Loại quả xóa đói giảm nghèo
Có lẽ nhiều du khách đặt chân lên vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) và không ít lần ăn thử trái mận Tam hoa trồng ở vùng đất này. Thế nhưng, ít ai biết mận Tam hoa có nguồn gốc từ đâu?
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, giống mận Tam hoa Bắc Hà có nguồn gốc xa xưa từ thời nhà Đường bên Trung Quốc với tên gọi Shanhua (thường mỗi chùm hoa có ba bông). Loại quả này được trồng nhiều tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau được di thực về huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và được lên trồng khảo nghiệm tại Trại Rau quả Bắc Hà năm 1972 bằng phương pháp ghép mắt.
Từ 50 cây ghép ban đầu, qua 6 năm cây mận Tam hoa sinh trưởng, phát triển tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu đặc trưng ôn đới, đất đai ở khu vực trung tâm huyện lỵ, cho năng suất cao, quả to, mẫu mã đẹp, ăn giòn, ngọt pha lẫn vị chua mát... Năm 1978, trại rau quả mở rộng diện tích khảo nghiệm lên 0,7 ha, đồng thời xây dựng vườn giống có diện tích 2,2 ha.
Tới năm 1985, mận Tam hoa được đưa vào trồng đại trà ở thị trấn Bắc Hà và các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài... Từ năm 1993 - 1998, người trồng mận Tam hoa liên tiếp được mùa, được giá nên diện tích trồng không ngừng được mở rộng. Khi ấy, toàn huyện đã có khoảng 2.700ha mận, năng suất đạt 8-12 tấn/ha, sản lượng quả tươi hàng năm từ 20.000-32.000 tấn.
Người tiêu dùng quen thuộc với tên gọi mận Tam hoa bởi chất lượng quả ngon, ngọt, to đều, đẹp mắt. Giống mận này đem lại năng suất cao cho người trồng khẳng định là loại cây ăn quả số một trên địa bàn huyện, là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân vùng cao Bắc Hà.
Từ thành công của mận Tam hoa trồng tại Bắc Hà, cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990 mận Tam hoa đã được các tỉnh khu vực phía Bắc quan tâm nhân rộng và trồng thành công tại Kỳ Sơn (Nghệ An) và đặc biệt là Mộc Châu (Sơn La).
"Tuy nhiên, mận Tam hoa tại Mộc Châu được đổi tên thành mận hậu cho đến ngày nay, mặc dù mận hậu là một loài mận hoàn toàn khác Tam hoa vì nó có quả màu xanh, giòn, dóc hạt”, ông Giang cho biết.
Cải tạo để quả mận ngon hơn
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Giang, mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, nhưng đã trải qua gần nửa thế kỷ khai thác những ưu điểm vốn có của cây mận Tam hoa giảm dần ưu thế do biến đổi khí hậu, đô thị hoá, điều kiện canh tác.
Đặc biệt, những năm 2000 cây mận Tam hoa ít được quan tâm chăm sóc, dẫn đến năng suất, sản lượng quả giảm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, công nghệ bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn yếu; việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh còn hạn chế, do trình độ dân trí thấp và điều kiện kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, từ năm 1999 - 2008, mận Tam hoa bấp bênh, năm vừa mất mùa vừa mất giá, năm được mùa, mất giá và ngược lại.
Trước thực trạng đó, huyện Bắc Hà đã quan tâm tìm đầu ra cho cây mận Tam hoa, từ việc trợ cước, trợ giá, chế biến xi-rô mận, rượu mận, mứt mận... nhưng đều không ổn. Nhiều gia đình đã chặt bớt những cây mận già cỗi, trồng thay thế bằng cây đào Pháp và một số cây trồng khác.
Đến năm 2008, toàn huyện còn khoảng 700 ha mận Tam hoa. Trong khi chưa tìm được các giống cây ăn quả khác có thể thay thế cây mận Tam hoa, huyện Bắc Hà quyết tâm vào cuộc và cụ thể hóa bằng việc xây dựng và triển khai có hiệu quả dự án cải tạo mận Tam hoa Bắc Hà, giai đoạn 2008-2010.
"Dự án cải tạo mận Tam hoa gồm 2 phần, từ năm 2008 chủ yếu trồng mới giống mận gốc, thuần chủng thay thế cây mận già cỗi, thoái hóa giống; từ năm 2009 trở đi, tiến hành dự án cải tạo mận bằng phương pháp đốn tỉa, tạo tán. Tham gia dự án này có 101 hộ dân trồng mận ở thị trấn Bắc Hà, xã Tà Chải, Na Hối”, ông Giang nói.
Cho đến nay toàn huyện Bắc Hà có 350 ha mận Tam hoa, sản lượng trung bình trên 3.000 tấn mỗi năm. Mận trồng chủ yếu tại những xã có độ cao trung bình từ 900-950m so với mực nước biển gồm xã Tà Chải, Thị Trấn, Na Hối, Bản Phố, Thải Giàng Phố…Hiện trong vườn cây một số hộ dân tại Bắc Hà vẫn còn những cây mận được trồng từ hàng chục năm trước.
Ông Vàng Văn Phúc cho hay, cây mận lâu năm nhất, bố tôi trong vườn nhà được trồng theo dự án từ năm 1985 đến nay đã gần bốn chục tuổi. Cây hiện vẫn tươi tốt nhưng thân đã già cỗi, mặc dù vẫn cho quả ngọt. Cũng từ những cây mận đầu tiên đó mà hiện gia đình tôi vẫn trồng khoảng 100 gốc mận để có thêm thu nhập từ loại quả đặc sản này.
Chế biến để có nhiều lựa chọn hơn
Bà Sải Thị Bích Huế, Giám đốc HTX Quang Tôm (xã Tà Chải, Bắc Hà) cho biết, cùng với mận Tam hoa tươi thì mận sấy dẻo giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn với loại quả đặc sản của Bắc Hà.
“Trước kia, nhà tôi cũng có trồng mận. Tôi lớn lên và được đi học cũng là nhờ cây mận. Sau mỗi mùa thu hái, chị em tôi lại được bố mẹ mua cho quần áo, giầy dép mới… Vì những năm gần đây quả mận to thì được giá còn loại vừa vừa giá rất thấp trong khi bà con hái không kịp để quả rụng đầy gốc rất lãng phí. Thế nên tôi nghĩ những quả vừa vừa sẽ chế biến thành sản phẩm khác, tận dụng được những quả đó để tiêu thụ phần nào cho bà con”, bà Sải Thị Bích Huế nói.
Mận Tam hoa Bắc Hà dù quả to hay bé thì chất lượng không thay đổi, ăn quả vẫn ngon. Song vì nhiều người thích quả to đẹp để mua về làm quà nên quả bé thường bán chậm.
“Giá mận Bắc Hà không cố định mà tùy thuộc từng thời điểm. Khi mận Mộc Châu, Sơn La đang còn nhiều thì chưa có người đến thu mua mận Bắc Hà. Hơn nữa thời điểm này, mận Bắc Hà cũng chưa vào chính vụ mà phải đợi 1-2 tuần nữa. Khi đó, mận Mộc Châu, Sơn La hết thì người đi buôn lại đổ lên Bắc Hà, giá mận lúc đó lại tăng”, bà Huế chia sẻ.
Hiện bà Huế thu mua mận nguyên liệu với giá khoảng trên dưới 20 nghìn đồng mỗi cân và cũng không thu mua loại mận xấu vì không thể làm được với nguyên liệu như vậy. Theo bà Huế, quả mận quá bé hoặc tham rẻ mua loại mận kém chất lượng thì khi sấy lên, quả chỉ còn hạt mà không có cùi nên người mua cũng không ưng.
Cho đến nay, mận sấy dẻo của HTX Quang Tôm đã đạt OCOP 3 sao. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn đó những khó khăn về cơ sở vật chất chưa được đầu tư nhiều về quy mô, nguồn vay còn hạn chế để mở rộng… Ngoài ra, thị trường tiêu thụ cũng là một vấn đề cần quan tâm bởi khi sản xuất lớn khâu này đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, bà Huế cũng có lợi thế nhất định khi là người sinh ra và lớn lên ở Bắc Hà và lại làm việc trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thế nên từ các khâu chế biến đều tuân thủ đúng các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có công bố chất lượng sản phẩm, nhãn mác rõ ràng…
Mận Tam hoa là loại cây trồng ôn đới có có phổ thích ứng hẹp, chỉ phù hợp với những nơi có khí hậu ẩm, mát, đất đai màu mỡ; nếu trồng ở những vị trí quá thấp hoặc quá cao quả nhỏ, mềm, vị chát kém chất lượng, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết.