| Hotline: 0983.970.780

Đêm sớm ở plei Bir

Thứ Hai 08/09/2014 , 08:32 (GMT+7)

Cách trung tâm xã Ia Yeng chưa đến 2km, cách trung tâm huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) cũng chỉ khoảng 6km, tuy nhiên sau 5 năm, kết quả của dự án tiền tỷ dành cho nhân dân plei Bir (làng Bir) vẫn chỉ là: Không điện - không nước và nhiều thứ “không” khác…

ĐÊM YÊN TĨNH Ở LÀNG BIR

Năm 2009, trước nhu cầu thành lập làng mới với đầy đủ điều kiện sinh hoạt và đất SX, làng Bir được thành lập thuộc xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).

Tháng 8/2009, cùng với 40 hộ dân hồ hởi về định cư ở làng mới (làng Bir thuộc xã Ia Yeng), gia đình chị K’sor H’Đam gồm hai vợ chồng và đứa con nhỏ chia tay làng cũ - làng Plei Kte, với ngập tràn hy vọng cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Được Nhà nước hỗ trợ tiền tôn và nền nhà, anh chị xây được căn nhà mới bề thế, khang trang hơn ngôi nhà ở làng cũ.

Tuy nhiên, niềm vui chỉ thoáng qua, còn nỗi buồn thì ở lại với gia đình chị H’Đam và dân làng Bir từ 5 năm nay bởi không điện, không nước sinh hoạt, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Dưới ánh đèn dầu hỏa tù mù, chị H’Đam kể: Ngày đầu về đây, ai cũng vui mừng vì hy vọng làng mới gần trung tâm hơn, con em đi học dễ dàng; đất SX thì được Nhà nước bố trí…

Vậy mà cuộc sống, sinh hoạt gần như bị đảo lộn hoàn toàn khi mà mọi sinh hoạt về đêm chỉ diễn ra dưới ánh đèn dầu mà đường kính quầng sáng không quá hai mét.

Tay cầm chiếc đèn dầu, chị dắt chúng tôi đến góc nhà, ở đó có một chiếc ti vi cũ, trên nóc chiếc TV là hàng đống đồ sinh hoạt không tên, màn hình là một lớp bụi phủ dày. Nó nằm không ở góc nhà này đã hơn hai năm nay.

Chị H’Đam cho biết, chị về làng mới mà chưa có điện, bạn của chị tặng gia đình chị chiếc ti vi đen trắng dùng bình ắc- quy. Dùng được một thời gian thì bình ắc - quy bị hỏng, chiếc ti vi cũng “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” từ đó.

“Chưa có điện thì dùng tạm đèn dầu, chưa có nước sinh hoạt thì chịu khó đi lấy ở xa. Lâu rồi cũng quen. Chỉ thương lũ nhỏ trong làng tối đến đi ngủ trước cả… gà, rồi còn ảnh hưởng đến việc học hành của chúng nữa chứ”, chị H’Đam nói trong lo lắng.

Là Chi hội trưởng Phụ nữ của thôn, chị H’Đam thường xuyên tâm sự, vận động bà con, chị em trong làng cố gắng khắc phục khó khăn, rồi cũng có ngày Nhà nước sẽ đưa điện, đưa nước sạch về cho dân làng. Mọi người cũng vui vẻ nghe chị, nhưng không thể vui vẻ với cuộc sống, với sinh hoạt thiếu thốn những điều thiết yếu nhất. Hàng đêm, nhìn sang làng bên ở trung tâm xã, cách nhau hơn cây số mà bên ấy trẻ con được học bằng đèn điện, được xem ti vi màu, còn con em mình thì…

Có lẽ vì vậy mà con gái của chị Nay H’Đươm và anh Siu Ring - mới mười bảy tuổi nhưng đã kịp có đứa con hơn một tuổi cho anh chị bế. Đứa con trai kế của anh chị cũng đã bỏ học vì “học đèn dầu cháu không đọc được cái chữ, nhức mắt lắm!”. Ban ngày học một buổi, một buổi phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng, nương rẫy, tối đến không có điện nên phải đi ngủ sớm… Chẳng biết lũ trẻ làng Bir học bài vào lúc nào!

Không có điện, đồng nghĩa với việc người làng Bir cũng không có nước sinh hoạt. Nhớ khi mới chuyển về làng, nhìn trạm bơm cung cấp nước sạch được xây dựng bề thế, đường ống dẫn nước về tận nhà, rồi van nước cũng được hỗ trợ, người dân chỉ cần vặn vòi là có nước sạch để dùng. Vậy mà đã 5 năm, người làng Bir vẫn phải dùng nhờ nước giếng khoan làng bên để ăn và uống, còn giặt giũ, tắm rửa thì… Hỏi ra mới biết: Do không có điện nên trạm bơm không thể vận hành, theo đó, những van nước bằng kim loại cũng dần hoen rỉ.

Không điện thắp sáng, không có nước sạch, không có nhà sinh hoạt cộng đồng… Đêm ở làng Bir đến sớm và yên tĩnh đến lạ. Thi thoảng, làng bên cách đó hơn cây số lại văng vẳng tiếng nhạc của nhà nào đó hát karaoke, lũ nhỏ làng Bir ngóc đầu lắng nghe rồi lại chép miệng nằm xuống, cố ru giấc ngủ trong nỗi thèm khát mông lung…

15-01-02_hng-ngy-nguoi-dn-lng-bir-phi-ly-nuoc-ve-uong-nu-n-git-giu
Hằng ngày, người dân làng Bir phải đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt

“RỒI SẼ CÓ THÔI!”

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện- ông Nguyễn Anh Tuấn, khi nói về việc sẽ sớm đưa điện về cho làng Bir.

Nhớ năm 2009, 40 hộ dân tiên phong đến làng mới mang tên plei Bir với ngập tràn hy vọng. Mà họ có quyền hy vọng khi mà tám trăm triệu đồng được huyện chi ra cho làng mới để hỗ trợ nhà ở, công trình nước sạch (trụ nước bơm tay), khai hoang đồng ruộng… Bây giờ, theo Chủ tịch UBND xã Ia Yeng - ông Dương Văn Tuấn thì: Làng Bir đã lên đến 65 hộ với 306 nhân khẩu. Trong 65 hộ của làng Bir thì đã có đến… 61 hộ nghèo!

Mới đây, dự án kéo điện về làng Bir lại được nhắc đến với tổng kinh phí 563 triệu đồng dành cho công trình đường điện 3 pha, 22 KV. UBND xã Ia Yeng, UBND huyện Phú Thiện, các phòng ban của huyện đã tích cực cho dự án này.

Ông Tuấn cho biết: Hiện đã hoàn thành được chín trên mười bảy hố trụ đưa điện về làng. Tuy nhiên, việc di chuyển và trồng trụ sẽ ảnh hưởng đến diện tích lúa dưới ruộng của bà con do trụ nặng, phải thi công bằng máy cẩu. Có gì đâu một vài mét vuông lúa để đổi lấy việc đưa ánh sáng về làng! Người dân làng Bir sẵn sàng hy sinh, xã Ia Yeng cũng đã kịp thời hỗ trợ kinh phí cho những diện tích lúa bị hư hại do thi công đường điện.

Vậy mà một lần nữa, người dân làng Bir lại thất vọng khi biết rằng: Đường điện nói trên, theo thiết kế chỉ để phụ vụ trạm bơm thuộc công trình nước sạch được xây dựng trước đó. Còn việc thắp sáng và những nhu cầu sử dụng điện khác của bà con làng Bir, xem ra vẫn “tối tăm” lắm. Trước sự bất cập trên, UBND huyện Phú Thiện đã gợi ý các ngành liên quan cùng đơn vị thi công nên tính toán lại, nếu thấy cần thiết thì đề nghị bổ sung kinh phí, mục tiêu là đảm bảo đủ cung cấp điện cho cả làng Bir.

Ông Tuấn khẳng định: “Dân làng Bir rồi sẽ sớm có điện thôi. Không vì lý do gì mà một đường điện chỉ để phục vụ cho mỗi trạm bơm nước. Bất cập lắm!”.

Vâng. Người dân làng Bir lại có quyền hy vọng khi ông Phó Chủ tịch huyện đã tuyên bố đầy quyết tâm như vậy. Và chúng tôi cũng được quyền hy vọng: Lần sau về lại làng Bir, sẽ được ê a bài học cùng các em nhỏ dưới ánh điện sáng trưng, sẽ không còn phải nằm mơ giấc mơ karaoke bên làng bạn, sẽ được nô đùa hết mình dưới ngập tràn ánh sáng và sau đó, sẽ thỏa thuê tắm gội bên những vòi nước mát lành được dẫn về từ trạm bơm gần đó.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngàn người về đại ngàn Cúc Phương tránh nắng nóng dịp nghỉ lễ

Ngay trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay, hơn 2.000 lượt khách đã đến Vườn Quốc gia Cúc Phương tận hưởng không khí dịu mát, dễ chịu của đại ngàn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm