| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Khẩn trương bắt tay vào vụ tôm mới

Thứ Sáu 15/01/2021 , 12:13 (GMT+7)

Các tỉnh vùng ĐBSCL đang gấp rút bắt tay vào vụ tôm mới với nhiều cơ hội tốt về giá cả và thị trường xuất khẩu.

Thu hoạch tôm ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Thu hoạch tôm ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Bắt tay vào vụ

Năm 2021, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 282 ngàn ha, sản lượng phấn đấu đạt 289 ngàn tấn. Trong đó, tôm nuôi nước lợ diện tích 136 ngàn ha, sản lượng tôm nguyên liệu 98 ngàn tấn. Các hình thức thả nuôi gồm, thâm canh - bán thâm canh 4 ngàn ha, tôm - lúa trên 104 ngàn ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến.

Để có vụ tôm mới thắng lợi, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã có hướng dẫn về khung thời vụ thả giống tôm nước lợ 2021. Khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ đúng khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Thiết kế hệ thống nuôi hoàn chỉnh, thực hiện việc ương tôm giống trong ao ương, vèo lưới khoảng 3-4 tuần trước khi thả ra ao nuôi.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: Để có vụ tôm thắng lợi phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang Ảnh: Trung Chánh.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang Ảnh: Trung Chánh.

Giám sát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản nhập tỉnh ngay từ đầu vụ. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản và không để lây lan trên diện rộng nếu dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nước, giám sát dịch bệnh thủy sản, kịp thời thông tin đến người nuôi để chủ động trong sản xuất.

Thị trường nhiều thuận lợi

Ông Trương Đình Hoè, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: Ngành tôm năm 2021 sẽ có cơ hội ổn định sản xuất và xuất khẩu với điều kiện là không có dịch. Nhu cầu về tôm của thế giới rất ổn định và có xu hướng tăng, đây là cơ hội để tăng trưởng. Trung Quốc hiện nay vẫn có nhu cầu cao, trong năm 2021 sau khi họ giải quyết các vấn đề dịch bệnh sẽ trở lại bình thường. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới kể từ năm 2019.

Nuôi tôm siêu thâm canh ở Trà Vinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nuôi tôm siêu thâm canh ở Trà Vinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Cơ hội tiếp theo đó là thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ ở mức thấp. Năm 2020, chúng ta đạt được mức xuất khẩu vào Hoa Kỳ hơn 850 triệu USD. Một lợi thế nữa là thuế quan trong các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam vừa ký kết. Đây là những yếu tố rất quan trọng thúc đẩy thị trường, đặc biệt là Châu Âu. Ngoài ra, Việt Nam đã có hệ thống các chứng nhận bền vừng, đây là visa rất tốt để tăng trưởng về xuất khẩu.

Ông Hòe dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ tăng 10% trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu tôm được đặt mục tiêu tăng khoảng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 4,4 tỷ USD. Để thực hiện được việc này cần các giải pháp hỗ trợ đầu vào, giảm giá thành nuôi tôm. Vận động doanh nghiệp và người nuôi thực hiện việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện nay. Tăng quy mô chế biến sâu các sản phẩm và thực hiện chuỗi giá trị gia tăng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình ao nuôi có đánh số theo Luật Thuỷ sản hiện nay.

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã triển khai kỹ thuật, con giống và thức ăn cho hàng trăm hộ dân để áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao ở Trà Vinh. Thời gian qua, ngành chức năng và người dân nuôi đã thấy mô hình mang lại hiệu quả cao. Với cách nuôi này tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho sản lượng từ 50 - 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha, cao gấp 3 lần so với nuôi tôm truyền thống ngoài ao đất.

LÊ HOÀNG VŨ

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu xuất khẩu thủy sản đạt gần 75.000 tấn

Ông Phan Văn Sáu (ảnh), Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu: Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 74.800 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đông lạnh ước đạt gần 72.500 tấn, thủy sản khác đạt 2.400 tấn.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong năm 2020 đạt hơn so với kỳ vọng. Đây là kết quả đáng ghi nhận và phản ánh sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác phải ngưng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu vẫn trụ vững và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Một trong những kinh nghiệm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trong đại dịch Covid-19 là chủ động linh hoạt về thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Nghĩa là chuyển từ chế biến các mặt hàng thế mạnh sang nhu cầu của thị trường trong điều kiện ứng phó với dịch Covid-19.

Trước đây, doanh nghiệp đóng gói tôm đông với trọng lượng khoảng 5 - 10kg/sản phẩm, thì nay chỉ đóng từ 1 - 2kg/sản phẩm. Việc làm này đã giúp cho người tiêu dùng có thu nhập thấp dễ mua trong điều kiện phải tiết kiệm chi tiêu để chống dịch. Ngoài thông qua các kênh tiêu thụ lớn ở các siêu thị, còn quan tâm đến các đại lý bán lẻ thông qua sàn giao dịch điện tử bán hàng trực tiếp với các hộ dân trong điều kiện không cho họp chợ vì thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu vẫn duy trì thị trường truyền thống trước đây để tiếp tục xuất khẩu như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông... và có hướng mở rộng thêm thị trường mới ở các nước châu Á. Trước đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020 đã mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu.

TRỌNG LINH

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất