Chú trọng sinh kế người dân
Lãnh đạo các địa phương trong vùng dự án là tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu đều bày tỏ sự phấn khởi. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nói: “Dự án hết sức cần thiết với Kiên Giang và các tỉnh lân cận, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, mang lại giá trị tích cực. Mấy năm qua, không những UBND mà Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Kiên Giang cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị sớm thực hiện”.
Vùng ảnh hưởng bởi dự án |
Niềm phấn khởi của các địa phương khá trọn vẹn khi quá trình tham vấn của Bộ NN-PTNT trong hơn một năm qua, nhiều kiến nghị của địa phương và các nhà khoa học về việc chú trọng đến cuộc sống của người dân trong vùng dự án đã được lắng nghe và ghi rõ trong quyết định phê duyệt đầu tư.
Đó là, bên cạnh hợp phần xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé; xây dựng đê nối hai cống với Quốc lộ 61 còn có hợp phần “Mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình”. Hai hợp phần xây cống và đê do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 làm chủ đầu tư. Còn hợp phần thứ ba do Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang làm chủ đầu tư trên địa bàn từng tỉnh. Lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 cho biết, hợp phần thứ ba có giá trị 50 tỷ đồng, lần đầu tiên được đặt ra trong một dự án thủy lợi chứ trước kia hầu như không có.
Hợp phần thứ ba tại tỉnh Kiên Giang có tên “Xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé”. Mục tiêu nhằm “Hỗ trợ phát triển việc áp dụng các mô hình sinh kế bền vững theo hướng sản xuất an toàn sinh học, phù hợp điều kiện thực tế cho người dân ở các huyện An Biên, Châu thành, Giồng Riềng, U Minh Thượng”. Nội dung gồm: “Đào tạo, nâng cao trình độ người dân vùng dự án trong việc tiếp cận khoa học công nghệ kỹ thuật mới ứng dụng cho các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Thí điểm trình diễn mô hình sinh kế để người dân áp dụng. Nhân rộng mô hình sinh kế”.
Sông Cái Bé và vị trí xây dựng cống Cái Bé |
Còn ở tỉnh Hậu Giang, hợp phần thứ ba có tên: “Xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn”. Mục tiêu là: “Xây dựng mô hình lúa – thủy sản (lúa hữu cơ và tôm sú; lúa hữu cơ và tôm càng xanh); mãng cầu – màu tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Xây dựng mô hình khóm – thủy sản (khóm và cá thát lát; khóm và cá nước lợ, nước ngọt) tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh”. Nội dung gồm: “Xây dựng hạ tầng thủy lợi: xây dựng trạm bơm điện, cải tạo hệ thống thủy lợi, san lấp mặt bằng. Xây dựng mô hình: tham quan, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhân rộng mô hình sinh kế”.
Mục tiêu và quy mô dự án
Theo quyết định đầu tư, dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 xây dựng ở tỉnh Kiên Giang. Diện tích đất sử dụng vĩnh viễn 54,54ha (có 21,12ha lòng kênh cũ). Tổng mức đầu tư 3.309.500.000.000 đồng; trong đó, chi phí xây dựng 2.144.838.000.000 đồng, thiết bị 223.566.000.000 đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng 133.746.000.000 đồng và các chi phí khác. Nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ do Bộ NN-PTNT quản lý.
Nhìn về vị trí xây dựng cống Cái Lớn |
GS.TSKH - Anh hùng Lao động Nguyễn Ân Niên cho rằng: “Mọi tác động của con người vào tự nhiên đề mưu cầu lợi ích đều có mặt tốt và mặt xấu, chúng ta lựa chọn dự án nào mặt tốt lớn gấp nhiều lần mặt xấu và Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I là sự lựa chọn như vậy”. |
Dự án có 4 nhiệm vụ chính. Một là, kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuât ốn định, bền vững các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi rộng 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản 346.241ha. Hai là, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô. Ba là, góp phần cấp nước ngọt cho vùng sản xuất mặn - ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; tiêu thoát trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biến dâng. Bốn là, kết hợp phát triên cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT ngày 18/12/2018 cho biết, cống Cái Lớn xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, rộng 470m với 11 khoang cống 40m và 2 âu thuyền rộng 15m, chiều dài âu 130m, đi theo 2 chiều ngược nhau. Cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, rộng 85m với 2 khoang 35m và âu thuyền rộng 15m.
Tuyến đê nối từ cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61 dài 5,843km, mặt đê rộng 9m. Trên tuyến đê có 3 cầu và 8 cống ngầm. Các hạng mục phụ trợ có cầu giao thông trên cống, hệ thống cung cấp điện, thiết bị quan trắc, kè bảo vệ công trình và bờ sông,.
Bộ TN-MT yêu cầu xây dựng chế độ vận hành (đóng/mở) cống, điều chỉnh chế độ vận hành để giảm tác động dòng chảy và môi trường, đa dạng sinh học. Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc và giám sát tự động nhằm đánh giá kịp thời diễn biến môi trường, chất lượng nguồn nước; tổ chức quan trắc, giám sát tự động liên tục trong giai đoạn thi công và định kỳ trong giai đoạn vận hành về chất lượng nước. Các thông số giám sát là DO, TSS, độ mặn, pH... tại những điểm đã xác định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (bắt buộc phải có ranh giới mặn - ngọt; mặn - lợ; ngọt - lợ); giám sát đa dạng sinh học tương ứng (động vật đáy, động vật có tập tính di cư theo mùa) đặc biệt chú ý trong thời gian đóng/mở cống.
Thời gian thực hiện dự án theo quyết định phê duyệt đầu tư, hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 Lê Hồng Linh cho biết, sau khi dự án được phê duyệt đầu tư, phải thực hiện rất nhiều công việc để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm 2019. Đó là tổ chức thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn tư vấn, đấu thầu thi công. “Việc đầu tư xây dựng cũng có thuận lợi lớn là được Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo sát sao, được chính quyền và người dân trong vùng dự án ủng hộ”, ông Linh nói.
Hội đồng Thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có 22 thành viên, đông nhất trong các dự án thủy lợi ở ĐBSCL trước nay. Hôm 3/11/2018, Hội đồng họp lần cuối sau rất nhiều cuộc họp góp ý hoàn thiện dự án, ngoài thành viên Hội đồng còn có Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng và khách mời là GS Nguyễn Ngọc Trân, đã bỏ phiếu nhất trí 100% thông qua Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, đề nghị đầu tư dự án. |