| Hotline: 0983.970.780

Chứng chỉ FSC đưa lâm sản Phú Lương vươn xa

Thứ Hai 29/07/2024 , 06:40 (GMT+7)

Với trên 5.100ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, huyện Phú Lương là địa phương có diện tích được cấp chứng chỉ rừng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Huyện Phú Lương (Thái Nguyên) là khu vực có khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa tương đối ôn hòa, thích hợp với sự sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp.

Để rừng trở thành nguồn sinh kế bền vững cho người dân, Công ty TNHH Lâm sản Thái Hưng đã được UBND huyện Phú Lương chấp thuận chủ trương đầu tư, hợp tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý Rừng - FSC phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu) trên địa bàn huyện Phú Lương.

Đến cuối tháng 6/2024, Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững GFA đã chính thức cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ trồng rừng tại Phú Lương.

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế rừng bền vững. Ảnh: Quang Linh.

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế rừng bền vững. Ảnh: Quang Linh.

Huyện Phú Lương hiện có diện tích rừng lần đầu tiên được cấp chứng chỉ FSC (đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững) là 5.163ha với 3.653 hộ tham gia tại 4 xã  Yên Đổ, Yên Lạc, Yên Ninh, Yên Trạch. Đây cũng là địa phương có diện tích được cấp chứng chỉ rừng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Phó Giám đốc Công ty Lâm sản Thái Hưng, nhằm khai thác toàn diện giá trị về tiềm năng nguồn gỗ có chứng chỉ FSC cho các hộ tham gia liên kết, duy trì quản lý rừng bền vững tại các diện tích đã được cấp chứng chỉ, thời gian tới, công ty Thái Hưng sẽ hỗ trợ các hộ đối với các diện tích đã thực hiện hiện việc khai thác trong tời gian đợi cấp chứng chỉ.

Đơn vị cam kết thu mua gỗ và củi trên diện tích rừng khai thác trong kế hoạch với mức giá cao hơn so với giá thị trường, thông báo điểm điểm thu mua để các hộ tham gia liên kết đưa nguyên liệu sau khai thác về tới điểm thu mua.

Thái Hưng dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng có chứng chỉ thông qua liên kết với hộ trồng rừng đối với các diện tích trên địa bàn huyện Phú Lương, đặc biệt tại các hộ thuộc 4 xã (Yên Đổ, Yên Lạc, Yên Ninh và Yên Trạch) chưa có chứng chỉ FSC nhưng đáp ứng được các tiêu chí.

Ông Lý Ngọc Vinh (ngoài cùng bên trái) cùng các chuyên gia khảo sát các diện tích rừng chuẩn bị cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Quang Linh.

Ông Lý Ngọc Vinh (ngoài cùng bên trái) cùng các chuyên gia khảo sát các diện tích rừng chuẩn bị cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Quang Linh.

Về lợi ích khi đạt chứng chỉ FSC, ông Lý Ngọc Vinh, đại diện nhóm hộ FSC cho rằng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gia tăng hiệu quả sản xuất, không đốt thực bì, hạn chế cháy rừng và ô nhiễm môi trường là các giá trị to lớn từ việc trồng rừng theo tiêu chuẩn của chứng chỉ FSC đã và đang mang lại cho người dân Phú Lương.

Trong quá trình xây dựng, nhóm FSC xác định cần phải tôn trọng các quyền truyền thống của người dân địa phương. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch chi tiết: Phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy; Bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển nguồn tài nguyên các dịch vụ hệ sinh thái…

Với những hiệu quả bước đầu mà chứng chỉ FSC mang lại, ông Lý Ngọc Vinh mong muốn huyện Phú Lương tiếp tục tạo điều kiện cho các nhóm hộ để mở rộng diện tích rừng đạt chứng chỉ.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương phát biểu tại Hội nghị báo cáo kết quả cấp chứng chỉ rừng FSC. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương phát biểu tại Hội nghị báo cáo kết quả cấp chứng chỉ rừng FSC. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương nhận định, Phú Lương có nhiều thế mạnh về lâm nghiệp, tuy nhiên việc thiếu chứng chỉ quốc tế khiến sản phẩm từ rừng chưa phát huy được tiềm năng toàn diện. Do đó, quản lý rừng bền vững FSC là hướng phát triển tốt cho kinh tế rừng của địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho người dân.

Thời gian tới, Công ty Lâm sản Thái Hưng cần phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng NN-PTNT, các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân.

“Đạt chứng chỉ FSC đã khó, giữ được còn khó hơn. Có trường hợp người dân đốt lửa để lấy mật ong rừng, trứng kiến khiến rừng không tiêu chí để cấp chứng chỉ. Điều này rất đáng tiếc, các cơ quan chức năng thuộc huyện và doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về chứng chỉ rừng FSC tới người dân”, ông Hữu cho hay.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.