| Hotline: 0983.970.780

Để thực hiện hiệu quả dự án 'Không còn nạn đói'

Thứ Ba 26/11/2019 , 09:30 (GMT+7)

Là một trong 3 địa phương thực hiện thí điểm dự án, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn gặp một số khó khăn, lúng túng trong công tác triển khai.

17-41-45_1
Chuyên gia tổ chức FAO và đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đánh kiểm tra mô hình nuôi gà ở thôn Ra Manh.

Tuy nhiên, với những gì đã làm được cho thấy, hiệu quả mà dự án này mang lại đang từng bước nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.
 

Những tín hiệu tích cực

Thôn Ra Manh (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) được lựa chọn để thực hiện mô hình “nông nghiệp dinh dưỡng” theo Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là thôn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 50%, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng đang ở mức cao (khoảng 30%).

Hiện nay, nguồn lương thực của người dân trong thôn chủ yếu là lúa ruộng cộng với 1 phần nhỏ lúa rẫy, sắn và rau tự trồng hoặc hái trên rừng. Mặc dù vậy, với địa hình đa phần là đồi núi nên đất canh tác ít. Hằng năm, 1 số hộ dân vẫn lâm vào tình trạng thiếu lương thực, phải nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tỉnh, huyện… Cùng với đó, hoạt động chăn nuôi ở Ra Manh cũng rất manh mún, không ổn định vì thường xuyên phải chịu thiệt hại vì dịch bệnh.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, xã đã chọn ra 36 hộ dân trong thôn thuộc diện hộ nghèo, có bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ để triển khai thực hiện thí điểm dự án.

Tại địa phương, chương trình chính thức thực hiện vào khoảng tháng 9/2019 với chính sách hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ dân là 25 con gà siêu trứng Ai Cập, 25 con vịt xiêm và 1 phần thức ăn chăn nuôi. Người dân đóng góp chuồng trại và phần thức ăn còn lại.

“Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được khoảng 80% khối lượng dự án và đã có được những thành công bước đầu. Tất cả các đàn gà, vịt phát triển tốt, bắt đầu vào giai đoạn đẻ trứng. Còn mục tiêu đảm bảo dinh dưỡng thì đang tiếp tục thực hiện nên chưa có kết quả. Tới đây, dự án sẽ hướng dẫn cho bà con cách bảo quản, chế biến sản phẩm trứng như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày”, ông Vượt cho biết.

Vào ngày 20/11 vừa qua, đoàn công tác của Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cùng chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã đến xã Sơn Long để đánh giá lại mô hình này.

Ông Md Mofizur Rahman, chuyên viên chính sách của Tổ chức FAO nhận định, hiện nay mô hình tại thôn Ra Manh đang triển khai việc nuôi gà, vịt lấy trứng thì ngoài ra, các hộ gia đình có thể giết mổ lấy thịt làm thức ăn trong gia đình nhằm bổ sung dinh dưỡng hoặc những phần dư thừa từ thịt, trứng có thể bán ra thị trường để tăng thu nhập.

Ông Md Mofizur Rahman cũng cho rằng, thôn Ra Manh là một vùng đồi núi, vấn đề thời tiết sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của đàn gà, vịt khi còn nhỏ. Do đó việc ấp trứng tại chỗ cũng là một ý tưởng hay nhưng cần phải suy nghĩ kỹ vì gà con khi ấp nở phải trải qua một giai đoạn nữa là cần hệ thống sưởi để tránh không khí lạnh. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cho bà con, tránh thiệt hại do dịch bệnh.

17-41-45_2
Đời sống của người dân thôn Ra Manh đang rất khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 50%.

Cũng theo ông Md Mofizur Rahman, thì mỗi quốc gia thực hiện chương trình “Không còn nạn đói” theo những cách khác nhau. Như tại Bangladesh, quốc gia mà ông Md Mofizur Rahman mang quốc tịch thì Chính phủ nước này đã thành lập 1 Ban chỉ đạo Quốc gia với trưởng ban là Thủ tướng cùng sự tham gia, phối hợp của 17 Bộ, ngành khác nhau.
 

“Về việc điều phối và hợp tác liên ngành cần phải có sự tham gia của nhiều cấp từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, thử thách lớn nhất là ở cấp cơ sở, làm sao để các ban ngành cùng làm việc được với nhau. Đó là kinh nghiệm của Bangladesh.
Như vậy, có thể nói cấp độ chính sách, Bangladesh đã có những bước tiến lớn trong việc hoàn thiện môi trường thực hiện các quyết sách lớn của nhà nước. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách thì cũng như các quốc gia khác, còn nhiều bất cập, nút thắt tùy thuộc vào từng địa phương”, ông Md Mofizur Rahman chia sẻ.

Còn nhiều việc phải làm

Qua kiểm tra, khảo sát quá trình thực hiện dự án tại xã Sơn Long, ông Ma Quang Trung, chuyên gia tư vấn - Văn phòng thường trực không còn nạn đói cho rằng, gà vịt được hỗ trợ trong thôn Ra Manh lớn nhanh, chắc chắn sẽ cho trúng để ăn, bà con cũng đã được tập huấn phòng trừ dịch bệnh…

Mặc dù vậy, do đây là mô hình khó nên một số bước thực hiện dự án chưa đúng. Như việc thành lập các tổ hợp tác phải làm đầu tiên nhưng địa phương vẫn chưa thực hiện.

“Do đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải triển khai để giải quyết được các mục tiêu đề ra. Thứ nhất là phải đảm bảo các hộ có đủ lương thực, thực phẩm, đủ dinh dưỡng quanh năm. Việc này chủ yếu là phải khảo sát để kiến nghị. Thứ hai, là giảm suy dinh dưỡng của trẻ em bằng cách tập huấn cho các hộ gia đình. Thứ ba, phát triển hệ thống lương thực bền vững. Những hộ nào thiếu đói phải kết nối với xã qua quỹ hỗ trợ Quốc gia.

Cuối cùng là 100% các hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã thì phải thành lập để cùng trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời hướng dẫn cho bà con cách làm như thế nào để bảo quản lương thực, đảm bảo không hư hỏng, lãng phí”, ông Trung nói.

Trước những tồn tại được chỉ ra trong quá trình thực hiện dự án, ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long thừa nhận đây là dự án mới đối với địa phương nên còn bỡ ngỡ. Do đó, xã kiến nghị với Trung ương cùng với tỉnh thiết kế dự án rõ ràng hơn như có sổ tay hay văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm đạt được 5 mục tiêu.

“Đối với địa phương thì chúng tôi cũng cam kết, là cấp cơ sở cuối cùng thực hiện chính sách, xã sẽ tiếp tục vận động bà con nhằm đạt được mục tiêu giảm hộ nghèo, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng”, ông Vượt khẳng định.

Còn về kế hoạch thực hiện chương trình trong năm 2020 cũng như các năm tới, ông Ma Quang Trung cho rằng, việc hỗ trợ người dân tùy theo từng địa phương để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất. Cần phải điều tra, khảo sát xem địa bàn đó làm cái gì có tiềm năng, làm là có thu.

Tuy nhiên không nên làm những loại cây, con mà mất một thời gian dài mới thu hoạch được. Nên làm những loại cây, con thu hoạch được trong năm và có nguồn dinh dưỡng cho bà con ngay trong năm đó.

17-41-45_3
Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ở xã Sơn Long vẫn đang ở mức cao.
“Đối với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tôi đề nghị trong tháng 12/2019 hoàn thành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án để các địa phương có căn cứ triển khai. Một vấn đề nữa là công tác tập huấn cho các cấp từ Bộ cho đến tỉnh, huyện, xã phải làm ngay trong tháng 12 hoặc đầu tháng 1/2020. Việc tập huấn rất quan trọng nhưng chưa biết lấy nguồn từ đâu nên cũng rất mong muốn Tổ chức FAO sẽ hỗ trợ một phần kinh phí”, ông Ma Quang Trung nói.

Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình điểm

Ban chỉ đạo Chương trình “Không còn nạn đói” đã giao cho Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng khung pháp lý để thực hiện.

Căn cứ vào mục tiêu và nhiệm vụ của chương trình, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các Tổ chức quốc tế như FAO, IFAD thực hiện các mô hình dinh dưỡng cho người dân ở các tỉnh nghèo như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Trà Vinh, Bến Tre, Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình điểm và đề xuất với Ban chỉ đạo ban hành kế hoạch thực hiện toàn bộ chương trình. Một số nội dung cơ bản là: Xây dựng kế hoạch mô hình điểm; Xây dựng kế hoạch toàn bộ chương trình đến năm 2025.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng có nhiệm vụ phối hợp với tổ chức FAO xây dựng Dự án rà soát, xây dựng chính sách nhằm triển khai hiệu quả Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.