| Hotline: 0983.970.780

Để lúa xuân mẩy hạt, nhanh chín

Thứ Tư 08/06/2011 , 10:59 (GMT+7)

Dự kiến lúa xuân muộn trổ bông tập trung khoảng từ 20- 30/6. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, những ngày lúa trỗ bông gặp điều kiện thời tiết bất thường như nắng nóng, gió mùa đông bắc muộn tràn về làm nhiệt độ chuyển mát đột ngột kèm theo mưa dông, là điều kiện thời tiết bất lợi cho lúa xuân giai đoạn trỗ-chín. Nếu không có biện pháp chăm sóc hợp lý năng suất và chất lượng lúa xuân sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Bón phân: Chúng tôi thấy nhiều ruộng lúa xuân do 1-2 tháng trước bị nghẹt rễ đẻ nhánh chậm, được nông dân bón thúc nhiều đạm nên giai đoạn lúa trỗ bông có nguy cơ thừa đạm. Biểu hiện bộ lá đòng (gồm 4 lá, lá đòng và 3 lá công năng dưới lá đòng) màu xanh đậm là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu, bệnh nguy hiểm tấn công. Bệnh đạo ôn cổ bông hại nặng khi trỗ gặp gió mùa đông bắc muộn. Bệnh bạc lá cũng gia tăng cấp bệnh nếu gặp thời tiết mưa to, trời nắng nóng. Rầy nâu tập trung hại nặng ở giai đoạn lúa chín sáp đến đỏ đuôi.

Những ruộng lúa có biểu hiện thừa đạm tuyệt đối không được bón thêm phân đạm, không bón phân hỗn hợp NPK, cũng không được phun các loại phân dưỡng lá trong thành phần chứa nhiều đạm. Bón ngay mỗi sào Bắc bộ 3-5kg kali nếu lúa chưa trổ bông, bón vào buổi chiều lúc lá khô sương. Khi lúa thấp tho trổ bông và lúc xuôi trái phun 2 lần phân bón qua lá, có hàm lượng kali cao như: Munty-K; Komix super zinc-K; Siêu kali… để hạt lúa to, mẩy chắc chín nhanh hơn bình thường 5-7 ngày, giải phóng đất sớm.

Những ruộng lúa có biểu hiện thiếu phân, bộ lá đòng ngả màu vàng nhạt. Nếu chưa trỗ có thể bón mỗi sào 0,5- 1kg đạm + 2- 3kg kali, phun 1-2 lần phân dưỡng lá lúc lúa thấp tho trỗ và xuôi trái. Giai đoạn lúa đang trổ bông có biểu hiện thiếu phân, không bón đạm và NPK, phun 2-3 lần phân bón lá chứa đạm và kali cân đối vào lúc thấp tho trổ bông, xuôi trái và chín sáp bằng các loại phân bón qua lá như: Atonic; Komix-RC; K-H701/702...

Giữ mực nước ngập 2- 3cm hoặc đảm bảo độ ẩm bão hoà (nhẵm chân mặt ruộng mềm thụt) giai đoạn trỗ đến chín đỏ đuôi. Từ chín đỏ đuôi đến chín hoàn toàn để đất nứt chân chim chống lúa đổ ngã, chín nhanh thuận lợi cho thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh: Lúa trổ bông giai đoạn này chịu rất nhiều áp lực về nhiều loại bệnh hại, chú ý phun thuốc phòng các bệnh: Đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép hạt, hoa cúc sẽ hại nặng lúa từ lúc phơi màu đến đỏ đuôi.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.