Vẫn ngóng thương lái
Tại Kiên Giang, theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Vấn đề nhân công thu hoạch và phương tiện thu hoạch đã được giải quyết nhưng tình hình thu mua vẫn diễn ra chậm. Đặc biệt, một số loại thuỷ sản đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều ngày qua vẫn chưa có thương lái đi thu mua như: tôm càng xanh, cá bớp, sò huyết, cua biển,… Dự kiến, sản lượng thu hoạch trong tháng 8, tôm nuôi và cá biển là 12.900 tấn, sò huyết 3.000 tấn, cua biển 3.500 tấn.
Cũng theo ông Toàn, hai mươi điểm bán hàng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Bưu điện tỉnh mở tại các bưu cục xã, phường chỉ bán được bình quân 2 - 3 tấn rau củ các loại mỗi ngày. Luỹ kế đến nay, các điểm bán này chỉ bán được trên 21 tấn hàng hoá.
Riêng Trung tâm hỗ trợ Nông dân và Giáo dục nghề nghiệp đã hỗ trợ nông dân, ngư dân tiêu thụ được 700kg cá, mực các loại; 1,3 tấn dưa leo; 500kg bí đao, khổ qua; 700kg khoai môn, 2 tấn bắp nếp và 100kg gừng trong ngày 8/8.
Còn tại Bến Tre, các loại trái cây, rau màu được thương lái tiêu thụ nhưng nhìn chung còn chậm và giá thấp. Tỉnh Bến Tre còn sản lượng lớn trái cây đã đến mùa vụ thu hoạch nhưng tình hình đi lại và nhân công thu hoạch còn khó khăn nên sản lượng nguy cơ ùn ứ tăng cao. Hiện, Bến Tre đang có sản lượng lớn bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, sầu riêng... khoảng 2.000 tấn.
Tại HTX Bưởi da xanh Bến Tre, nhiều ngày qua, hầu hết vùng nguyên liệu của HTX nằm ở các khu bị phong toả do xuất hiện các ca Covid-19 nên hợp tác xã đã ngưng hoạt động. Nhiều diện tích bưởi của nông dân đang bế tắc đầu ra. Theo ông Minh, một đại diện kinh doanh của HTX cho biết: Do phần lớn đi lại ở các khu phong toả khó khăn và kho dư trữ chưa hoàn thiện nên HTX đã ngưng hoạt động. Bưởi của đã chín gặp khó khăn về đầu ra.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre: Các thương lái đã tạm ngưng thu mua do việc vận chuyển qua lại giữa các địa bàn còn khó khăn. Bên cạnh đó, một số cơ sở thu mua chế biến dừa công nghiệp không đảm báo 3 tại chỗ nên việc tiêu thụ dừa cho người dân còn hạn chế. Phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ nên kết nối đầu ra còn hạn chế, khó khăn. Do đó, nông dân thu hoạch bán giá giảm, từ lỗ đến hoà vốn.
Nông sản ở vườn và chợ chênh lệch lớn
Qua nhiều ngày thực hiện giãn cách xã hội, tại một số chợ lớn nhỏ ở các địa phương, dù đã tổ chức mô hình chợ bình ổn giá nhưng hiện tượng giá cả bán lẻ hàng thực phẩm, rau củ, quả từ vườn ra chợ tăng giá, chênh lệch khá cao.
Tại nơi trồng rau xanh ở các huyện vùng ven TP. Cần Thơ, riêng loại rau muống dồi dào, cắt bán tại ruộng 10.000 đ/kg, nhưng xe chở ra tới khu vực chợ quận, huyện bán lẻ 15.000 đ/kg. Gà vịt nuôi thả vườn 120.000 đ/kg, nhưng ra tới chợ 130.000 - 140.000 đ/kg. Vịt xiêm từ 70.000 đ/kg hiện đã tăng 100.000 đ/kg.
Trong khi đó một số loại trái cây tại vườn còn lận đận, vì nhà vườn cần bán nhưng nhu cầu tiêu thụ nội vùng không cao nên giá rớt sâu khi bản lẻ tại các chợ nhỏ, chợ quê theo phiên buổi sáng. Mận hồng đào đá giá bán tại vườn 10.000 đ/kg, bán sỉ 1 bọc 10/kg giá 100.000 đồng nhưng chuyển về tới chợ, bán lẻ 20.00-25.000 đ/kg.
Hiện nay, một số vườn nhãn ở quận Thới Lai, Cờ Đỏ (Cần Thơ) nhà vườn muốn bán nhãn, nhưng tìm đầu ra khó nên giá bán tại vườn: Nhãn Ido 8.000 đ/kg, nhãn xuồng 10.000 đ/kg, thanh nhãn 20.000-25.000 đ/kg, đu đủ 6.000 đ/kg…
Theo một số nông dân canh tác rau màu qui mô nhỏ gia đình, muốn đưa hàng rau ra chợ xã, lên chợ huyện bằng cách thồ hàng trên xe 2 bánh như trước là không được, vì các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất chặt nên chủ yếu bán cho bà con lối xóm lân cận.
Một nông dân trồng rau ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết, hẹ bông tại rẫy bán 7.000-8.000 đ/kg, thuê nhân công cắt bán, vận chuyển thêm 5.000 đ/kg, nhưng ra tới chợ bán tới người tiêu dùng 24.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, do thực hiện Chỉ thị 16, người dân không được ra khỏi nhà. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân sản xuất, ở huyện có chỉ đạo đối với người sản xuất lúa được ra khỏi nhà 1 lần một tuần để thăm đồng. Nông dân sản xuất rau màu 3 ngày 1 lần. Còn đối với thu hoạch nông sản xem xét từng trường hợp để thu hoạch dứt điểm, càng nhanh càng tốt.