| Hotline: 0983.970.780

Dành tỷ lệ nhất định cho chăn nuôi nông hộ

Thứ Bảy 10/08/2024 , 18:05 (GMT+7)

Trong quá trình phát triển ngành chăn nuôi Đồng Nai, chăn nuôi nông hộ đã thu hẹp khá nhiều, tuy nhiên, cần duy trì mô hình này ở một tỷ lệ nhất định.

Gà nuôi tại một nông hộ ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Phi.

Gà nuôi tại một nông hộ ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Phi.

Ủng hộ ngành chăn nuôi tỉnh nhà phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, quy mô lớn, song ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vẫn luôn trăn trở với chăn nuôi nông hộ. Bởi trong hàng chục năm qua, chăn nuôi nông hộ không chỉ đã góp phần cung ứng một sản lượng thịt không nhỏ ra thị trường mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Trong sự phát triển của chăn nuôi Đồng Nai, vai trò của chăn nuôi nông hộ đang liên tục giảm. Năm 2023, chăn nuôi quy mô trang trại chiếm trên 90% tổng đàn heo và gà ở Đồng Nai, chăn nuôi nông hộ chỉ còn chiếm chưa tới 10%.

Với tỷ trọng như trên, có thể thấy, các doanh nghiệp, trang trại ở Đồng Nai đang đóng vai trò chính trong việc đảm bảo nguồn cung thịt heo, thịt gia cầm cho thị trường. Chăn nuôi nông hộ chỉ còn đóng vai trò thứ yếu.

Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ vẫn đang có vai trò quan trọng về an sinh xã hội. Bởi những người hiện vẫn còn chăn nuôi nông hộ, đa số là những người đã quá tuổi lao động, đã về hưu hoặc đang trong độ tuổi lao động nhưng không thể vào các nhà máy để làm công nhân.

Hiện nay, các nhà máy thường chỉ tuyển công nhân ở lứa tuổi từ 18 đến gần 40 tuổi. Những lao động nông thôn tuổi từ 40 trở lên rất khó tìm được việc làm ở các nhà máy, khu công nghiệp. Do đó, nhiều người phải về quê mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau, trong đó có chăn nuôi nhỏ.

Như vậy, chăn nuôi nông hộ đang góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn, nhất là những người lớn tuổi, góp phần tạo ra hậu phương vững chắc cho nhiều gia đình có con em đang đi làm việc ở xa.

Một cơ sở chăn nuôi nông hộ ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Phi.

Một cơ sở chăn nuôi nông hộ ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Phi.

Ngay cả ở nhiều nước chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada…, trong khi chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn rất phát triển, thì vẫn đang duy trì các trang trại nhỏ dưới 300 heo nái. Chăn nuôi nhỏ thậm chí chiếm tới 60% tổng đàn chăn nuôi cả nước.

Ở những nước này, chăn nuôi nhỏ vẫn tồn tại được do sử dụng lao động trong gia đình cộng với việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, qua đó giúp chăn nuôi nhỏ giảm được giá thành, nâng cao năng suất để có hiệu quả kinh tế, kể cả khi có những biến động về giá cả sản phẩm chăn nuôi, giá vật tư đầu vào trên thị trường.

Những trang trại chăn nuôi nhỏ ở nhiều nước không chỉ tạo công ăn việc làm cho chính các gia đình nông dân, mà còn đóng vai trò về an ninh lương thực khi tạo ra một đối trọng nhất định khiến cho các công ty lớn không thể tùy tiện tăng giá.

Sự tồn tại của các trang trại nhỏ còn giúp cho các công ty lớn có thể đẩy mạnh liên kết hình thành một hệ thống nuôi gia công, qua đó, công ty thực hiện việc cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình kỹ thuật chăn nuôi … cho các trang trại nhỏ.

Tất nhiên, khi ngành chăn nuôi đang phát triển theo hướng hiện đại, bền vững thì chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ cũng bắt buộc phải tuân thủ nghiên túc quy hoạch của địa phương, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đáp ứng được các yêu cầu đó mới được phép tiếp tục tồn tại, còn những cơ sở không đáp ứng được thì phải ngưng hoạt động.

Xem thêm
Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.