Chiều 4/10, Cục Lâm nghiệp phối hợp với Sở NN-PTNT Đắk Lắk tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng “Mô hình chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Đắk Lắk”.
Theo ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp: Ngày 1/10/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng. Đề án nhằm tăng cường quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng gắn với hội nhập thị trường thương mại lâm sản thế giới; cải thiện, nâng cao thu nhập cho chủ rừng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Qua 6 năm thực hiện, các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy và thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Các đơn vị xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, tiêu chí về quản lý rừng bền vững… thành lập hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế (VFCS/PEFC).
Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là các chủ rừng, sau 6 năm triển khai đã có khoảng 80% diện tích rừng được xây dựng và thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững. Diện tích rừng đã được cấp chứng nhận chứng chỉ rừng đạt gần 600 nghìn ha, đạt 60% chỉ tiêu theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam và Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng năm 2030.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, đề án cũng xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững hướng tới cấp chứng chỉ rừng tại một số địa phương. Mục đích của mô hình sẽ là nơi tham quan, học tập phục vụ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các đối tượng là cán bộ chuyên môn, chủ rừng. Đây cũng là nơi để thực hiện đánh giá thử nghiệm các tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam trước khi được ban hành.
Tại Tây Nguyên, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Sở NN-PTNT Đắk Lắk hỗ trợ xây dựng mô hình “Chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp chế biến gỗ tại Đắk Lắk”.
Sau một năm triển khai, Đắk Lắk có 4.000 ha rừng đã được xây dựng với chủ thể tham gia là hộ gia đình tại 3 xã Cư San, Ea Trang và Krông Á (huyện M’Đrắk). Trong đó, Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk và nhóm nông hộ phối hợp với Công ty TNHH Ayo Biomass thiết lập xây dựng liên kết để cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc gia (PEFC) cho diện tích gần 4 nghìn ha.
Theo đại diện Công ty TNHH Ayo Biomass, tại Đắk Lắk doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết chứng nhận rừng trên diện tích gần 4.000 ha. Mô hình liên kết chứng chỉ rừng tạo ra mối quan hệ bền vững giữa các bên tham gia, thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực lâm nghiệp.
"Công ty cam kết đồng hành cùng các đơn vị trồng rừng, mang lợi ích thiết thực và cơ hội phát triển bền vững. Khi tham gia mô hình, các đối tác được hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, giúp người trồng rừng nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất; Tăng giá trị gỗ đạt chứng chỉ, giúp người trồng rừng tăng thu nhập, cải thiện đời sống; Phát triển chuỗi cung ứng bền vững, giúp người trồng rừng ổn định đầu ra sản phẩm, tạo thu nhập ổn định; Góp phần bảo vệ môi trường, duy trì nguồn tài nguyên rừng trong dài hạn, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng; Nâng cao chất lượng gỗ, tạo ra sản phẩm gỗ Việt Nam chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, đại diện Công ty Ayo Biomass nói.