Chưa bao giờ, sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng phải đứng trước những khó khăn và thách thức về giá cả các loại vật tư như phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), xăng dầu, điện; giá ngày công lao động, giá thuê máy móc làm đất, thu hoạch…, tất cả đều liên tục tăng và tăng cao từ 1,5 đến hơn 2 lần so với cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Trong đó, giá cả các loại phân urê, kali tăng gấp hơn 2 lần; xăng dầu, hạt giống, thuốc BVTV… tăng từ 30 – 50%; tiền thuê nhân công lao động, thuê máy làm đất, thu hoạch tăng từ 40 – 50% so với vụ sản xuất hè thu 2021 và so với giá cả đầu năm 2022.
Với giá cả các loại vật tư, chi phí tăng cao như hiện nay, đầu tư để sản xuất 1 ha lúa ngay trong vụ hè thu và vụ mùa năm nay phải mất ít nhất 21 – 22 triệu đồng. Nếu vụ hè thu được mùa, năng suất lúa cũng chỉ ở mức 50 tạ/ha và vụ mùa có nơi chỉ khoảng dưới 40 tạ/ha. Với năng suất như vậy, người sản xuất lúa hoàn toàn không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Để giảm thiểu khó khăn do giá vật tư tăng cao, xin chia sẻ một số biện pháp chủ yếu sau:
Sử dụng phân bón tiết kiệm và hợp lý
Trước hết, thông qua việc giá cả các loại phân bón tăng quá cao như hiện nay, ít nhiều sẽ giúp nông dân từ bỏ dần tình trạng sử dụng phân bón vừa lãng phí, vừa tùy tiện, nhất là phân đạm.
Qua tổng kết nhiều vụ sản xuất cho thấy, không ít cơ sở sản xuất và bà con nông dân quá lạm dụng phân đạm để kéo cây lúa vươn cao, thân lá rậm rạp, màu sắc xanh đậm trông bắt mắt, nhưng hậu quả là tạo cơ sở cho các loại bệnh như đạo ôn, bạc lá, khô vằn… và các loại sâu như rầy nâu, sâu cuốn lá… có điều kiện phát sinh, phát triển phá hoại, vừa làm tăng chi phí sản xuất, vừa làm giảm năng suất lúa, thậm chí không có thu hoạch.
Vì vậy, sử dụng phân bón tiết kiệm và hợp lý hiện nay là việc làm cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, thông thường trước đây bà con nông dân thường đầu tư cho 1 sào lúa (500m2) hết 10 – 11 kg đạm urê (bón lót 3 – 4 kg, bón thúc đẻ 4 – 5 kg, bón nuôi đòng 2 – 3 kg). Nay, cần giảm đi từ 25 – 30% lượng đạm nói trên bằng cách bón lót giữ nguyên 3 – 4 kg, giảm bón thúc đẻ xuống còn 2 – 3 kg, bón nuôi đòng 1,5 – 2 kg.
Để việc giảm phân bón không làm ảnh hưởng tới năng suất lúa, bà con nông dân cần lưu ý: Trước khi bón phân, chỉ nên để nước trong ruộng từ 3 – 5 cm. Riêng bón lót, bón xong dùng bừa để bừa lại 1 lần trước khi gieo cấy để vùi phân vào đất, hạn chế mất đạm tự do. Các lần bón thúc lúa đẻ, bón nuôi đòng nên bón vào ngày trời khô ráo và bón vào lúc chiều tối là tốt nhất.
Cần sử dụng giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, chất lượng tốt. Đây là xu thế hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Tại nước ta, bà con nông dân ở các vùng miền trong cả nước cũng đang làm như vậy. Các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, nếu càng ngắn ngày càng tốt như các giống: Thiên ưu 8, Vật tư – NA6, VNR20, ADI 168, DH12, Bắc Hương 9… Thời gian sinh trưởng ngắn sẽ giảm bớt chi phí đầu tư phân bón rất nhiều so với các giống lúa dài ngày.
Gieo cấy mật độ thưa
Nên gieo cấy giống lúa dài, ngắn ngày khác nhau và trên từng loại đất tốt, xấu khác nhau. Hiện tại, tập quán gieo cấy dày ở hầu hết bà con nông dân ta vẫn còn duy trì khá phổ biến ở các địa phương. Cụ thể ở tỉnh Nghệ An, vùng lúa gieo sạ ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương… đang gieo bình quân trên dưới 4 kg hạt giống lúa/sào (500m2). Vùng lúa cấy, đang cấy ở mật độ 45 – 50 khóm/m2, mỗi khóm cấy 2 – 3 tẻ.
Với mức độ đầu tư thâm canh và ưu thế phát triển của các giống lúa hiện nay, bà con nông dân nên mạnh dạn gieo cấy thưa, vừa tiết kiệm giống để giảm chi phí sản xuất, vừa giảm chi phí đầu tư phân bón, nhất là phân đạm không cần thiết cho việc gieo cấy dày và cuối cùng năng suất lúa cũng không cao hơn, thậm chí còn có thể thấp thua hơn so với gieo cấy thưa.
Vậy, nên gieo cấy với mật độ nào là hợp lý nhất hiện nay? Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ nên gieo cấy ở mật độ thích hợp nhất hiện nay là: Nếu gieo sạ, gieo từ 2 – 2,5 kg hạt giống/sào (500 m2) đối với vụ xuân và từ 2,5 – 3 kg hạt giống đối với hè thu – vụ mùa.
Nếu là lúa cấy, cấy ở mật độ 36 – 38 khóm/m2 đối với vụ xuân và 40 – 42 khóm/m2 đối với hè thu – vụ mùa. Trung bình mỗi khóm cấy 1 – 2 tẻ là vừa.
Gieo cấy với mật độ nói trên không những giúp giảm phân bón, giảm lượng giống gieo cấy mà còn có tác dụng hạn chế đến mức thấp nhất khả năng phát sinh, phát triển của bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn và rầy nâu gây hại lúa.
Sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ
Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch, biến rơm, rạ thành nguồn phân hữu cơ có giá trị vừa cải tạo đất, vừa làm tăng hàm lượng mùn giàu dinh dưỡng cho đất và cây trồng.
Hiện nay, hầu hết bà con nông dân ta thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Sau thu hoạch để lại trên đồng ruộng một khối lượng rơm, rạ, gốc rạ tương đương số lượng thóc thu hoạch được trên chính diện tích đó (khoảng 6 – 6,5 tấn/ha trong vụ lúa xuân và 4,5 – 5 tấn/ha trong vụ hè thu), tương đương với 2,5 – 3 tấn phân chuồng được ủ hoai để bón vào ruộng.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO): Trong 1 tấn rơm rạ có lượng vật chất dinh dưỡng tương đương 7 – 8 kg urê, 10 kg lân, 40 kg kali, 7 kg silic, 6 kg canxi, 2 kg magie và nhiều loại nguyên tố vi lượng khác.
Việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, gốc rạ và cỏ dại… sau khi thu hoạch là biện pháp kỹ thuật đem lại hiệu quả rất lớn trong canh tác lúa hiện nay cả trên thế giới và ở nước ta. Cách làm này có thể làm giảm được 30% lượng phân vô cơ như đạm, lân, kali… bón vào ruộng. Ngoài ra còn có tác dụng khắc phục được bệnh vàng lá, đen rễ và thối do ngộ độc hữu cơ ở cây lúa sau khi gieo cấy.
Cần tận dụng hết tất cả các nguồn phân hữu cơ sẵn có ở trong mọi gia đình và ở từng địa phương để làm phân bón như: Phân chuồng gia súc, gia cầm; phân xanh các loại; phân bùn ao; phân hữu cơ vi sinh được sản xuất, chế biến từ bùn bã mía, bã sắn… Đây là nguồn phân rất lớn, rất có giá trị về cả dinh dưỡng cho cây trồng và rất có tác dụng để cải tạo đất lâu dài.
(*Bài viết là kinh nghiệm tác giả chia sẻ ở địa phương cụ thể, không phải quy trình do cơ quan quản lý nhà nước ban hành)