Trong 2 năm qua bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ở ĐBSCL nông dân sản xuất lúa liên tiếp trúng mùa.Thị trường tiêu thụ lúa gạo thông thương, giá tốt, nông dân làm lúa có lời.
Tuy quá trình xây dựng CÐL tại một số địa phương tốc độ đang chậm lại do nhiều lý do, nhưng hiện vẫn có các doanh nghiệp tích cực, bền bỉ liên kết cùng nông dân sản xuất lúa trên CĐL. Trong số các doanh nghiệp dẫn đầu, có Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Nông nghiệp cao Trung An nhân rộng mô hình CĐL lên hàng chục ngàn ha lúa ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, TP Cần Thơ.
Theo Cục Trồng trọt, đến vụ lúa đông xuân 2020-2021 vừa qua, diện tích sản xuất lúa theo mô hình CĐL ở ĐBSCL có khoảng 160.000 ha, giảm 10.000 ha so với vụ đông xuân 2019-2020. Nếu tính thêm diện tích bao tiêu sản phẩm bên ngoài cùng với CĐL đạt 190.000 ha.
Tuy CĐL vẫn duy trì, diện tích mỗi vụ ổn định theo sự hợp tác với doanh nghiệp (DN), nhưng còn chiếm tỉ lệ thấp so diện tích sản xuất lúa toàn vùng. Những vùng sản xuất lúa có liên kết với DN bao tiêu, thu mua thì hiệu quả gia tăng rõ rệt. Theo tính toán mỗi ha lúa sản xuất trên CĐL giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng tăng từ 20 đến 25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha.
Qua 10 năm, kể từ tháng 3/2011, Bộ NN-PTNT chính thức phát động phát triển CĐL theo xu hướng liên kết, DN bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Khởi đầu từ vụ hè thu 2011 ở ĐBSCL có hai tỉnh An Giang, Bến Tre thực hiện CĐL khoảng 8.000 ha với 6.400 hộ nông dân tham gia. Phong trào CĐL có những năm phát triển mạnh ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, SócTrăng và TP Cần Thơ.
Thực tiễn đã chứng minh CÐL phá thuy hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đồng nhất với sản lượng lớn, mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất. Tuy vậy, quá trình thực hiện CÐL hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần có sự tháo gỡ của ngành chức năng và địa phương.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: Quá trình liên kết sản xuất lúa trên CĐL hiện còn một số khó khăn, tồn tại. Do sản lượng lúa thu hoạch đồng loạt tập trung lớn. Nông dân bán lúa tươi nên các DN gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy và kho tàng tồn trữ nên lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4-5 ngày công ty mới thu gom hết.
Mặt khác, trong liên kết giữa nông dân và DN tuy có hợp đồng thu mua nhưng vẫn xảy ra trường hợp DN thu mua không kịp thì nông dân bán ra thương lái bên ngoài (do có thời điểm biến động giá cả). Qua đó cho thấy vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý khi giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà. Đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa được rõ ràng.
Theo ông Tùng, để tổ chức sản xuất, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với DN cần phát huy vai trò của ban quản lý các HTX, tổ hợp tác, đồng thời yêu cầu các thành viên của mô hình sản xuất thực hiện nghiêm túc hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi đã ký kết.
Trong 3 năm qua, Bộ NN-PTNT xây dựng, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, hình thành những vùng sản xuất tập trung.
Những năm gần đây, theo ước tính mỗi vụ lúa ĐBSCL có từ 150.000 - 200.000 ha cánh đồng lớn trên tổng diện tích 1,6 triệu ha (chiếm khoảng 10%). Theo ý kiến của một số doanh nghiệp trong vùng, ĐBSCL chỉ cần xây dựng được 1 triệu ha cánh đồng lớn trên tổng diện tích gieo sạ hơn 3 triệu ha là hợp lý. Đồng thời, chỉ cần cho 20 doanh nghiệp lớn đầu tư với diện tích trung bình 50.000 ha/doanh nghiệp là được.