Trái ngược với việc này, chính quyền huyện Tây Giang đã loại bỏ nghi thức đâm trâu.
Vay tiền đâm trâu
Ngôi nhà làm bằng gỗ ba gian của anh Hồ Văn Nhấp nằm giữa thôn 4 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) trên một ngọn núi. Nơi đây, cách trung tâm huyện gần 30 km, có 40 hộ dân người dân tộc Giẻ Triêng sinh sống.
Xã Phước Thành nằm giữa núi rừng và có tỷ lệ hộ nghèo đứng đầu huyện Phước Sơn. |
Anh Nhấp thường hay đau ốm, nhất là sau những lần uống rượu về bụng bị đau nên đến gặp thầy cúng. Thầy nói rằng, anh chưa đâm trâu cúng người cha mình qua đời nên bị con ma về đòi. Để lành bệnh, anh Nhấp phải cúng trâu thì mới khỏi bệnh.
Theo phong tục cũng như tin lời thầy cúng, người đàn ông dân tộc Giẻ Triêng mua con trâu hơn 25 triệu đồng; tự nấu hơn 10 ché rượu cần và hai tạ gạo… Lễ vật sắm đầy đủ, anh tổ chức cúng trâu diễn ra trong ba ngày.
Ngày đầu tiên, gia chủ nhờ một nhóm thanh niên trong làng lên rừng chọn cây gỗ thẳng, dài gần 10m chặt về dựng cây nêu trước nhà cộng đồng thôn. Nhóm người này được gia đình anh Nhấp làm thịt gà, heo cho ăn uống no say.
Sang ngày thứ hai, cây nêu được dựng lên thì anh Nhấp dẫn con trâu đực buộc vào. Lúc này, chủ nhà thuê sẵn một đội quân đánh cồng chiêng, trống nguyên một ngày đêm. Sang ngày thứ ba phần lễ quan trọng nhất được thực hiện, một người dùng cây giáo sắc nhọn đâm nhiều nhát vào trâu lấy máu và chờ trâu chết mang đi xẻ thịt.
Thịt đâu được chia phần cho mọi người dân trong làng; đội quân đánh trống và số còn lại chủ nhà dùng để đãi tiệc. “Tôi bỏ tiền ra tổ chức đâm trâu để được lành bệnh chứ không thu về được gì, số tiền đâm trâu tôi đi vay mượn”, anh Nhấp nói và cho biết trong ba ngày tổ chức lễ ba người con của anh phải nghỉ học ở nhà, đến lúc hết lễ cúng trâu mới đến trường.
Cũng giống như các hộ dân khác, chị Hồ Thị Tình, thôn 2, xã Phước Thành ốm đau và đến gặp thầy cúng. Thầy hỏi về việc người mẹ chết đã tổ chức đâm trâu chưa thì chị nói chưa. Thầy cúng bảo rằng, chị ốm do mẹ về đòi trâu.
Hàng chục con trâu bị đâm chết được dân Giẻng Triêng ở xã Phước Thành cất giữ đầu để tại nhà cộng đồng thôn. |
Gia đình chị Tình thuộc diện hộ nghèo nhưng buộc phải có trâu để cúng. Chị đi vay mượn tiền mua trâu, rượu… hết 40 triệu đồng. Tuy nhiên, sau lễ cúng sức khỏe chị Tình không giảm mà còn nặng thêm nên đến bệnh viện khám. “Bác sĩ nói tôi bị loét dạ dày và điều trị ở bệnh viện hơn một tuần thì khỏi”, chị kể và cho biết số tiền nợ đến nay đang chờ vào vườn quế lớn để khai thác bán trả.
Ông Hồ Văn Phức, Phó chủ tịch xã Phước Thành cho hay, xã có 450 hộ dân với hơn 1000 nhân khẩu, tuy nhiên có 259 hộ nghèo chiếm 62%, đứng đầu huyện Phước Sơn về tỷ lệ hộ nghèo.
“Đâm trâu là phong tục lâu đời của người dân và được duy trì. Mục đích cúng trâu để chữa bệnh cho người đau ốm; cúng người chết. Hay nếu ai săn bắt đủ số lượng 100 con thú; một gia đình trồng lúa nương thu hoạch hơn 100 gùi và bị sét đánh trúng nương rẫy thì phải đâm một con trâu...”, ông Phước chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đang đề nghị các già làng, trưởng bản có uy tín truyên tuyền người dân không tổ chức đâm trâu cúng chữa bệnh. Người dân đau ốm đến trạm y tế, bệnh viện khám điều trị. “Huyện đang giao cho phòng văn hóa nghiên cứu bảo tồn văn hóa, trong đó các phong tục không phù hợp sẽ đưa vào nghị quyết để chỉ đạo, vận động người dân loại bỏ”, ông Hà thông tin.
90 làng Cơ Tu bỏ nghi thức đâm trâu
Huyện miền núi Tây Giang có 95% người dân tộc Cơ Tu sinh sống. Cũng giống như các dân tộc khác ở Quảng Nam, người Cơ Tu thực hiện đâm trâu mỗi khi có người đau ốm, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh... đều cho đó là do trời, thần linh nổi giận. Họ tổ chức cúng trâu và hình thức buộc vào cây nêu rồi dùng cây giáo nhọn hoắt đâm nhiều nhát, máu chảy lênh láng cho đến lúc trâu chết.
Một người dân tộc Giẻng Triêng, xã Phước Thành dùng giáo đâm trâu. |
Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, phong tục tồn tại có nhiều người dân lạm dụng việc đâm trâu để khoe của, nhà nghèo khổ nhưng vẫn vay mượn tiền để tổ chức. Không ít hộ dân bám lấy nghèo đói, đặc biệt là nghi thức đâm trâu rất dã man. Quá trình đâm trâu có vài vụ người dân bị trâu tấn công do đứt dây buộc trong khi tổ chức, hay trong lúc đâm cây giáo văng ra ngoài lao vào đám đông đứng xem”, ông Blúi cho biết.
Lãnh đạo huyện Tây Giang nói thêm, huyện đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch, nếu họ đến mà gặp cảnh rùng rợn đâm trâu thì lần sau liệu có dám quay lại không? Chắc chắn là không. Bởi sự chết chóc ghê rợn tồn tại, du khách sợ hãi nên e ngại đến tham quan.
Trước thực tế này, chính quyền huyện Tây Giang nhận thấy nghi thức đâm trâu không còn phù hợp, dư luận phản ứng nên lên kế hoạch loại bỏ. Huyện đưa ra chủ trương thay vì đâm trâu, sau khi tổ chức xong lễ thì dẫn trâu đến nơi khác giết thịt. Cách làm này vẫn thực hiện các nghi thức cúng bái truyền thống, vừa văn minh lại không gây phản cảm.
Để triển khai thực hiện, chính quyền huyện Tây Giang mời già làng có uy tín, trưởng bản của 90 làng Cơ Tu đến hỏi ý kiến và đưa ra cách thức thực hiện. Tuy nhiên, rất nhiều người phản đối gay gắt, trong đó có cả cán bộ huyện. Họ cho rằng nghi thức đâm trâu là vui nhộn nhất trong lễ hội. Khi người cầm giao lao vào con trâu thì ở phía ngoài hàng trăm người đánh trồng, chiêng reo hò hân hoan.
Cụ thể hóa chủ trương, huyện Tây Giang mời người dân về dự lễ hội truyền thống. Tại đây, một con trâu được cột vao cây nêu, các hoạt động diễn ra theo phong tục. Tuy nhiên, khi làm lễ xong, con trâu đưa đi nơi khác vào giết thịt mà không đâm như ngày trước.
“Sau khi xem xong người dân thấy được việc không đâm trâu vẫn diễn ra bình thường. Máu trâu lấy làm lễ cúng không ảnh hưởng đến phong tục”, ông Blúi kể và cho hay bộ máy chính quyền từ huyện đến xã, thôn ra sức vận động theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”.
Cuối cùng người dân hiểu và loại bỏ nghi thức thọc giáo vào trâu mà chuyển qua giết thịt. Đồng thời Huyện ủy Tây Giang ban hành nghị quyết xây dựng nông thôn mới gồm năm không, trong đó có nội dung không tổ chức đâm trâu, giết bò khi cưới vợ gả chồng. Để giám sát việc người dân tổ chức lén lút, huyện kiểm soát vật nuôi bằng cách đánh số. Người dân mua hoặc bán trâu, bò đều phải báo cho chính quyền, vậy nên khó có ai lén lút tổ chức đâm trâu sẽ bị bại lộ.
“Thành công của Tây Giang loại bỏ nghi thức đâm trâu và hủ tục đâm trâu là do chính quyền vào cuộc quyết liệt. Trong đó đã tuyên truyền, vận động để bà con nhận thấy được ưu điểm và chấp hành”, ông Blúi chia sẻ và nói từ năm 2016 đến nay có 90 làng trên địa bàn huyện không tổ chức đâm trâu mà chuyển qua giết thịt.
Người dân huyện Tây Giang tổ chức lễ hội nhưng không đâm trâu, con vật sẽ được đưa đi nơi khác giết thịt. |
Già làng Blong Jim, người có uy tín thôn A Rầng 1, xã A Xan cho biết đã đứng ra tổ chức cuộc họp với dân trong làng để thuyết phục bỏ nghi thức đâm trâu. Ông vận động người dân chỉ tổ chức những lễ hội quan trọng, còn những tập tục như cưới hỏi, về nhà mới, cúng bái nên loại bỏ.
“Ban đầu cũng có một số người bức xúc, nhưng tôi cùng cán bộ xã đứng ra giải thích, phân tích thiệt hơn, nên mọi thứ dần ổn định. Đặc biệt bọn trẻ trong làng đi ra hiểu biết nên đồng tình cao và ủng hộ”, ông Jim nói và cho rằng tết vừa rồi làng không tổ chức đâm trâu như các năm trước nên cũng buồn, vì không nghe tiếng chiêng, trống rộn ràng. Nhưng nhưng vì cái chung nên phải loại nhưng lễ hội không cần thiết.