| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề, giúp đỡ vốn cho người nghèo vươn lên

Chủ Nhật 05/11/2023 , 09:28 (GMT+7)

Để hỗ trợ người dân vùng khó khăn, tỉnh Bến Tre đang triển khai nhiều chính sách như cho vay vốn tạo việc làm, đào tạo nghề nông nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri được cho vay vốn và tập huấn kỹ thuật nuôi dê. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri được cho vay vốn và tập huấn kỹ thuật nuôi dê. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều chương trình hỗ trợ người dân nghèo vùng đặc biệt khó khăn

Đến năm 2022, tỉnh Bến Tre là địa phương còn nhiều xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (gọi chung là xã đặc biệt khó khăn). Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước còn 54 xã đặc biệt khó khăn tại 12 tỉnh thì riêng Bến Tre có đến 21 xã tại 4 huyện Ba Tri (9 xã), Thạnh Phú (8 xã), Bình Đại (3 xã) và Giồng Trôm (1 xã).

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, giảm nghèo bền vững luôn được địa phương quan tâm, nhất là tại xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm là một trong những giải pháp, hiệu quả thiết thực, thúc đẩy nhanh giảm nghèo bền vững. Đến cuối tháng 6/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre đã cho vay trên 286 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt gần 265 tỷ đồng với hơn 6.200 lượt người vay vốn.

Cùng với đó là chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Đoàn Hải Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Một trong những nội dung hoạt động trong dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn mà tỉnh Bến Tre quan tâm triển khai thực hiện là công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

“Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…”, ông Đoàn Hải Nam khẳng định.

Cho vay vốn và đào tạo nghề giúp giảm nghèo bền vững. Ảnh: Minh Đảm.

Cho vay vốn và đào tạo nghề giúp giảm nghèo bền vững. Ảnh: Minh Đảm.

Những chính sách trên đã tác động tích cực đến tình hình kinh tế xã hội chung của toàn tỉnh và đặc biệt đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các xã vùng đặc biệt khó khăn. Bảo Thạnh là xã bãi ngang thuộc huyện Ba Tri. Năm qua, nhờ được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ như chương trình cho vay vốn tạo việc làm; đề án sinh kế dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đào tạo nghề nông thôn…, địa phương đã có 52 hộ thoát nghèo và hàng chục hộ khác có thu nhập khá hơn. Đến nay, xã Bảo Thạnh còn 291 hộ nghèo (chiếm 9,53%) và 234 hộ cận nghèo (chiếm 7,5%). Năm nay, xã Bảo Thạnh đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 2%.

Ông Trịnh Hoàng Be, Phó Chủ tịch UBND xã nói, tất cả những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện thoát nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và được ngân hàng giải ngân; bên cạnh đó, được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề để tự tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo.

Theo chia sẻ của ông Trịnh Hoàng Be, năm nay, Bảo Thạnh có 181 hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn trên với tổng số tiền được vay là 7,4 tỷ đồng; 196 hộ cận nghèo được vay 8,6 tỷ đồng. Người dân vay vốn để chăn nuôi, mua bán nhỏ… Trong công tác đào tạo nghề, năm ngoái, xã cũng phối hợp ngành chức năng huyện mở 1 lớp may, 2 lớp nấu ăn và 1 lớp nuôi trồng thủy sản… Năm nay, tiếp tục mở 1 lớp đào tạo nghề nấu ăn.

Thời gian qua, Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm ở Bến Tre đã đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm cho trên 11.700 lao động, với hơn 11.690 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đến đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Bến Tre còn 3,5%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,66%.

Đào tạo nghề nông thôn giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông dân đã góp phần thay đổi nhận thức cho người dân trong phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất tại hộ gia đình. Ông Võ Tiến Sĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre nhận xét: “Từ thói quen lao động theo kinh nghiệm, giờ đây phần lớn người dân đã mạnh dạn làm ăn, áp dụng những kiến thức khoa học, hiểu biết thông qua các chương trình đào tạo nghề để đem lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ đem lại thu nhập cao hơn, nhiều gia đình đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn trước”.

Lớp đào tạo nghề nấu ăn do xã Bảo Thạnh phối hợp tổ chức. Ảnh: Minh Đảm.

Lớp đào tạo nghề nấu ăn do xã Bảo Thạnh phối hợp tổ chức. Ảnh: Minh Đảm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm (ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh) thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi và có ý chí vươn lên trong cuộc sống, ông Lâm tích cực tham gia lớp đào tạo nghề và tham quan học hỏi trong nghiệm trong chăn nuôi bò, dê. Ông kể, trước đây các cấp hội của địa phương đã tặng 15 triệu đồng để mua 5 con dê (3 nái, 2 tơ) và đào tạo 7 ngày về kỹ thuật nuôi dê…

Năm ngoái, thấy gia đình chưa đủ điều kiện thoát nghèo, Hội Nông dân xã tiếp tục tạo điều kiện cho ông tham gia chương trình mượn vốn xoay vòng với số tiền 20 triệu đồng. Số tiền này được dùng để mở rộng chuồng trại, đầu tư thêm dê giống chất lượng hơn. Nhờ đó, có thời điểm đàn dê phát triển được hơn 40 con. Đến thời điểm này, đàn dê của ông Lâm phát triển ổn định với hơn 10 dê cái sinh sản và 3 dê tơ. Đời sống của gia đình cũng đỡ hơn trước rất nhiều.

Công tác đào tạo nghề ở Bến Tre đã tạo được sự đồng thuận, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từng năm. Người lao động có thể tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Bà Phan Thị Duyên cùng ngụ ấp Thạnh Nghĩa chia sẻ cách đây 4 năm bà nghỉ việc tại một doanh nghiệp và về làm nội trợ, không có thu nhập. Được Hội Phụ nữ xã vận động, bà Duyên tham gia khóa sơ cấp nấu ăn 3 tháng. Lớp học miễn phí 100% học phí cho học viên. Mỗi tuần, bà đến trường 2 buổi vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Đến nay, sau 2 tháng học hỏi, bà Duyên vui mừng cho hay, lớp học rất phù hợp với những chị em có cùng hoàn cảnh. Bà dự tính sau khóa học sẽ mở quán ăn sáng để phục vụ bà con lao động cũng như phục vụ đám tiệc, du khách đến tham quan các khu di tích tại địa phương.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.