| Hotline: 0983.970.780

Cải cách & Phát triển

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ

Thứ Hai 20/11/2023 , 14:17 (GMT+7)

Để ngành NN-PTNT phát triển bền vững, cần những cơ chế, chính sách chiến lược, căn cơ, lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ phù hợp thực tiễn.

Chất lượng đầu vào thấp, số lượng giảm

Tại hội nghị khoa học về đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 18/11, các viện, trường, đơn vị đều cho rằng, thực trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ ngành NN-PTNT hiện nay, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu và yếu, cung không đủ cầu; nguồn nhân lực chưa qua đào tạo, tay nghề thấp.

Thực trạng tuyển sinh khối ngành nông nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn. Dù lực lượng lao động ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm.

Kết quả thống kê từ các trường của Bộ NN-PTNT đã chỉ ra, giai đoạn 2016 - 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học. Một số chuyên ngành như khoa học đất, nông hóa thổ nhưỡng, hay lĩnh vực thủy sản có khai thác, cơ khí… đều trong tình trạng khó tuyển sinh.

PGS.TS Phan Xuân Hảo, Phó trưởng ban Quản lý đào tạo, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

PGS.TS Phan Xuân Hảo, Phó trưởng ban Quản lý đào tạo, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo PGS.TS Phan Xuân Hảo, Phó trưởng ban Quản lý đào tạo (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam), tổng chỉ tiêu từ năm 2021 - 2023 trên toàn quốc, trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chính quy, liên thông tiếp tục giảm. Riêng các ngành môi trường, bảo vệ môi trường, đặc biệt là nông, lâm thủy sản giảm 0,86% (năm 2020, ngành nông lâm thủy sản giảm 44%, năm 2021 giảm 62%, đến năm 2022 giảm 49%. “Nếu Bộ, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp không quan tâm, quản lý, ưu đãi thì trong bối cảnh này, mức độ suy giảm ngày càng tăng”, PGS.TS Hảo nói.

Lý giải về nguyên nhân nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao ngành NN-PTNT đang suy giảm, PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chất lượng đầu vào của các trường hiện khó tuyển sinh. Riêng Đại học Thủy lợi tuyển sinh 4.000 - 5.000 sinh viên/năm nhưng sinh viên chuyên ngành thủy lợi lại chỉ tuyển được khoảng 200 - 300 sinh viên.

“Nếu không có giải pháp căn cơ và lâu dài, không có những chính sách vĩ mô của nhà nước thì 10 - 20 năm nữa lực lượng nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao của các viện sẽ rất khó khăn”, PGS.TS Hoằng nhận định.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản Nguyễn Văn Nguyên cũng nhìn nhận, các đơn vị đặc biệt là các viện, các địa phương có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thủy sản, tuy nhiên, người có chuyên môn hiện rất ít. Thực tế, khối ngành thủy sản chưa thu hút được người học, nhiều sinh viên học xong lại khó tìm được việc làm. Đặc biệt là lĩnh vực khai thác, khi ra trường hầu như đều khó tìm được việc làm nên không khuyến khích được người học.

Mặt khác, những chương trình đào tạo không phải chuyên môn như chính trị, quân sự… chiếm quá nhiều thời gian. Do đó, theo TS Nguyên, cần giảm tải những chương trình này, cũng như phải có thêm các chính sách để thu hút người học. Đặc biệt, vị trí việc làm sau khi ra trường cần rõ ràng hơn, có những chính sách thu hút, khuyến khích, sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hiệu quả.

“Hiện ngành thủy sản thu hút sinh viên chất lượng vừa phải, chưa thu hút được khối chất lượng cao. Đối với khung chương trình phải khắc phục nhược điểm thực tế. Tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các trường - viện - doanh nghiệp để tăng chất lượng giảng viên”, TS Nguyên nói.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Chảy máu chất xám”

Một trong những vấn đề “đau đầu” của lãnh đạo các đơn vị viện, trường thuộc khối nghiên cứu khoa học công lập ngành NN-PTNT hiện nay là tình trạng “chảy máu chất xám”, nhất là trong bối cảnh phải tự chủ về tài chính. 

Nêu thực tế tại đơn vị mình, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho rằng, thu nhập của cán bộ khoa học so với các ngành nghề khác thấp, nên không thu hút được người tài. “Mặc dù chúng tôi cũng rất cố gắng, làm thêm các dịch vụ hợp đồng để tăng thu nhập cho anh em, nhưng so với mặt bằng bên ngoài thì thấp. Cán bộ làm tốt, cố gắng lắm chúng ta mới trả 15-20 triệu đồng, nhưng các tổ chức quốc tế sẵn sàng trả 2.000USD/tháng, do đó khó để giữ được cán bộ chất lượng cao”, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nói.

Tương tự Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản Nguyễn Văn Nguyên cho biết, năm 2017 Viện có 140 người, nhưng hiện nay còn hơn 110 người. “Một cán bộ của chúng tôi với kinh nghiệm 10 năm, lương khoảng 6 triệu đồng, nhưng nếu ra bên ngoài thì 50 triệu đồng ngay lập tức.

Giải pháp nòng cốt nhất vẫn là làm sao có những bước nhảy vọt về thu nhập, đảm bảo đời sống. Có những sinh viên tài năng chúng tôi thu hút về, xoay xở lắm mới trả được 8 triệu đồng nhưng họ nói: “Em không thể sống được với mức lương ấy”. Đó là lý do mà nguồn nhân lực hiện có ngày càng teo tóp”, TS Nguyên nêu thực tế.

Tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), nếu như năm 2021, đơn vị có tổng số 2.623 người lao động, trong đó có 27 giáo sư, phó giáo sư, 263 tiến sĩ thì đến tháng 6/2023, VAAS có 1.964 người lao động, trong đó 17 giáo sư, phó giáo sư; 252 tiến sĩ.

Còn tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) đã có 94 người xin nghỉ, trong đó có trên 10 cán bộ học xong trình độ tiến sĩ ở nước ngoài nhưng không chịu về nước và xin nghỉ việc; 11 người đào tạo xong về nước nhưng làm việc “vật vờ” hoặc xin nghỉ không lương, chờ đến khi đủ thời gian thì nghỉ hẳn.

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chiến lược thu hút, phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao

Là một trong những đơn vị đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) đã có chiến lược rõ ràng, hướng đi thành công, phù hợp với xu thế. Từ đó, giúp VAFS đạt được những kết quả đáng kể trong bối cảnh khó khăn hiện nay như số lượng nhiệm vụ tăng 1,43 lần; nguồn kinh phí tăng 1,2 lần.

Đặc biệt, công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp VAFS có thể đứng vững trong cơ chế thị trường. Trong đó, ưu tiên đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học chuyên sâu. 5 năm qua, số cán bộ có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tại VAFS tăng 57,5%.

Để thực hiện tốt chủ trương gắn kết các nhà khoa học với các nhà sản xuất; cũng như tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, VAFS ký kết các chương trình hợp tác với UBND các tỉnh, các sở, chi cục, từ đó có thêm nhiều nguồn kinh phí, chuyển giao được các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.

“Có những tỉnh, một năm VAFS ký được hàng chục tỷ đồng. Đây là hướng đi thành công và là xu hướng mà VAFS tiếp tục mở rộng. Đặc biệt, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện để các cán bộ làm chủ nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ”, GS.TS Võ Đại Hải nói.

Trước các ý kiến đóng góp của các viện, trường, đơn vị, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, năm 2024, nguồn kinh phí nghiên cứu KHCN để chi cho việc trả lương thường xuyên cho 11 viện trực thuộc Bộ NN-PTNT tiếp tục giảm. Trong khi đó, mức lương cơ bản tăng, đây sẽ là gánh nặng cho những người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Ninh cho biết, về phía Bộ, tới đây cũng sẽ xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực KHCN, có những chế độ chính sách phù hợp để hỗ trợ nguồn nhân lực KHCN. Về phía Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, sẽ xây dựng lại quy định để góp phần công tác đào tạo nguồn nhân lực ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, để thay đổi một cơ chế chính sách không hề đơn giản.

Ngày 16/1/2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT đến năm 2030.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Xuân Ân, mục tiêu phát triển KHCN đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất chất lượng đạt hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và quốc tế gắn với nền NN-PTNT hiện đại; Xây dựng hệ thống các tổ chức KHCN nông nghiệp đủ tiềm lực, tạo ra các trường độ có luận cứ và các sản phẩm khoa học có giá trị công nghệ cao. Tiếp thu và chọn lọc làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm