Chuỗi mắt xích không thể thiếu của ngành chế biến gỗ
Theo ông Thang Văn Hóa, Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam (thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam), sau 1 thập kỷ phát triển, đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng dăm gỗ xuất khẩu lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ đã trở thành một hợp phần quan trọng trong hệ sinh thái ngành gỗ của Việt Nam. Bình quân, mỗi năm xuất khẩu dăm gỗ đang thu về khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 15-18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Lượng dăm xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 12 triệu tấn, tương đương với 24 triệu m3 gỗ tròn nguyên liệu đầu vào. Riêng 7 tháng đầu năm 2020, lượng dăm xuất khẩu đạt trên 6,9 triệu tấn, mang về khoản ngoại tệ 923 triệu USD.
Trong những năm qua, ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ đã kích thích phát triển mạnh diện tích rừng trồng. Bởi, nguồn gỗ nguyên liệu của ngành dăm chủ yếu là từ gỗ rừng trồng của hộ gia đình và các doanh nghiệp trồng rừng; chủ yếu là gỗ keo chiếm đến 70%, tiếp đến là gỗ bạch đàn chiếm 27% và gỗ tràm cừ chiếm chỉ 3%. Do đó, diện tích rừng trồng ở Việt Nam liên tục tăng trưởng, bình quân 150.000-200.000ha/năm.
Thực tế trên cho thấy ngành dăm có liên quan trực tiếp đến sinh kế của của hàng triệu hộ gia đình, đa số là những gia đình nghèo ở miền núi. Theo thống kê của Cục Kiểm Lâm, trên cả nước hiện có khoảng 1,1 triệu hộ nông dân tham gia trồng rừng nguyên liệu với diện tích trên 1,7 triệu héc ta đất lâm nghiệp, trong đó có trên 1,4 triệu héc ta đã thành rừng.
“Ngành dăm gỗ là cửa ngõ tiêu thụ lớn cho nguồn gỗ rừng trồng, điều này tạo động lực quan trọng thúc đẩy nhanh việc mở rộng diện tích rừng trồng, góp phần cải thiện sinh kế cho hàng triệu hộ dân tham gia trồng rừng và nâng cao độ che phủ rừng”, ông Thang Văn Hóa khẳng định.
Cần mở rộng thị trường xuất khẩu
Thời gian gần đây, giá dăm gỗ giảm mạnh đã tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, hộ trồng rừng và giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Nguyên nhân được xác định 1 phần do thị trường giấy giảm mạnh, thêm vào đó do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển bị trắc trở.
Theo ông Thang Văn Hóa, Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam, để ngành dăm gỗ phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, trong thời gian tới đây Chi hội sẽ vận động các đoanh nghiệp thành viên hoạt động theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. “Dăm gỗ có thể đưa vào sản xuất ván gỗ MDF, viên nén và làm bột giấy. Tuy nhiên, mỗi loại hình sản phẩm đòi hỏi chất lượng và tiêu chuẩn dăm khác nhau. Do vậy, các doanh nghiệp ngành dăm cần nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm đầu ra phù hợp với nhu cầu và yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình sản phẩm này”, ông Hóa chia sẻ.
Cũng theo ông Hóa, các địa phương nơi có diện tích rừng trồng lớn và có cơ sở chế biến sâu chưa phát triển, chính quyền địa phương cần ban hành cơ chế và chính sách vĩ mô nhằm thu hút đầu tư chế biến sâu. Các cơ chế và chính sách cần ưu tiên cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistic, ưu đãi về thuê đất, tạo chuỗi liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng, liên kết giữa ngành dăm và các ngành chế biến sâu.
“Trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành dăm gỗ sẽ chú tâm việc đa dạng thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào 1 vài thị trường truyền thống như hiện nay. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như: Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản đang nổi lên là thị trường tiềm năng cho ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam”, ông Thang Văn Hóa, Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam, cho biết.