Ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav, trao đổi về các nội dung, hoạt động hợp tác chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ tới đây và hợp tác nông nghiệp trong thời gian tới.
Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh Bộ NN-PTNT, Cơ quan chủ trì Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ đang triển khai tìm các giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Năm 2022, Bộ NN-PTNT đã tổ chức 3 đoàn sang Mông Cổ gồm đoàn công tác do Thứ trưởng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ Trần Thanh Nam dẫn đầu từ ngày 22-25/6/2022 tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp, rà soát hợp tác chuẩn bị Kỳ họp lần thứ 18 UBLCP; Đoàn tham dự Kỳ họp UBLCP lần thứ 18 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu tại Mông Cổ từ ngày 13-16/9/2022; và Đoàn thanh tra chuyên ngành thú y sang Mông Cổ từ ngày 16-22/10/2022 để kiểm tra tình hình chăn nuôi, dịch bệnh; điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất thịt dê, cừu của Mông Cổ nhằm hoàn tất quá trình đánh giá nguy cơ nhập khẩu các sản phẩm này từ Mông Cổ vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Mông Cổ đang chuẩn bị nhiều hoạt động để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954-17/11/2024).
Theo Đại sứ Jigjee Sereejav, phía Mông Cổ cũng mong muốn mở rộng hợp tác giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Giới thiệu về tiềm năng sản phẩm chăn nuôi của Mông Cổ, Đại sứ cho biết, từ tháng 6 năm nay, các sản phẩm nông sản và thịt gia súc của Mông Cổ đã được xuất đi nhiều nước. Ví dụ, thịt ngựa được xuất sang thị trường Nhật Bản, thịt cừu sang thị trường Ai Cập, và dê nguyên con sang thị trường Trung Quốc. Mông Cổ cũng đang nhập khẩu sản phẩm thịt gà của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, việc xúc tiến đưa sản phẩm thịt dê và cừu của Mông Cổ sang Việt Nam vẫn còn vướng mắc, Đại sứ đề xuất cơ quan thú y hai bên hợp tác làm việc để mở đường cho Mông Cổ xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi này sang Việt Nam được thuận lợi.
Đại sứ đề xuất phía Bộ và các cơ quan liên quan tạo điều kiện để thống nhất giấy chứng nhận thú y của hai nước để tạo cơ sở cho doanh nghiệp hai bên xúc tiến thương mại. Ngoài ra phía Mông Cổ cũng mong muốn có thể hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thú y, vacxin và chăn nuôi.
Đại sứ Jigjee Sereejav thông tin, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt 75 triệu USD, 6 tháng đầu năm nay đạt 65 triệu USD. Với tín hiệu tích cực này, kim ngạch thương mại giữa hai bên trong năm nay được kỳ vọng đạt mức 100 triệu USD.
Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đồng ý rằng kim ngạch hợp tác giữa hai bên có thể phát triển hơn nữa nhờ đẩy mạnh hợp tác về nông sản và du lịch.
Về vướng mắc trong xuất khẩu thịt dê, cừu từ Mông Cổ sang Việt Nam, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long thông tin, năm 2017, Việt Nam đã chấp nhận cho Mông Cổ xuất khẩu thịt dê, cừu chế biến sang Việt Nam, song đến thời điểm này phía Cục Thú y chưa nhận được đơn đăng ký của doanh nghiệp Mông Cổ xuất khẩu sản phẩm này.
Về xuất khẩu thịt dê, cừu đông lạnh sang Việt Nam, qua nhiều cuộc trao đổi trực tiếp, gián tiếp, phía Cục Thú y đã hỗ trợ Mông Cổ hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Việt Nam và quốc tế. Năm 2022, Cục Thú y đã cử đoàn công tác sang Mông Cổ tiến hành kiểm tra thực tế, phối hợp xác định biện pháp kỹ thuật để xuất khẩu hai loại thịt này sang Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, bên Mông Cổ vẫn còn dịch bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả loài nhai lại nhỏ trên dê, cừu. Từ đó, không đảm bảo cho việc xuất khẩu.
Để giải quyết vấn đề này, ông Long đề xuất thiết lập vùng an toàn dịch bệnh với hai bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả loài nhai lại nhỏ tại Mông Cổ, với sự phối hợp của Cục Thú y, Bộ NN-PTNT.
Nhất trí với ý kiến này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng đây là một giải pháp để nhanh chóng giải quyết vấn đề xuất khẩu thịt dê, cừu đông lạnh sang Việt Nam, theo nguyện vọng của phía Mông Cổ từ nhiều năm nay.