Chú trọng sản phẩm OCOP thế mạnh
Nhằm phát huy thế mạnh địa phương cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) luôn chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, đối với mô hình gà Tiên Yên, hiện toàn huyện có 24 trang trại tổng hợp theo mô hình VietGAP. Năm 2021, số lượng đàn gà Tiên Yên thương phẩm đạt gần 500.000 con (tăng 2,5 lần so với năm 2015). Song song với đó, huyện cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tập trung phát triển cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên với 3 cơ sở sản xuất, quy mô 6.000 con gà sinh sản, khả năng cung cấp khoảng 700.000 con giống/năm. Hiện gà Tiên Yên đang là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Hoàng Văn Cường (xã Đông Ngũ) chia sẻ, được huyện khuyến khích, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi giống gà Tiên Yên thả đồi với số lượng trên 2.000 con. Những năm qua, thương hiệu gà Tiên Yên được người tiêu dùng ưa chuộng nên gà xuất bán đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, đã cho gia đình ông nguồn thu nhập cao và ổn định.
Thời gian tới, huyện Tiên Yên tiếp tục tái cấu trúc ngành nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, tạo bước đột phá phát triển, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Đây là nền tảng vững chắc, thúc đẩy phát triển thế mạnh của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung trên địa bàn.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm thế mạnh là cách mà huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đang thực hiện để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động KT-XH trên địa bàn huyện Ba Chẽ đều chịu tác động lớn, trong đó có việc duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, bởi phần nhiều các doanh nghiệp ở địa phương quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao.
Ba Chẽ hiện có 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao (trà hoa vàng khô) cùng 4 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm có sức tiêu thụ, cạnh tranh còn kém. Số sản phẩm có tiếng, tiêu thụ tốt như trà hoa vàng khô là không nhiều.
Vì vậy, huyện đang tập trung các nguồn lực hoàn chỉnh Dự án nâng cấp sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ theo hướng liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm một cách bài bản quy mô. Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã tập trung nâng năng lực sản xuất qua đầu tư công nghệ, trang sắm thêm máy sấy công nghệ cao và thiết bị phụ trợ để đạt tổng công suất 10 tấn hoa tươi/vụ 3 tháng thu hoạch, xây kho bảo quản 100m3 bảo quản được 1,5 tấn hoa khô ở nhiệt độ 4-8 độ C. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nâng cấp sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ Golden Camellia qua đầu tư hộp thủy tinh, thiết kế mới, tuyển lựa hoa đẹp, chất lượng.
86 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định cấp chứng nhận đạt sao năm 2021 đối với 86 sản phẩm OCOP. Trong đó có 22 sản phẩm đạt 3 sao, 64 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm đủ điểm 5 sao để tham gia dự thi cấp quốc gia.
Trước đó, từ ngày 22/11 đến 25/12/2021, Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Tham gia đánh giá có 100 sản phẩm được lựa chọn từ các cuộc thi cấp huyện. Qua 2 vòng đánh giá, Hội đồng đã thống nhất chọn ra 86 sản phẩm của 51 chủ thể sản xuất trình UBND tỉnh cấp chứng nhận đạt sao.
Đây là năm thứ 6 Quảng Ninh tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong 100 hồ sơ dự đánh giá năm nay có 23 hồ sơ sản phẩm đánh giá lại sau 3 năm, 75 hồ sơ dự thi mới. Về nhóm ngành: Có 69,3% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 15,3% sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 13,2% sản phẩm thuộc nhóm thảo dược; 1% sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm- nội thất- trang trí; 1% sản phẩm thuộc nhóm du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Hầu hết các hồ sơ sản phẩm đều tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh về việc lập hồ sơ dự thi với các minh chứng chính như phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm; giới thiệu về tổ chức; giấy đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; giấy kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; hồ sơ tự công bố theo Nghị định 15 của Chính phủ; tiêu chuẩn cơ sở; cam kết bảo vệ môi trường; câu chuyện sản phẩm.
Ngoài ra để có điểm cao, các sản phẩm còn có minh chứng các hợp đồng thu mua nguyên liệu địa phương; hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; các chứng nhận về mã số mã vạch; chứng nhận sở hữu trí tuệ; chứng nhận điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như: ISO, GMP, HACCP, VietGAP...
Có thể nói việc tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP hằng năm đã góp phần tìm chọn ra các sản phẩm thực sự chất lượng, đảm bảo các tiêu chí và điều kiện an toàn để cung cấp ra thị trường. Qua đó ngày càng khẳng định uy tín và thương hiệu của Chương trình OCOP.
Tăng tốc kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP
Trong bối cảnh các hoạt động KT-XH đang dần mở, hồi phục, việc thúc đẩy, tăng tốc kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông thủy sản sao cho hiệu quả cũng là vấn đề đang được các cơ quan chức năng quan tâm.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP bị ảnh hưởng thời gian qua. Nhiều sự kiện xúc tiến, tiêu thụ cũng bị hạn chế, hủy bỏ. Điều này tác động lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất sản phẩm OCOP.
Ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương (Sở Công Thương) chia sẻ, trong tình hình mới, các doanh nghiệp đang dần thích nghi. Sở cũng định hướng thúc đẩy, tăng tốc kết nối cung cầu, mở rộng thị trường sản phẩm OCOP trong điều kiện các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, dần làm quen với phương án phòng chống dịch Covid-19.
Cũng theo ông Khá, việc mở cửa, dần bình thường hóa cũng là cơ hội để tăng tốc các hoạt động KT-XH. Theo đó, sẽ ưu tiên tập trung vào tiêu thụ, xúc tiến quảng bá các nông sản, sản phẩm OCOP, tiếp tục gắn tiêu thụ, quảng bá với du lịch đang dần hồi phục. Đặc biệt khi có sự kiện lớn như SEA Games năm 2022 ở Quảng Ninh.
Đáng chú ý, thị trường trong tỉnh và trong nước vẫn được xác định là trọng tâm. Bởi các sản phẩm OCOP, nông thủy sản vốn mới khởi động, chưa thực sự trơn tru, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiêu thụ, tìm kiếm thị trường tốt nhất cho sản phẩm, nông thủy sản vẫn tồn đọng.
Có thể thấy, hoạt động này thể hiện rõ hiệu quả năm qua, đơn cử, nhờ kết nối tiêu thụ dịp cuối năm 2021, việc tiêu thụ cá song, ngao, hàu ở các vùng nuôi Vân Đồn, Quảng Yên với các đơn vị ngành than, nhiệt điện, xổ số... đã giúp giải quyết vấn đề cung - cầu, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục các hoạt động thương mại, xúc tiến qua các hội chợ, phiên chợ vẫn được coi là một kênh quan trọng để tiêu thụ, duy trì sản xuất. Ngoài các hội chợ thường niên như Tuần OCOP, hội chợ OCOP theo mùa, sẽ gắn sự kiện xúc tiến này với các ngày lễ, sự kiện lớn trong năm.
Ngoài ra, thương mại điện tử, chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP, tăng sức quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường vẫn được ưu tiên thực hiện mạnh mẽ... Đó là các phiên chợ online, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc tăng tốc tiêu thụ, quảng bá cũng cần đồng hành với việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm cam kết, việc tổ chức đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 để phát triển bền vững.