết tài sản của người nuôi tôm hùm

Những ngày sau bão số 12, bầu trời trên vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), vùng nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung rất u ám, quang cảnh buồn tênh. Thế nhưng lòng người nuôi tôm hùm ở đây còn buồn hơn.Bởi, lũ tôm hùm đang phát triển sởn sơ bỗng lăn đùng ra chết hàng loạt, những hộ nuôi trồng thủy sản ở đây trong chớp mắt mất đi tiền tỷ.

Thương lái đổ xô về vùng nuôi tôm hùm ở Vịnh Xuân Đài mua tôm hùm chết. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thương lái đổ xô về vùng nuôi tôm hùm ở Vịnh Xuân Đài mua tôm hùm chết. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước khi bão số 12 ập vào vùng Nam Trung bộ, “thủ phủ tôm hùm” Sông Cầu có khoảng 1.800 bè với 60.000 lồng nuôi, chiếm đa số là lồng nuôi tôm hùm. Sau trận lũ xảy ra vào đêm 10/11, vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài bỗng chốc tan tác.

Lũ cuồn cuộn quăng quật những lồng nuôi, nắp lồng bật ra, lũ tôm trong lồng trôi hết ra ngoài môi trường. Những con còn bình yên trong lồng thì sau đó lăn đùng ra chết bởi bị sốc nước ngọt. Lâm cảnh trắng tay, người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu khóc hết nước mắt.

Sáng 12/11, đi dọc con đường dẫn đến khu phố Dân Phước thuộc phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu), chúng tôi thấy lực lượng thương lái hùng hậu đổ về đây thu mua tôm hùm chết do sốc lũ. Nhìn những chiếc xe ba gác máy chở đầy ắp xác những con tôm hùm to đùng, ai cũng thấy nhói lòng.

Nếu không chết do sốc nước ngọt, thì những con tôm hùm kia sẽ cho người nuôi một khoản tiền rất lớn, thế nhưng bây giờ chúng được thương lái mua với giá rẻ bèo, chỉ 200.000đ/kg. Trong khi đó, vào đầu mùa tôm hùm bông có giá 750.000đ/kg, đến thời điểm cuối mùa loại tôm này có giá đến 1,3 triệu đồng/kg, còn tôm hùm xanh có giá 650.000đ-700.000đ/kg.

Những con tôm hùm to đùng nếu còn sống có giá trị rất cao, khi đã chết  thì giá bán rẻ như bèo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những con tôm hùm to đùng nếu còn sống có giá trị rất cao, khi đã chết  thì giá bán rẻ như bèo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau bão số 12, cha con ông Trần Văn Cơ (50 tuổi) ở phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu) đi ghe ra bè để tranh thủ dọn dẹp, khắc phục hậu quả của bão để lại. Bão tan, trời không còn gió, nghĩ rằng đã an toàn nên đêm ấy cha con ông Cơ ngủ lại trên bè, để sáng hôm sau tiếp tục dọn dẹp. Giữa khuya, đang ngủ trên bè thì cha con ông Cơ bỗng hoảng hốt bởi nước từ thượng nguồn ùn ùn đổ về. Khi ấy, ông Cơ thốt lên: “Chết rồi, lũ về”. 

“Cơn lũ rất kinh khủng, nước chảy cuồn cuộn. Những lồng bè nuôi trồng thủy sản của tôi bị nước lũ xô đẩy chao đảo, va chạm vào nhau rung lên rất khủng khiếp. Chẳng bao lâu sau, các nắp lồng bị dòng lũ cuốn bật tung, lồng nuôi bị lũ dở lên khỏi mặt nước, lũ tôm lũ lượt thoát ra ngoài. Giữa đêm tối mịt mù, cha con tôi bất lực đứng nhìn lồng bè bị lũ dữ phá, tôm nuôi trôi đi sạch mà khóc không thành tiếng. Hơn 20 năm nuôi trồng thủy sản ở đây, tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ lớn như vậy”, ông Cơ nhớ lại.

Người nuôi tôm hùm ở Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, Phú Yên) đắng lòng thu gom lũ tôm chết khiêng đi bán. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người nuôi tôm hùm ở Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, Phú Yên) đắng lòng thu gom lũ tôm chết khiêng đi bán. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cùng cảnh ngộ với ông Cơ, 20.000 con tôm hùm xanh cùng số lượng lớn cá nuôi lồng của anh Trần Yêm (42 tuổi) ở phường Xuân Thành, phần bị lũ cuốn trôi phần thì chết, trong “chớp mắt” lũ đã cướp khỏi tay anh Yêm 700 triệu đồng.

Không dám tiếp khách vì sợ chủ nợ

Cũng như ngư dân đánh bắt xa bờ, ngư dân nuôi trồng thủy sản rất hiếu khách, cởi mở, bởi có cùng đặc thù của công việc là “ăn đằng sóng, nói đằng gió”. Thế nhưng khi tìm đến nhà ông Cơ để hỏi chuyện, thì người trong gia đình ông Cơ nhìn chúng tôi rất dè chừng. Khi chúng tôi giới thiệu mình làm báo, đi tìm hiểu thiệt hại của người nuôi tôm hùm để phản ánh, khi ấy bà Huệ (vợ ông Cơ) mới mời chúng tôi vào nhà, rồi cởi mở: “Thấy mấy anh lạ quá, tôi sợ chủ nợ cho người đến dí nợ”.

Nếu không chết do sốc nước ngọt, thì xe tôm hùm đầy ắp kia sẽ cho người nuôi một khoản tiền rất lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nếu không chết do sốc nước ngọt, thì xe tôm hùm đầy ắp kia sẽ cho người nuôi một khoản tiền rất lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Lũ tàn phá nhanh lắm, từ khi lũ ập về chỉ hơn 1 giờ đồng hồ sau đã cuốn hết tôm của gia đình tôi nuôi trên vịnh Xuân Đài. Chỉ chừng ấy thời gian mà lũ đã “nuốt” của gia đình tôi hơn 1 tỷ đồng. Tôm mất trắng, mà giờ gia đình tôi còn nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng, đó là chưa kể khoản nợ vay bên ngoài rất nhiều. Từ sáng giờ tôi đóng bít cửa, không dám tiếp ai, sợ chủ nợ nghe tôm của gia đình tôi chết hết cho người đến xiết nợ”, bà Huệ bộc bạch.

Tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài chết do sốc nước ngọt được thương lái thu mua chất cả đống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài chết do sốc nước ngọt được thương lái thu mua chất cả đống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lâm cùng bi cảnh, chị Trần Thị Được, vợ anh Trần Yêm, khóc nghẹn trước sự tổn thất lo lớn của gia đình. “Tôm của vợ chồng tôi nuôi đã già tháng cả rồi, một số đã được 4-5 tháng tuổi, số thì đã nuôi hơn 14 tháng, sắp cho thu hoạch, giờ lũ đã cuốn phăng đi hết, vợ chồng tôi bỗng dưng trắng tay. Hiện gia đình tôi còn vay ngân hàng 600 triệu đồng, nợ ngoài cũng nhiều lắm, tiền lãi hàng tháng rất cao. Giờ tôi chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả tiền lãi hàng tháng chứ chưa nói đến trả vốn vay gốc”, chị Được nói trong tiếng thổn thức.

Chị Trần Thị Được khóc ròng trước tổn thất to lớn của gia đình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chị Trần Thị Được khóc ròng trước tổn thất to lớn của gia đình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Nước lũ tràn về đã làm ngọt hóa các vùng nuôi ở Sông Cầu, dẫn đến tôm hùm chết hàng loạt do sốc nước ngọt. Qua kiểm tra, trên địa bàn thị xã Sông Cầu có 88 hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè bị thiệt hại.

Riêng xã Xuân Phương có đến 77 hộ với 164 lồng nuôi 33.800 con tôm hùm xanh; trong đó có 75 hộ nuôi tôm hùm xanh thịt với 32.000 con, ước thiệt hại nhiều tỷ đồng và 2 hộ nuôi tôm hùm xanh con với 1.800 con, ước thiệt hại 40 triệu đồng. Ở phường Xuân Yên có 11 hộ bị thiệt hại 31 lồng nuôi”, ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho hay.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.