Biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, Nam Trung bộ được dự báo là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Mưa bão, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn biến rất bất thường, gây bất thuận đến sản xuất nông nghiệp. Các loại cây phù hợp với sự đỏng đảnh với thời tiết được lựa chọn. Cây đậu phộng (lạc), mè (vừng), những loại cây ít tốn nước tưới, hiệu quả kinh tế cao được thay thế cho nhiều diện tích lúa. Trong khi đó, cây dừa được đánh giá là rất thích ứng với gió bão và xâm nhập mặn vẫn bị lãng quên.
Khu vực Nam Trung bộ hiện có khoảng 40.000ha dừa, chủ yếu nằm trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Quảng Ngãi. Tỉnh có diện tích dừa nhiều nhất khu vực là Bình Định với gần 10.500ha.
Cây chịu được siêu bão
Dừa đã khẳng định là loại cây thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, nhất là có thể trụ được trước gió bão và xâm nhập mặn, rất xứng đáng được chọn trong công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp khu vực Nam Trung bộ.
Những vườn dừa trong khu vực Nam Trung bộ vẫn trụ vững sau những trận cuồng phong. (Ảnh: NK). |
TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV), nhớ lại: Sau khi cơn bão số 12 đổ bộ vùng Nam Trung bộ vào đầu tháng 11/2017, ông đã làm chuyến thị sát qua các tỉnh trong khu vực. Địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 12 là Khánh Hòa với sức gió cao nhất đạt cấp 12, giật cấp 15. Đến huyện Cam Lâm, vùng xoài trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, ông Cường chứng kiến những vườn xoài trốc gốc, cây xà cừ ngã đổ la liệt.
Thế nhưng tại các vùng dừa thuộc huyện Vạn Ninh và vùng dừa cuối TP Cam Ranh, cây dừa vẫn trụ vững trước những đợt cuồng phong. Ra đến vùng dừa Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định), nhìn những vườn dừa vẫn đứng hiên ngang sau gió bão kinh hoàng, ông càng khẳng định đây là loại cây “chịu siêu bão”.
“Gió bão không những đã không xô ngã, bẻ gãy được cây dừa mà còn không làm rụng được những quả dừa. Cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017 đổ bộ vào Khánh Hòa với sức gió kinh hoàng là thế nhưng số lượng quả dừa bị rụng không đáng kể. Vì vậy, có thể khẳng định dừa là loại cây có khả năng phi thường trong chống chọi với gió bão”, Tiến sĩ Hồ Huy Cường khẳng định.
Trong khi đó cây xoài ở Khánh Hòa ngã rạp sau cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017. (Ảnh: NK). |
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho hay: “Trên địa bàn toàn huyện có khoảng 3.000ha dừa, chiếm hơn 90% trong đó là dừa đã cho quả. Qua những đợt bão, cũng có một số cây bị ngã đổ, nhưng đó là những cây dừa đã có tì vết do bom đạn trong chiến tranh gây thương tích, chứ những cây khỏe mạnh vẫn trụ vững”.
Thích ứng xâm nhập mặn
Cũng theo TS Hồ Huy Cường, xâm nhập mặn do ảnh hưởng BĐKH đang đe dọa dải đất cát ven biển dọc các tỉnh khu vực Nam Trung bộ. Những vùng đất bị xâm nhập mặn thì không thể canh tác lúa và nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày khác. Tuy nhiên, đối với cây dừa thì... vô tư. Bởi, thực tế đã cho thấy, dừa được trồng trên những vùng đất cát ven biển có độ mặn nhất định thì chất lượng nước của quả dừa có vị ngọt ngon hơn dừa trồng trên đất thịt hoặc đất đồi.
Đơn cử như vườn dừa trồng trên đất cát ven biển rộng 1ha của ông Lê Xuân Bá ở thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Với giống dừa xiêm lùn du nhập từ tỉnh Bến Tre, ông Bá trồng trên vùng đất cát cằn khô ven biển đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.
“Dừa xiêm lùn da xanh trồng trên vùng đất cát ven biển khoảng chừng 3 năm là cho quả. Đặc biệt, nước dừa có vị ngọt thanh đậm hơn một số giống truyền thống trồng trên những đất khác, được người tiêu dùng ưa chuộng. Dù trồng trên đất cát nhiễm mặn nhưng dừa xiêm cho quả rất sai, mỗi buồng 30 - 40 quả, trung bình mỗi tháng tôi thu hoạch một lần khoảng 600 quả”.
Cây dừa vẫn trụ vững trước những đợt sóng thần kinh hoàng tại Suwatra (Indonesia) vào cuối năm 2018 (Ảnh minh họa) |
Giải thích vì sao dừa trồng trên đất cát nhiễm mặn có chất lượng nước ngon hơn dừa trồng trên những vùng đất khác, Tiến sĩ Hồ Huy Cường cho biết: Bà con mình có truyền thống đục thân cây dừa bỏ muối hạt vào để nước dừa ngọt hơn, bởi dừa là loại cây rất cần Clo có trong muối. Nhưng đó là dừa trồng trên những vùng đất thịt, dừa trồng trên đất cát ven biển đã được hưởng thụ Clo trong nước nhiễm mặn nên chất lượng nước ngon ngọt tự nhiên mà không cần phải được “tiếp” muối vào thân.
Theo TS Hồ Huy Cường, dải đất cát ven biển vùng Nam Trung bộ đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn, muốn tìm đối tượng cây trồng có thể chống chịu với tình trạng này thì cây dừa là lựa chọn số 1. Bởi, gió bão không thể làm ngã đổ cây dừa, dừa lại “ưa” những vùng đất cát nhiễm mặn nên có thể phát triển tốt. Nếu ven biển có rừng dừa làm bình phong che chắn thì những khu dân cư và diện tích đất nông nghiệp nằm bên trong cũng sẽ chịu ít thiệt hại hơn khi có gió bão xảy ra.
“Dải đất cát ven biển dọc Nam Trung bộ còn rất nhiều, có thể phát triển diện tích chuyên canh cây dừa lên đến 300.000 - 400.000ha. Khi ấy, vùng dừa Nam Trung bộ sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa gồm dừa uống nước và dừa chế biến, nông dân sẽ có thu nhập bền vững, đúng với mục tiêu của công cuộc xây dựng nông thôn mới”, Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung Bộ. |