| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn nhà đầu tư Nhật Bản tại Bình Định

Thứ Hai 17/07/2023 , 22:20 (GMT+7)

Sau 10 năm thiết lập mối quan hệ mật thiết, đến nay, trên địa bàn Bình Định, nhà đầu tư Nhật Bản đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên lĩnh vực nông nghiệp…

Bình Định đất lành

Trong thời gian qua, bằng sự nỗ lực của 2 nước Việt - Nhật cùng với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, các Tổng lãnh sự quán tại Nhật Bản và Việt Nam, các hội hữu nghị Nhật - Việt, tỉnh Bình Định đã kết nối và thiết lập được các mối quan hệ hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư với nhiều địa phương, doanh nghiệp, đối tác quan trọng đến từ Nhật Bản.

Đặc biệt là từ năm 2013, Bình Định đã thiết lập mối quan hệ mật thiết với thành phố Sakai và vùng Kansai; ký kết và triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực với chính quyền thành phố Izumisano, phủ Osaka từ năm 2019.

Theo đó, nhiều chương trình, dự án thiết thực đã được triển khai tại Bình Định, trong đó có nhiều dấu ấn về nông nghiệp.

Ví như chương trình hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương; hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc cây hoa anh đào Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư, hoạt động tại Bình Định trên các lĩnh vực chế biến lâm sản, thủy sản…

Đến nay, đã có 19 dự án của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Định với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 97 triệu USD, chiếm 22% tổng số dự án FDI của Bình Định.

Năm 2015, Hội hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai đã triển khai dự án chuyển giao kỹ thuật, ngư cụ hiện đại trong hoạt động khai thác thủy sản cho ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2015, Hội hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai đã triển khai dự án chuyển giao kỹ thuật, ngư cụ hiện đại trong hoạt động khai thác thủy sản cho ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Kato Hirosuke, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai, với vai trò cầu nối, Hội hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai tiếp tục hỗ trợ để Bình Định tiếp cận với các nhà đầu tư Nhật Bản đối với các lĩnh vực mà Bình Định có tiềm năng, thế mạnh và có nhu cầu.

Chỉ sau 4 năm thành lập Hội hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai, vào năm 2015, Hội đã triển khai dự án chuyển giao kỹ thuật, ngư cụ hiện đại trong hoạt động khai thác thủy sản, nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho ngư dân Bình Định.

Năm 2019, Hội hữu nghị tiếp tục phối hợp chuyển giao kỹ thuật, công nghệ như máy tạo xung tuna shocker, hầm bảo quản cá ngừ bằng công nghệ nano, giúp ngư dân Bình Định áp dụng thành công trong việc khai thác và bảo quản cá ngừ đại dương.

Cũng theo ông Kato Hirosuke, ngoài các dự án đang được chuyển giao kỹ thuật, Hội đang triển khai tại Bình Định nhiều dự án khác thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Dự án phát triển hoa anh đào Nhật Bản tại Khu du lịch sinh thái Vĩnh Sơn thuộc xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), dự án đầu tư xây dựng Trung tâm cá Koi Nhật Bản - Bình Định…

Cây hoa anh đào Nhật Bản đang được Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Cây hoa anh đào Nhật Bản đang được Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Còn theo nhận định của ông Takimoto Jo, đại diện Công ty Marubeni Lumber Việt Nam tại Bình Định, tỉnh này có nhiều thuận lợi trong phát triển ngành chế biến gỗ, nhờ có nguồn nguyên liệu gỗ rất dồi dào. Từ khảo sát nguồn nguyên liệu, Công ty Marubeni Lumber Việt Nam đã chọn Bình Định làm nơi dừng chân.

Hiện nay, tại Việt Nam, cả phía Bắc lẫn phía Nam đều đang gặp khó khăn trong các vấn đề như chi phí để thuê mặt bằng, giá dịch vụ, thiếu hụt lao động… Riêng ở Bình Định, Công ty Marubeni Lumber Việt Nam không phải đối mặt với tình trạng này.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, về chế biến gỗ thì đầu tư vào Bình Định là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Bởi, Bình Định có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng rất dồi dào.

Bên cạnh đó, Bình Định là cửa ngõ kết nối giữa vùng Nam Trung bộ với các tỉnh Tây Nguyên, việc có thêm vùng nguyên liệu ngoài tỉnh trở thành một lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực này.

“Chúng tôi biết mặt hàng nội thất mà phía Nhật Bản đang nhập từ Việt Nam hầu hết là được sản xuất từ gỗ rừng trồng, phần lớn là gỗ cao su. Tây Nguyên là vùng phát triển cao su lớn, việc đầu tư ở Bình Định để sử dụng vùng nguyên liệu gỗ cao su từ Tây Nguyên chuyển về Bình Định qua quốc lộ 19 là phù hợp”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Bình Định có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng rất dồi dào nên là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng rất dồi dào nên là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản. Ảnh: V.Đ.T.

Chính quyền thân thiện

Ông Kosaburo Kimura, Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định khẳng định, chính quyền tỉnh Bình Định hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Công ty TNHH Mãi Tín là doanh nghiệp chuyên gia công thủy hải sản. Sở dĩ công ty này chọn Bình Định để đầu tư nhà máy vì địa phương này có nhiều lợi thế, đặc biệt là trữ lượng cá khai thác đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất của công ty. Sau khi đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH Mãi Tín tìm nơi để mở thêm nhà máy mới, trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư, công ty đã nhận được nhiều hỗ trợ của chính quyền trong việc thành lập công ty.

Ông Kosaburo Kimura khẳng định, trong lĩnh vực gia công thủy hải sản, Công ty Mãi Tín Bình Định đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Sở NN-PTNT Bình Định trong việc nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao kỹ thuật triển khai chuỗi liên kết khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương.

“Ngoài cá ngừ, chúng tôi đang nghiên cứu thêm các loại cá phù hợp để làm sashimi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay, Công ty Mãi Tín Bình Định đang hợp tác với Sở NN-PTNT Bình Định và Trường Đại học Quy Nhơn nghiên cứu biến chất thải trong sản xuất thành các sản phẩm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường”, ông Kosaburo Kimura, Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất