| Hotline: 0983.970.780

Đất đá theo anh cả cuộc đời

Thứ Sáu 18/11/2011 , 11:00 (GMT+7)

GS.TSKH Nguyễn Văn Thơ là một chuyên gia đầu ngành về cơ học đất...

GS Nguyễn Văn Thơ: "Tôi về hưu rồi nhưng chưa thảnh thơi đâu"

GS.TSKH Nguyễn Văn Thơ là một chuyên gia đầu ngành về cơ học đất. Không những đã để lại dấu ấn với các đề tài nghiên cứu về xây dựng công trình trên nền đất yếu, ông còn góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nên nhiều nhà khoa học giỏi về chuyên môn cho các ngành thủy lợi, giao thông.

"Nhà giáo không chính ngạch"

Khi tôi đến thăm, GS Nguyễn Văn Thơ đang ung dung ngồi đọc báo trên ghế đá trước cửa nhà. Trên mặt bàn đá, có một hộp quà khá đẹp. Thấy tôi nhìn hộp quà, ông khoe "Quà 20 tháng 11 của học trò đấy. Cậu ấy là Phó Giáo sư Trường Đại học Bách khoa TP HCM”.

Người học trò ấy là 1 trong 18 tiến sỹ mà GS Nguyễn Văn Thơ đã đào tạo nên. Ngoài ra, ông cũng đã từng hướng dẫn thành công luận án cho trên 50 thạc sỹ và là người thày đáng kính cả về tài năng lẫn đạo đức của hàng ngàn kỹ sư. Thành tích đào tạo ấy, quả thực rất đáng nể, nhất là với một người luôn tự nhận mình là nhà giáo không chính ngạch, như ông.

Thủy lợi không phải là lựa chọn nghề nghiệp ban đầu của GS Nguyễn Văn Thơ, cả công việc dạy học cũng vậy. Ngày trẻ, ông học toán rất giỏi. Vì thế, ông đã thi đậu vào Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng vì là học sinh miền Nam (ông quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi), ông lại được yêu cầu sang học bên ngành thủy lợi ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian đầu, ông không thấy thích ngành thủy lợi chút nào. Nhưng càng học, ông càng nhận ra thủy lợi có rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, giải quyết. Dần dà, trong ông đã hình thành sự say mê với thủy lợi, cái ngành mà rồi đây ông sẽ gắn bó và cống hiến suốt cả cuộc đời.

Nghề dạy học cũng đến với ông một cách tình cờ. Ngày ấy, do thiếu giáo viên đại học, một số sinh viên giỏi năm thứ 3, trong đó có Nguyễn Văn Thơ, đã được nhà trường chọn ra và cử đi giảng bài tập về sức bền vật liệu cho các sinh viên năm thứ 2. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường muốn giữ ông lại làm giảng viên, nhưng lúc ấy, ông muốn được đi vào thực tế sản xuất hơn là đứng trên bục giảng, nên đã xin về Bộ Thủy lợi.

Nhưng rồi, như có một mối “duyên tiền định” nào đó với nghề dạy học, khi đã là người của Bộ Thủy lợi, Nguyễn Văn Thơ lại được cử về… giảng dạy ở Học viện Thủy lợi Điện lực. Năm 1971, Nguyễn Văn Thơ được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh Kandidat mà trước đây ở Việt Nam gọi là Phó tiến sỹ. Chương trình làm luận án là 4 năm, nhưng chỉ trong vòng 3 năm, ông đã hoàn thành và bảo vệ thành công học vị Kandidat.

Bài luận của ông xuất sắc tới mức sau đó đã được Liên Xô đưa vào giáo trình giảng dạy và được in trong một cuốn sách về khoa học bằng tiếng Nga, xuất bản năm 1977. Nhớ lại chuyện đó, gương mặt ông lại ánh lên niềm vui: “Mình chẳng biết là bài luận đó được in trong sách bên Nga. Tới khi được một người bạn là ông Nguyễn Công Mãn báo tin, tôi mới vội ra chỗ bán sách ngoại văn để tìm mua cuốn sách đó mà không được. Cuối cùng phải xin ông Mãn tặng lại cuốn sách đó cho mình để giữ làm kỷ niệm”.

Không những thế, ông còn được Liên Xô đề nghị Chính phủ Việt Nam cho làm luận án doktor nauk (tương đương với học vị tiến sỹ khoa học ở nước ta hiện nay). Tuy nhiên, sang năm 1975, đất nước được thống nhất, ông đã trở về nước rồi vào công tác ở Phân viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi Miền Nam (mãi tới cuối năm 1984, Nguyễn Văn Thơ mới lại được cử sang Liên Xô để làm luận án tiến sỹ khoa học, và bảo vệ thành công 2 năm sau đó). Tại đây, ngoài việc tham gia các công trình thủy lợi, thủy điện lớn như Dầu Tiếng, Trị An…, ông đã mạnh dạn lên Tây Nguyên nghiên cứu về việc dùng đất đỏ bazan để đắp đập làm hồ thủy lợi.

Bồi dưỡng đội ngũ kế cận

Từ quá trình nghiên cứu, giảng dạy và đi thực tế, GS Nguyễn Văn Thơ đã nghiệm ra rằng để thành công trong lĩnh vực khoa học, nhất là khoa học ứng dụng, người nghiên cứu khoa học phải hội đủ 3 yếu tố: say mê nghiên cứu khoa học, tích cực đào tạo đội ngũ kế cận và đi vào thực tiễn phục vụ sản xuất. Ông bảo, anh say mê nghiên cứu khoa học, nhưng nếu chỉ làm một mình thì không thể thành công được. Do đó, anh phải nỗ lực đào tạo ra đội ngũ những người kế cận. Và anh phải đi vào thực tiễn sản xuất để phát hiện ra những khó khăn, trở ngại trong sản xuất, qua đó có những nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tế.

Với phương châm ấy, suốt từ năm 1977 đến nay, dù liên tục bận rộn với việc nghiên cứu về xây dựng công trình trên các nền đất yếu, rồi các công trình thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ từ Bắc tới Nam, GS Nguyễn Văn Thơ đã không ngừng tham gia vào việc đào tạo nên đội ngũ các nhà khoa học thủy lợi, các chuyên gia về xử lý nền móng, đê đập ở nước ta, đồng thời làm giáo viên thỉnh giảng ở nhiều trường đại học. Điều đáng nói là tất cả các luận văn tiến sỹ do ông hướng dẫn đều xuất phát từ những vấn đề cần giải quyết trong xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông… ở nước ta, do đó đều có giá trị ứng dụng cao.

Xem qua những luận án tiến sỹ do ông hướng dẫn, có thể thấy ngay được điều này. Chẳng hạn đề tài nghiên cứu về việc sử dụng đất sét có tính trương nở - co ngót để đắp đập trong điều kiện nhiệt đới ẩm ở Việt Nam của Trần Thị Thanh, hay đề tài xây dựng đập đất vùng miền Trung với đất có tính chất đặc biệt của Lê Xuân Roanh …

Vừa rồi, trong lễ kỷ niệm 50 năm lớp Thủy lợi khóa 3 ĐH Bách khoa Hà Nội, các thành viên trong lớp đều được khắc họa chân dung, sự nghiệp bằng 4 câu thơ. GS Nguyễn Văn Thơ cũng vậy. Nhắc tới chuyện này, ông hào hứng lấy ra một cuốn kỷ yếu in những bài thơ đó, đọc cho tôi nghe bài thơ viết về ông:

Đất đá theo anh cả cuộc đời

Dấu chân tiến sỹ khắp nơi nơi

Dốc bao công sức cho sự nghiệp

Cuộc sống tuổi già có thảnh thơi?

Đọc xong ông cười, bảo: “Tôi đã về hưu lâu rồi, nhưng chưa thảnh thơi đâu. Vẫn làm việc hàng ngày, vẫn thường xuyên đi công trình, viết sách và hướng dẫn các luận án tiến sỹ”. Vậy là sau 18 vị tiến sỹ đã thành danh, “nhà giáo không chính ngạch” Nguyễn Văn Thơ vẫn đang tiếp tục đào tạo cho ngành thủy lợi, giao thông nước nhà những chuyên gia thực thụ.

Bằng chứng là ở một góc bàn làm việc của ông đang có một luận án tiến sỹ của một nghiên cứu sinh Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nghiên cứu về tính ổn định và biến dạng của nền đất yếu dưới nền đường ô tô ngập lũ ở ĐBSCL. Lại là một đề tài xuất phát từ thực tế như trong phương châm nghiên cứu khoa học mà GS Nguyễn Văn Thơ đã miệt mài đeo đuổi suốt mấy chục năm qua.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm