| Hotline: 0983.970.780

Đăk Nông xây dựng phương án tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19

Thứ Bảy 19/06/2021 , 15:49 (GMT+7)

Sở NN-PTNT Đăk Nông đã xây dựng phương án giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông đã ban hành phương án đảm bảo sản xuất và tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Theo Sở NN-PTNT Đăk Nông, tổng diện tích gieo trồng năm 2021 trên địa bàn là 320 nghìn ha. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 358.919 tấn, trong đó diện tích lúa 12.674 ha với sản lượng 81.301 tấn, diện tích ngô 41.523 ha với sản lượng 277.618 tấn.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết, nông sản địa phương được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất dễ bảo quản, tích trữ và lâu suy giảm chất lượng gồm: Sản phẩm các cây lương thực có hạt, sản phẩm các cây họ đậu, cà phê, hồ tiêu, điều… Nhóm 2 khó bảo quản, nhanh suy giảm chất lượng, gồm: Rau xanh, rau củ, rau quả và các loại trái cây (bơ, xoài…).

“Các sản phẩm thuộc nhóm khó bảo quản, dễ hao hụt dẫn đến chất lượng kém trong trường hợp không kịp vận chuyển tiêu thụ. Trong tình hình dịch bệnh buộc phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội, làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển tiêu thụ, chuỗi cung - cầu bị gián đoạn, kéo dài thời gian. Do đó cần tập trung ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ cho các sản phẩm rau, củ và trái cây”, ông Tuấn Anh nói.

Cửa hàng OCOP để giới thiệu các sản nông sản trên địa bàn huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Cửa hàng OCOP để giới thiệu các sản nông sản trên địa bàn huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, để đảm bảo tiêu thụ các sản phẩm khó bảo quản trong thời điểm dịch bệnh, Sở đã đề nghị các doanh nghiệp, HTX, đầu mối đại lý thu gom nông sản trên toàn tỉnh kết nối với các bạn hàng, đầu mối đã có từ trước để trao đổi thống nhất về đơn hàng, sản phẩm; tổ chức vận chuyển, giao hàng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên phù hợp với tình hình dịch bệnh. Các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại chủ động mở rộng các điểm bán hàng mới thông qua các mối hàng đã có.

Đối với Sở NN-PTNT, đơn vị này sẽ thành lập tổ công tác để nắm bắt thông tin, kết nối thị trường xử lý các tình huống và hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn. Rà soát đánh giá dự trữ lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài. 

Đơn vị này sẽ xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chế biến và hình thức dịch vụ thu mua, cung ứng lương thực, thực phẩm từ cơ chế thị trường sang cơ chế đảm bảo cho yêu cầu trong tỉnh. Phân tuyến kiểm soát và vận chuyển các sản phẩm nông sản ra khỏi tỉnh theo Quốc lộ 14, tại 2 đầu tỉnh. Ưu tiên phân bổ các sản phẩm lương thực, thực phẩm cho tiêu thụ trong tỉnh để phục vụ người tiêu dùng.

Sở sẽ đẩy mạnh thông tin thị trường, hoạt động thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu kết nối các thị trường tiêu thụ nông sản. Liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, lập danh sách và tham mưu văn bản thông tin sản phẩm tới các trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Sản phẩm cà phê trưng bày tại cửa hàng OCOP ở huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Sản phẩm cà phê trưng bày tại cửa hàng OCOP ở huyện Đăk Song. Ảnh: Quang Yên.

Ngoài ra, Sở cũng huy động các kho lạnh bảo quản nông sản trên địa bàn để bảo quản tối đa công suất nhằm phục vụ bán hàng khi hết dịch Covid-19.

“Đơn vị sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương hỗ trợ thêm các kho lạnh di động, quy mô nhỏ để bảo quản các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống nhân dân trong tình hình dịch diễn biến phức tạp và kéo dài.

Kiến nghị UBND tỉnh Ban hành văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, đề nghị các Bộ hướng dẫn việc kiểm soát và tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa, nông sản được phép ra vào các tỉnh, thành phố trên cả nước trong điều kiện cách ly xã hội. Tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản để hỗ trợ nông dân tiêu thụ. Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử”, vị giám đốc nói thêm.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.