| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu

[Bài 8] Đêm không ngủ ở nhà khuyến nông viên và chuyện trên những đồi chè

Thứ Hai 19/07/2021 , 07:15 (GMT+7)

Tối hôm ấy tôi ngủ lại ở nhà anh Lã Thành Lâm, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Tất Thắng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) để nghe hàn huyên về chuyện nghề.

Phụ cấp khuyến nông viên chỉ đủ xăng xe, điện thoại

3h30 sáng, sấm như mìn nổ sát bên tai, mưa như thác đổ khiến tôi tỉnh giấc, thức dậy đã thấy bóng anh chập chờn bên ánh lửa lập lòe của cái đóm điếu cày. Như đã thành lệ, hầu như sáng nào anh cũng dậy sớm như thế ngâm cám đổ vào máng cho 10 con lợn, chăm bầy gà, dọn dẹp cửa nhà rồi mới đi lên xã làm việc.

Anh Lã Thành Lâm, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Tất Thắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lã Thành Lâm, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Tất Thắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ đi trông cháu trên phố huyện, gia đình còn có mẹ già nên bầy trâu 5 con, bò 4 con cuối cùng anh cũng phải bán hết để có thời gian cho công việc của một khuyến nông viên: “Việc của tôi do 5 cơ quan quản lý gồm UBND huyện, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - BVTV, Trạm Thú y.

Ngày liên tục nhận các văn bản chỉ đạo, họp bàn, nhiều lúc tối về mới đeo đèn pin đi cắt cỏ cho trâu, ngâm cám cho lợn. Lợn ngày chỉ được ăn 2 bữa, trâu bò ngày chỉ được ăn 1 bữa rồi cuối cùng cũng phải bán tất trâu bò đi.

Hơn 1 năm nay, áp dụng 4.0 báo cáo bằng điện thoại, nhóm zalo nên mỗi tuần tôi chỉ phải đến Ủy ban xã 2 lần, thời gian còn lại đi triển khai hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn cho dân. 20 năm công tác, giờ làm tổ trưởng tổ khuyến nông tôi được hỗ trợ 1,6 triệu/tháng, còn 2 tổ viên được 1,5 triệu/tháng, chỉ đủ xăng xe, điện thoại.

Trong khi đó, xã có 130 ha đất lâm nghiệp, 72 ha chè, 200 ha lúa, 70 ha rau màu…, rất nhiều đầu việc. Có khi đi tiêm phòng chó dại, dân trả 20.000 đồng thì thuốc mất 13.800 đồng, công chỉ được 6.200 đồng, chẳng may bị cắn, không có bảo hiểm, 9 mũi tiêm cũng mất trên 2 triệu đồng. Có khi cứu cả con bò nhưng bởi nhà nghèo nên 100.000 đồng tiền công họ cũng không có mà trả. Tôi làm vì yêu nghề thôi chứ nhiều người trẻ học cao đẳng, đại học mà chỉ nhận phụ cấp thấp như vậy cũng chẳng thích…”.

Anh Lã Thành Lâm, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Tất Thắng đang nói chuyện về kỹ thuật với dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lã Thành Lâm, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Tất Thắng đang nói chuyện về kỹ thuật với dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trời dần về sáng, anh Lâm pha ấm chè rồi chúng tôi cùng ngồi chuyện tiếp: “Chè này tôi thường mua của ông Đinh Văn Quyết, bà Nguyễn Thị Đài của khu 15, họ áp dụng IPM, không phun thuốc, ngoài để dùng thì bán cho anh em. Giá 80.000đ/kg khô, rẻ quá nên không ai nỡ mặc cả.

Nói chuyện sản xuất an toàn lại nhớ cách đây hai năm vào một đêm trăng sáng, có mấy người trong xóm đi chơi, nghe tiếng xì xì trên đồi chè, tưởng là rắn, họ soi đèn vào, hóa ra có người đang đeo bình đi phun thuốc. Chủ vườn bị vôi hóa cột sống, luôn miệng bảo đau lưng không đeo được bình phun thuốc nên chè bán ra được mọi người tranh nhau mua nhưng kể từ hôm bị bắt gặp quả tang đó đã không thể bán cho ai nữa.

Khuyến nông chỉ xui dân làm tốt, tỷ lệ IPM trên chè của xã hiện được 50%, tuy nhiên khó mở rộng tiếp vì một số lý do. Thứ nhất là sản phẩm làm ra vẫn bán rẻ như chè thường. Thứ hai dân muốn được hỗ trợ phân vi sinh, thuốc sinh học thì phải vào tổ hợp tác có diện tích từ 3 ha, vào HTX có diện tích từ 5 ha trở lên, mỗi xã viên góp tối thiểu 0,5 ha, trong khi đó nhiều hộ diện tích rất nhỏ lẻ, không liền vùng.

Những người áp dụng IPM gần như không phun thuốc nữa, còn lại vẫn dùng nhưng giảm cỡ 70% về lượng so với trước đây, chuyện phun kích mầm, kích lộc ít còn thấy, chuyện vứt vỏ bao bừa bãi cũng vậy. Mới đây, Chi bộ 9 của xóm Sui còn họp bàn không dùng cả thuốc trừ cỏ nữa…”.

Phú Thọ có trên 500 cán bộ khuyến nông viên cơ sở, sau hai lần đề nghị mới nâng được phụ cấp cho họ như hiện nay. Việc nâng tiếp cho cập với nhu cầu của cuộc sống là khá khó khăn bởi còn liên quan đến nhiều cán bộ hưởng phụ cấp khác ở nông thôn.

HTX nói không với phun thuốc BVTV

Trời cứ chốc mưa, chốc tạnh nhưng tôi cùng với anh Lâm vẫn leo lên những khu đồi của HTX Chè Cẩm Mỹ. Đang dịp thu hái, rộn rã tiếng nói cười. Những bàn tay thoăn thoắt ngắt 1 tôm 2 lá nhưng lựa nhẹ để tránh chạm vào một cái tổ chim sâu làm rất kín ngay dưới tán chè. Cạnh đó là 500 thùng ong du mục của ông chủ ở tận Sơn La đưa về. Lũ ong rất tinh, chỉ hút mật, lấy nhụy hoa ở những vườn chè không phun thuốc.

Hái chè ở HTX Chè Cẩm Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hái chè ở HTX Chè Cẩm Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đinh Mạnh Cường, Giám đốc HTX cho hay trước khi có HTX bà con mình vẫn trồng chè kiểu cá thể, lắm lúc sâu bọ nhiều, mỗi tháng có khi phải phun 3 lần. Nguyên liệu đó bỏ chè vào sao chỉ vài phút gặp nóng hơi thuốc BVTV bốc lên cay mắt, tức ngực nhưng hồi đó còn trẻ thành ra anh Cường chưa biết sợ. Làm chè hàng chợ giá rẻ lại bấp bênh nên cái nghèo cứ đeo bám mãi như nhựa chè ở trên tay người hái.

Nhiều lần về thăm quê chồng, chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, giảng viên trường Đại học Hùng Vương thấy người em làm lụng vất vả, độc hại quá mới khuyên: “Làm thế này suốt đời sẽ không khá được vì sản phẩm nhiều nhưng lợi nhuận ít, phải làm chè an toàn, có thương hiệu mới lãi nhiều được”.

Anh Cường nghe bùi tai, quyết định làm đầu tiên. Trước đây dùng thuốc hóa học phun cái sâu chết ngay nhưng khi anh dùng thuốc sinh học phun xong một tuần mới thấy chúng giảm mật độ. Trước đây, hễ thấy chè kém năng suất là anh mua đạm về rắc gốc nếu trời nắng, còn trời mưa thì tung trên mặt tán là dăm ngày sau lá chuyển màu xanh ngắt, búp trổ nhiều, có thể hái luôn trong khi đáng ra phải cách ly 15 ngày. Theo phương pháp mới, anh Cường kết hợp cả phân hữu cơ với vô cơ.

Anh Đinh Mạnh Cường, Giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ đang hái chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đinh Mạnh Cường, Giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ đang hái chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây chè 2 luống, để riêng nhà uống thì cách ly thuốc được thời gian lâu còn bán thì chẳng cần tuân thủ. Nay lên đồi hái chè bán nhạt mồm, nhạt miệng anh có thể nhai luôn vài búp một cách ngon lành. Sản phẩm làm ra, người nhà dùng trước sau đó hàng xóm rỉ tai nhau tìm mua. Giá bán tăng gần gấp đôi so với chè thường dù năng suất kém hơn vẫn cho anh lợi nhuận khá.  

Lúc này, anh Cường đứng lên thuyết phục mọi người thành lập HTX: “Chúng ta không thể làm chè trôi nổi, không có thương hiệu mãi được mà làm ra sản phẩm phải có trách nhiệm với nó, phải đặt chữ tâm lên trên hết”.

Mất 1 năm vận động, HTX mới thành hình. Thế nhưng đang từ canh tác thông thường chuyển sang làm an toàn, cách rách, lắm công đoạn nên 2 người định bỏ cuộc, lại phải thuyết phục tiếp. Giờ đây HTX có 7 thành viên nòng cốt với 8,7 ha cùng 3 hộ liên kết nữa, tổng diện tích là 15 ha.

Anh Đinh Mạnh Cường, Giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ đang sao chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đinh Mạnh Cường, Giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ đang sao chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về sau anh Cường còn bỏ luôn cả việc dùng thuốc sinh học bởi: “Sợ người ta nhìn thấy mình khoác bình đi phun sẽ rất khó giải thích cho cả làng, cả xã rằng là thuốc hóa học hay sinh học”. Hiện diện tích chè của 7 hộ thành viên HTX hoàn toàn không phun thuốc nhờ làm sạch cỏ bằng tay kết hợp với máy, bón phân loại tốt, khi phát hiện sâu bệnh tới ngưỡng thì phát hết tầng lá đó đi, lứa búp mới sẽ tránh được lứa sâu kế tiếp.

Việc hái chè tuân thủ nghiêm kiểu 1 tôm 1 lá hay 1 tôm 2 lá chứ không như trước cứ nắm, dứt, bẻ, tuốt miễn sao cho được nhiều. Mọi hoạt động chăm sóc chè đều được ghi chép lại cẩn thận, được các thành viên giám sát chéo nhau qua làm đổi công. Sản phẩm làm ra được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Chè Cẩm Mỹ, có bán giá từ 250-600.000đ/kg tùy loại. Còn diện tích chè liên kết thì chỉ được hỗ trợ tập huấn, phân vi sinh, cây giống chứ không được đóng bao bì nhãn mác của HTX cho đến khi cùng làm theo một quy trình.  \

Kế hoạch sắp tới của HTX là sẽ xây dựng nhà xưởng, hệ thống tưới, hiện đại hóa máy móc, tham gia OCOP nhưng nguồn lực đầu tư đã dốc gần hết nên vẫn còn thiếu cỡ 1 tỉ để hoàn thiện theo yêu cầu của dự án nâng cao chất lượng chè xanh. Khó nữa là do dịch Covid nên sản phẩm bán chậm và rẻ.

Lượng thuốc BVTV dùng ít đến không ngờ  

Với diện tích đất canh tác hơn 12.900 ha nhưng theo thống kê lượng thuốc BVTV sử dụng tại Thanh Sơn năm 2020 chỉ là 0,26 kg/ha trong đó sinh học 0,1 kg. Để giảm thiểu thuốc hơn nữa, huyện đề ra mục tiêu trong năm 2021 là 100% số xã, thị trấn có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết về IPM, với lúa ứng dụng trên 50%, với chè trên 35%, với rau trên 20%...

Anh Đinh Mạnh Cường, Giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ bên sản phẩm mình làm ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đinh Mạnh Cường, Giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ bên sản phẩm mình làm ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Văn Hoan, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Sơn cho biết vụ mùa năm 2020 đơn vị đã xây dựng mô hình giống lúa nếp Quạ đen trên diện tích 3 ha ở xã Thắng Sơn. Đây là một đặc sản của địa phương được chính anh làm đề tài giữ giống, phục tráng từ năm 2003 đến nay. Mô hình thực hiện theo hướng hữu cơ, bón toàn bộ bằng phân chuồng cộng kali, không dùng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng.

“Diệt ốc bươu vàng bằng vôi là sáng kiến của tôi, đạt tỷ lệ chết có thể lên tới 95%. Cụ thể là ruộng bừa lên, tháo nước vào sao cho sột sệt đất rồi tung 15-20 kg vôi bột, phơi khoảng 10 ngày. Ngoài tác dụng diệt ốc, vôi bột còn khử chua cho đất, cung cấp vi lượng, cải tạo đồng ruộng, phục hồi sinh thái, giúp cho lượng tôm cá phát triển khác hẳn so với mọi năm.

Nếp Quạ đen tuy có thời gian sinh trưởng 142 ngày, năng suất 160 kg/sào nhưng giá thóc 25.000-30.000đ/kg, cho hiệu quả kinh tế khá. Từ đó mà vụ mùa năm nay dân tự nâng diện tích cấy Quạ đen kiểu hữu cơ lên cỡ 30 ha. Chúng tôi đang đặt mục tiêu hình thành ở đây làng nghề sản phẩm OCOP với bánh chưng, bánh dầy, với chổi rơm bởi rơm của nó dai, thơm, bền đẹp”. Anh Hoan chia sẻ.  

Ông Lê Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ: Năm 2020 tỉnh triển khai 5 dự án nâng cao chất lượng chè xanh, trong đó đơn vị là đầu mối còn địa phương là chủ đầu tư. Vì hỗ trợ kiểu sau đầu tư nên một số HTX cũng khó tiếp cận, khó thực hiện dự án bởi nguồn lực hạn chế nên trong thời gian sắp tới cần phải sửa đổi cơ chế linh hoạt hơn.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.