Đầu tư gần 80 tỷ đồng để ổn định dân cư tập trung
Thời gian qua, các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ yếu là giông lốc, ngập úng, lũ quét và sạt lở đất. Do vậy, để ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp và nguy cơ sạt lở ở một số nơi, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã yêu cầu các địa phương tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ có nguy cơ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp…
Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ nguồn lực Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các dự án bố trí ổn định dân cư, tập trung ở những địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên có 3 dự án ổn định dân cư tập trung cho 149 hộ, với tổng số vốn trên 78,6 tỷ đồng, gồm: Khu tái định cư tập trung xóm Liên Phương và Khu tái định cư tập trung xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Dự án tái định cư tập trung khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai xóm Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.
Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng, đồng thời lên phương án hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ tái định cư. Qua đó giúp các hộ sớm ổn định cuộc sống, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh Thái Nguyên có 13 dự án đầu tư bố trí dân cư ổn định tập trung tại chỗ và xen ghép, để thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cho 415 hộ, với 2.490 nhân khẩu.
Những khu tái định cư của niềm tin và hy vọng
Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai một số dự án sắp xếp dân cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện hình thức bố trí di dân xen ghép tại chỗ. Qua đó góp phần từng bước ổn định cuộc sống của người dân ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trước đây, gia đình bà Hoàng Thị Hiền là một trong nhiều hộ dân tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa, làm nhà dưới chân núi nên cứ vào mùa mưa, người dân đều nơm nớp lo sợ tình trạng đất đá sạt lở, mất an toàn. Thế nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ chuyển ra nơi ở mới tại khu tái định cư vùng bị ảnh bởi thiên tai, người dân đã không còn phải lo lắng và có thể tập trung phát triển kinh tế.
"Ở khu tái định cư, mỗi hộ dân sẽ được nhận 300 m2 đất ở và 20 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ xây nhà. Các hộ nghèo còn được nhận thêm 20 triệu đồng. Có nơi ở mới khang trang, sạch sẽ, đảm bảo bảo an toàn, người dân đều phấn khởi và yên tâm sản xuất, sinh hoạt", bà Hoàng Thị Hiền cho hay.
Khu tái định cư xã Linh Thông được xây dựng với diện tích khoảng 2 ha, kinh phí xây dựng gần 15 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên làm chủ đầu tư; được đầu tư xây dựng đầy đủ hạng mục phục vụ đời sống, sản xuất của bà con, như: Hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa, công trình điện lưới… Hiện nay, 32 hộ dân ở các xóm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên địa bàn xã đã di dời về đây xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Còn tại TP. Phổ Yên, Khu tái định cư phường Tân Phú đã được bàn giao và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020 cũng đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu của các hộ dân sống ven sông Cầu. Theo ông Ngô Văn Do, Bí thư Đảng ủy phường Tân Phú, trước đây, do vốn là địa phương có địa hình trũng thấp nên cứ vào mùa mưa, nhiều hộ dân đã thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt.
"Bởi vậy, khi có khu tái định cư mới, bà con đều đồng tình ủng hộ việc di chuyển sang nơi ở mới an toàn hơn. Khu tái định cư phường Tân Phú được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 38 tỷ đồng, diện tích hơn 3,3 ha. Đến nay đã có hơn 30 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới và từng bước ổn định cuộc sống", ông Do thông tin.
Thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai một số dự án sắp xếp dân cư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chi cục đã thực hiện bố trí, ổn định dân cư cho gần 500 hộ vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, sụt lún đất. Các dự án ổn định dân cư không chỉ mang lại sự phấn khởi và niềm tin cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới của các địa phương.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, có kế hoạch di dời, tái định cư đối với những hộ đang sinh sống tại vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và các hộ đang sinh sống ở vùng lõi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống của nhân dân.
Kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có 944 hộ có nhu cầu ổn định dân cư, trong đó tái định cư tập trung 222 hộ; di chuyển xen ghép 305 hộ; ổn định tại chỗ 417 hộ.