| Hotline: 0983.970.780

Dăm gỗ giảm giá

Thứ Hai 03/02/2020 , 13:10 (GMT+7)

Nhờ mặt hàng dăm gỗ chủ yếu xuất khẩu bằng đường biển, nên hiện Trung Quốc vẫn thu mua bình thường, tuy giá có thấp hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán

09-17-44_2
Mặt hàng dăm gỗ chủ yếu đi Trung Quốc bằng đường biển tại Cảng Quy Nhơn nên hiện vẫn tiêu thụ bình thường

Thông tin Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương để tập trung xử lý bệnh dịch do virus Corona gây ra đã làm dấy lên mối lo về đầu ra của những mặt hàng trước nay lệ thuộc nhiều vào thị trường nước này, trong đó có dăm gỗ.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có 15 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu với tổng công suất đạt trên 1 triệu tấn/năm. Từ trước đến nay, đầu ra của mặt hàng này hầu như chỉ trông vào thị trường Trung Quốc, chỉ 1 ít xuất sang thị trường các nước Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ví như Cty TNHH Sông Kôn, đơn vị chuyên chế biến dăm gỗ xuất khẩu đóng tại khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định), có năng lực sản xuất 700 tấn dăm tươi/ngày, 100% lượng hàng của Cty này đều xuất sang thị trường Trung Quốc.

Giải thích vì sao hầu hết mặt hàng dăm gỗ ở Bình Định đều xuất sang thị trường Trung Quốc, trong khi vẫn còn nhiều thị trường khác thu mua mặt hàng này, ông Võ Vạn Toàn, Giám đốc Cty TNHH Sông Kôn, cho biết: “Sở dĩ hầu hết các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ đều xuất hàng sang thị trường Trung Quốc là vì thị trường này ăn mạnh dăm gỗ hơn các nước khác, với lượng nhập hàng năm chiếm đến 60 - 70% trong tổng lượng dăm của Việt Nam xuất khẩu đi tất cả các thị trường.

Ngoài nguyên nhân ấy, đối với các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ ở Bình Định, thị trường Trung Quốc còn “hấp dẫn” hơn do có Cảng Quy Nhơn, xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường biển gần hơn xuất hàng sang các nước khác. Ngoài tiết kiệm được chi phí vận chuyển, đây còn là lợi thế của các doanh nghiệp nhỏ, có ít tiềm lực về vốn liếng và không có kho bãi rộng để dự trữ hàng, nhờ đường đi gần nên doanh nghiệp có thể giải phóng hàng nhanh để thu hồi vốn tái sản xuất”.

Sau khi Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương, đóng cửa khẩu các tỉnh biên giới để tập trung xử lý bệnh dịch do virus corona gây ra, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam lập tức gặp khó. Thế nhưng những mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc bằng đường biển hiện vẫn được thị trường nước này thu mua bình thường, trong đó có mặt hàng dăm gỗ.

Dăm gỗ hiện vẫn được Trung Quốc thu mua với giá 126 USD/tấn.

Theo ông Võ Vạn Toàn, Giám đốc Cty TNHH Sông Kôn, hiện thị trường Trung Quốc vẫn thu mua mặt hàng dăm gỗ bình thường, tuy có thấp hơn so với giá trước Tết Nguyên đán. Mới mùng 4 tết (28/1) vừa qua, Cty TNHH Sông Kôn đã xuất sang Trung Quốc 1 lô hàng dăm gỗ tại Cảng Quy Nhơn. Cũng ngày hôm ấy, nhiều doanh nghiệp chế biến dăm gỗ ở Bình Định cũng có nhiều lô hàng xuất đi Trung Quốc.

“Mùng 4 tết vừa rồi công ty chúng tôi vừa vét sạch kho xuất sang Trung Quốc gần 2.000 tấn dăm khô. Giá bán tại cảng hiện nay là 126 USD/tấn, đây là cái giá chưa tính thuế xuất khẩu. So với trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá dăm gỗ bị giảm mất 4 USD/tấn”, ông Toàn cho biết.

Ông Trần Lê Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, nhận định: “Hầu hết mặt hàng dăm gỗ ở Bình Định xuất sang Trung Quốc đều đi bằng đường biển. Tàu biển chở dăm gỗ có trọng tải 30.000 - 40.000 tấn thì toàn bộ thủy thủ đoàn chỉ từ 10 - 15 người. Với lượng người ít ỏi như thế nên khi tàu cập cảng, lực lượng chức năng Trung Quốc cũng dễ kiểm soát bệnh dịch. Vì vậy hiện Trung Quốc chỉ mới “bế quan” chứ chưa “tỏa cảng”, do đó đầu ra của dăm gỗ sang thị trường nước này hiện chưa có gì đáng lo”.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.