| Hotline: 0983.970.780

Dân phong ngạn trả nợ rừng

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Một thời rừng U Minh giàu có, mật ong rừng U Minh nuôi sống những con người đi mở cõi sinh cơ - họ được gọi là phong ngạn.

Một thời rừng U Minh giàu có, mật ong rừng U Minh nuôi sống những con người đi mở cõi sinh cơ. Để chống chọi lại với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và thú dữ, họ tập hợp lại thành từng nhóm người gọi là phong ngạn.

Từ xưa, dân phong ngạn đã quen với cuộc sống giữa bốn bề mật ngọt rừng tràm. Họ xem rừng như là sự sống không thể tách rời, và rồi họ nghĩ đến chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ những đàn ong cũng chính là bảo vệ “nồi cơm” của họ. Những điều luật bất thành văn trong việc khai thác mật ong được dân phong ngạn lập ra và đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Ông Lý Văn Nhạn, Phó ban Thường trực Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, cho biết: Từ khi rừng tràm ở U Minh Hạ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, hàng trăm hộ dân sống trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển rất phấn khởi vì họ biết cơ hội để họ làm giàu và trả nợ rừng xanh đã đến. Những “tập đoàn” phong ngạn từ đó cũng dần được phục hồi trở lại, họ luôn nêu cao ý thức vừa làm giàu vừa bảo vệ “lá phổi xanh” thế giới.


Dân phong ngạn thu hoạch sản phẩm

Theo gió lên rừng

Ông Dương Trí Phước, ở Lâm ngư trường Sông Trẹm (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có mấy chục năm kinh nghiệm trong giới phong ngạn. Hỏi về lịch sử nghề “ăn ong”, ông Phước lắc đầu: “Hổng biết nữa à! Nghe các cụ nói cái nghề cha truyền con nối này hình thành hàng trăm năm nay rồi”.

Sinh ra và lớn lên ở đại ngàn U Minh, từ năm 13 tuổi, ông Phước đã vào rừng “ăn ong”, đến nay không còn đủ sức để tận hưởng cái thú vui hoang dã chốn rừng sâu nữa. Cũng như cha, chú của mình, ông Phước truyền lại kinh nghiệm đi rừng cho thế hệ sau và dặn dò con cháu phải biết yêu quý và bảo vệ rừng như chính mạng sống của mình vậy.

Hồi tưởng về cái thời “oanh liệt” giữa đại ngàn U Minh, ông Phước kể: “Hồi ấy, ở rừng U Minh, cây cổ thụ và các loài thú dữ nhiều vô kể. Người dân về đây khai hoang, lập nghiệp phải cất nhà sàn cao đến vài mét để tránh cọp vồ. Lúc đó có những tổ ong mật to như bộ ván. Mật ong khi đó chủ yếu được chế biến thành đường để ăn. Việc “ăn ong” của người dân chỉ là lấy sáp ong bán cho các thương lái đến từ Cần Thơ hay Long Xuyên. Họ mua sáp ong về để làm đèn cầy”.


Niềm vui của người dân sống dưới tán rừng

Còn ông Hai Rớt (Nguyễn Văn Rớt, tập đoàn trưởng tập đoàn phong ngạn 2, xã Khánh Hòa, huyện U Minh) cho chúng tôi biết về bí quyết gác kèo ong mà ông đã tích lũy mấy chục năm qua. Theo lời ông Rớt, mùa vụ gác kèo ong phụ thuộc vào mùa hoa tràm. Hoa tràm hầu như trổ bông quanh năm nhưng bắt đầu nở rộ vào vào tháng 11 và tháng 12. Người đi “ăn ong” chỉ hoạt động thật sự từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, và chia làm ba vụ: vụ ong hạn từ tháng 1-3, vụ ong nước từ tháng 4-5 và vụ ong lỡ từ tháng 11-12 hằng năm.

Tảng sáng, lúc mặt trời con chưa ló rạng, sau khi đã chuẩn bị hết đồ nghề, nào là bình phun khói, lưới che mặt, bao tay, dao cắt, thùng chứa…, chúng tôi cùng ông Rớt và nhiều người dân phong ngạn khác bắt đầu tiến vào mé rừng, theo hướng của đàn ong. Ông Rớt khẳng định: Một tay “ăn ong” giỏi chỉ cần liếc mắt nhìn đàn ong bay qua là có thể biết tổ ong đó lớn đến cỡ nào, vì ong đi theo hướng gió. Chính vì vậy mà dân “ăn ong” cũng nhắm theo hướng gió mà đi.

Cuốc bộ giữa rừng tràm U Minh Hạ cùng ông Rớt gần 2 giờ đồng hồ, đến lúc đôi chân chúng tôi như rời ra thì ông Rớt bảo chúng tôi ngồi xuống cách tổ ong to đùng độ chừng 10m để quan sát ông tiến hành “ăn ong”.

Nhìn kỹ các công đoạn “ăn ong” của ông Rớt mới thấy hết kỹ thuật của người phong ngạn. Đầu tiên, ông Rớt thổi khói để khói bao phủ cả tổ ong, rồi sau đó dùng dao chặn giữa phần mật và phần tàng ong. Sau đó ông đưa dao cắt đường thứ nhất từ đầu kèo đi xuống và trước ra sau để tách rời phần tàng ong và khúc mật. Đường dao thứ hai cắt khúc mật ra khỏi tổ ong, đường cắt thứ ba cắt dọc theo thân kèo (nơi phần tổ ong gắn liền với kèo để tách hẳn phần mật ong ra khỏi thân kèo).


Lược mật ong trước khi thành phẩm

Rồi đến các công đoạn kiểm tra khác được ông Rớt thực hiện nhanh chóng trong khoảng thời gian chưa đầy 3 phút.

Thấy ông Rớt xách bình khói và chiến lợi phẩm vừa lấy được đi ra từ tàng ong, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đưa tay đang cầm bình khói hiện đại, ông Rớt cười nói: “Đây là “vũ khí” hiện đại mà dân phong ngạn chúng tôi vừa được Nhà nước hỗ trợ. Có cái bình khói này thì không phải lo đến chuyện cháy rừng trong lúc “ăn ong” bằng khói rơm, xơ dừa hay cỏ khô như trước nữa”.

Vừa bảo vệ rừng và làm giàu cho dân

Trao đổi với chúng tôi về cách thức để bảo vệ rừng trong Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, ông Lý Văn Nhạn cho biết: Thời gian gần đây, 37 hộ dân sống ở Tổ hợp tác sản xuất ấp Vồ Dơi (huyện Trần Văn Thời) và tập đoàn 19/5 (hay còn gọi là tập đoàn phong ngạn ở xã Nguyễn Phích thuộc huyện U Minh) đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ nguồn vốn gần 400 triệu đồng do Văn phòng UNESCO tài trợ. Mỗi hộ được tài trợ 1 bộ kèo, 1 bộ đồ bảo hộ lao động, một bình phun khói…tương đương số tiền là 6 triệu đồng/hộ.


Khu du lịch VQG U Minh Hạ nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009, với tổng diện tích 371.506 ha, nằm trên địa bàn hành chính 5 huyện là: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển. Được phân làm 3 khu chức năng: Vũng lõi có diện tích 17.329 ha; Vùng đệm với diện tích 43.309 ha và Vùng chuyển tiếp có diện tích là 310.868 ha.

“Cà Mau xác định khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có giá trị rất lớn về mọi mặt, như: giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn, giá trị bảo vệ môi trường… nên thời gian qua chính quyền và người dân địa phương đã làm những gì có thể để bảo vệ “lá phổi xanh” của thế giới này”, ông Lý Văn Nhạn khẳng định.

Đồng thời, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau cũng đứng ra tổ chức tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật gác kèo ong, cách “ăn ong” vừa bảo vệ được rừng vừa làm giàu cho gia đình. Để từng bước gắn kết nghề gác kèo ong với phát triển du lịch sinh thái. Ban quản lý tổ chức cho các đoàn khách tham quan đến với người dân để dã ngoại và thực nghiệm nghề “ăn ong”. Người dân sẽ hướng dẫn cho du khách cách “ăn ong”, sau đó, số mật ong thu được, du khách sẽ thu mua tại chỗ với giá cao.

Ông Lý Văn Nhạn khẳng định: “Với cách làm này vừa quảng bá cho du khách trong ngoài nước biết đến Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau vừa giới thiệu được nguồn mật ong thiên nhiên của rừng U Minh. Từ đó từng bước nâng cao đời sống cho người dân sống dưới tán rừng, nâng cao ý thức quản lý và bảo vệ rừng”.

Thực tiễn cho thấy, với cách làm này của ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã mang lại một hiệu quả thiết thực trong công tác phòng chống cháy rừng. Nơi nào có tập đoàn phong ngạn hoạt động là nơi đó công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện rất tốt. Vì nếu như họ không bảo vệ tốt rừng thì đồng nghĩa với việc mất mát tài sản và nguồn thu nhập quan trọng của họ. Minh chứng cụ thể cho cách làm này là việc tập đoàn phong ngạn 19/5 được thành lập từ năm 1984 đến nay nhưng chưa để xảy ra một vụ cháy rừng gây thiệt hại nào.

Ông Dư Văn Kiến, tập đoàn phó tập đoàn 19/5, cho biết: “Người dân ở đây sinh sống chủ yếu dựa vào tài nguyên dưới tán rừng nên từ lâu họ nặng nợ với rừng, việc bảo vệ rừng được mọi người ý thức rất cao, xem đó như là một việc làm để trả nợ rừng đã cưu mang và nuôi dưỡng mình”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm