"Chúng tôi không tái vũ trang ở Đan Mạch vì muốn chiến tranh, hủy diệt hay đau khổ. Chúng tôi đang tái vũ trang để tránh chiến tranh trong một thế giới mà trật tự quốc tế đang bị thách thức", Thủ tướng Frederiksen phát biểu trước báo giới hôm 13/3.
Quân đội Đan Mạch hiện có khoảng 13.700 binh sĩ, bao gồm 9.000 quân nhân chuyên nghiệp và 4.700 lính nghĩa vụ đang được huấn luyện. Chính phủ của bà Frederiksen đặt mục tiêu tăng số lượng lính nghĩa vụ lên 5.000 và buộc cả nam và nữ phải tham gia nghĩa vụ quân sự.
Luật pháp hiện hành của Đan Mạch yêu cầu mọi công dân nam trên 18 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 4 tháng. Tuy nhiên, do có đủ số tình nguyện viên, không phải nam thanh niên nào cũng được gọi nhập ngũ. Thay vào đó, nhà chức trách tổ chức rút thăm. số lượng nữ giới tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự hiện chiếm khoảng 25% trong số 4.700 lính nghĩa vụ của Đan Mạch.
Đan Mạch là quốc gia thứ ba ở châu Âu cho phép phụ nữ tòng quân. Trước đó, Thụy Điển bắt đầu gọi nhập ngũ cả nam và nữ từ năm 2017. Hồi năm 2015, Na Uy trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nữ giới.
Đan Mạnh có kế hoạch ban hành luật nghĩa vụ quân sự mới vào năm 2025 và đưa vào thực hiện từ năm 2026. Các tân binh sẽ trải qua 5 tháng huấn luyện và phục vụ trong quân ngũ trong 6 tháng.
"Bối cảnh an ninh của khu vực đã trở nên ngày càng trầm trọng hơn và chúng tôi phải tính đến điều đó khi đánh giá tình hình quốc phòng trong tương lai. Việc tuyển quân không phân biệt giới tính là điều cần thiết", Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen trả lời báo giới về kế hoạch buộc nữ giới tòng quân.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nhấn mạnh rằng Nga hiện không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Đan Mạch. "Nhưng chúng tôi sẽ không sẽ không tự đẩy mình vào thế phải đối đầu với Nga", ông Rasmussen nói.
Bà Frederiksen cũng kêu gọi các nước châu Âu "tăng cường" hệ thống quốc phòng nhằm chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Nga. "Tự do đi kèm với một cái giá. Chúng ta phải có trách nhiệm tự bảo vệ chính mình", bà Frederiksen trả lời tờ Financial Times hồi tháng 2/2024.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định rằng Moscow không quan tâm đến việc tấn công các quốc gia thành viên NATO hay leo thang cuộc khủng hoảng ở Ukraine thành một cuộc xung đột trên khắp châu Âu.